Gạo- đã đến lúc chấm dứt điều hành theo cảm tính!

Tài Dũng Thứ sáu, ngày 28/07/2023 10:19 AM (GMT+7)
Chúng ta cần nắm bắt thời cơ lớn để kịp thời giúp người trồng lúa có thêm cơ hội kiếm được đồng lãi trên hạt gạo của mình. Mong muốn duy nhất hiện nay của người nông dân là các quan chức điều hành thị trường gạo nghiên cứu kỹ thời cơ của hạt gạo Việt Nam,
Bình luận 0

Thị trường hạt gạo Việt bất ngờ sôi động ngoài tất cả các dự báo ngay thời khắc Chính phủ Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo ngày 20/7. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gạo đang tập trung mọi nguồn lực để thu mua tất cả lúa gạo trên thị trường còn người nông dân thì vui mừng khôn siết khi cơ hội kiếm được đồng lãi từ nghề trồng lúa đang đứng ngay trước mắt!

Giá gạo mấy ngày qua biến động từng giờ, ngoài mong đợi của người nông dân, thậm chí cổ phiếu của các doanh nghiệp kinh doanh gạo tăng vọt trước sự ảm đạm của thị trường chứng khoán.

Thị trường gạo thế giới trước tháng 4/2008, đang êm ả thì bất ngờ nhận lệnh cấm xuất khẩu từ Chính phủ Ai Cập. Thông tin này được truyền thông thế giới quan tâm và đẩy quá đà thành sự kiện an ninh lương thực toàn cầu.  

Trên thực tế, Ai Cập chỉ là quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ 8 trên thế giới, với sản lượng xuất khẩu hàng năm rất nhỏ (dưới 1 triệu tấn/ năm) nhưng một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu dưới ngòi bút của truyền thông thế giới đã ngay lập tức đẩy giá gạo 5% tấm đang ở mức dưới 330 USD/tấn lên qua đỉnh 1.000 USD/tấn.

Thời điểm đó, Việt Nam đang vụ thu hoạch lúa với sản lượng rất lớn nhưng đã không nắm bắt được cơ hội lớn này. Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công thương đã bị cuốn theo vòng xoáy ảo của truyền thông thế giới rằng khủng hoảng lương thực toàn cầu sắp xảy ra. Một quyết định vô cùng bất lợi cho người nông dân của Chính phủ thời điểm đó là lệnh cấm xuất khẩu gạo ban hành vào tháng 5/2008. Những tưởng, người nông dân đang sắp có cơ hội bán hết sạch số gạo hiện còn trong kho để lấy tiền đầu tư trồng vụ lúa mới, kiếm được đồng lãi từ hạt gạo thì giá gạo ngay lập tức, giá gạo trong nước sụt giảm từ 9.000 đồng/kg đã giảm thẳng đứng về mức 4.500 đồng/kg sau lệnh cấm!

Lệnh đã ban hành! Cơ hội đổi đời của người nông dân bỗng chốc tan biến. Tuy nhiên, lệnh cấm này của Việt Nam đã giúp Ấn Độ trở thành quốc gia không có đối thủ cạnh tranh trên thị trường gạo thế giới, giúp người nông dân Ấn Độ thu lợi lớn.

Ở thời điểm hiện nay, Ai cũng biết, Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với sản lượng gạo đạt 55,4 triệu tấn vào năm 2022. Sản lượng gạo xuất khẩu hàng năm chiếm khoảng 40% lượng gạo xuất khẩu của thế giới, nhiều hơn tổng lượng xuất khẩu của 4 nước xuất khẩu gạo lớn tiếp theo cộng lại là Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ. Ấn Độ cũng là quốc gia xuất khẩu gạo sang hơn 140 nước. Nông dân Ấn Độ trồng lúa 2 vụ trong một năm. Vụ hè bắt đầu trồng từ tháng 6 chiếm hơn 80% tổng sản lượng trong năm. Vào những tháng mùa đông, lúa nước chủ yếu được trồng ở các bang miền trung và miền nam với sản lượng chỉ là 20% còn lại.

Là quốc gia có sản lượng gạo lớn, xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới nhưng Ấn Độ không chú trọng công tác dự trữ gạo. Việc ảnh hưởng của El Nino làm đảo lộn ngành trồng lúa toàn cầu trong đó có Việt Nam, sụt giảm sản lượng, công với việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trước kỳ bầu cử năm 2024 là nguyên nhân chính đưa đến lệnh cấm xuất khẩu gạo của Chính phủ Ấn Độ.

Việc cấm xuất khẩu gạo của Chính phủ Ấn Độ đã tác động trực tiếp đến an ninh lương thực toàn cầu, khác hẳn việc mất an ninh lương thực trên truyền thông thế giới sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Chính phủ Ai Cập hồi tháng 4.2008.

Việt Nam hiện tại đủ khả năng đảm bảo an ninh lương thực. Tất cả các chuyên gia lương thực Việt Nam đều khẳng định, Việt Nam không thể thiếu gạo. Tất cả các địa phương miền Bắc đều tự cân đối đủ lượng lương thực cần thiết để đảm bảo cung cầu tại địa phương. Thời vụ sản xuất xuất lúa hiện tại đã rút ngắn từ 90-100 ngày và thời điểm thu hoạch có thể gần như liên tục từ Bắc vào Nam thì việc thiếu lương thực tại Việt Nam không thể xảy ra. 

Như vậy, chúng ta có thể khẳng định, nhu cầu mua gạo của nhiều nước trên thế giới hiện giờ là hiện hữu ngay sau lệnh cấm của Chính phủ Ấn Độ. Nhiều nước đã sẵn sàng trả tiền để có được các hợp đồng mua gạo từ Việt Nam, khác hẳn sự thiếu hụt trên báo chí toàn cầu sau lệnh cấm của Chính phủ Ai Cập năm 2008.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể biết được, Chính phủ Ấn Độ duy trì lệnh cấm này đến thời điểm nào và bất ngờ rỡ bỏ lệnh cấm này lúc nào!

Nhưng, trước mắt, chúng ta cần nắm bắt thời cơ lớn để kịp thời giúp người trồng lúa có thêm cơ hội kiếm được đồng lãi trên hạt gạo của mình. Đây cũng là cơ hội để các nhà kinh doanh gạo Việt Nam tiếp cận được nhiều thị trường mới với nhiều nhu cầu khác nhau để có những điều chỉnh hợp lý về chất lượng hạt gạo.

Và cái mong muốn duy nhất hiện nay của người nông dân là các quan chức điều hành thị trường gạo nghiên cứu kỹ thời cơ của hạt gạo Việt Nam, đừng điều hành thị trường theo cảm tính như lệnh cấm  năm 2008.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem