Một thứ "luật" ngoài luật - "Ai cho doanh nghiệp lương thiện"?

Đào Tuấn Thứ tư, ngày 19/07/2023 14:42 PM (GMT+7)
Trước khi được cấp phép chuyến bay, các hồ sơ của Công ty Thuận An đã 8 lần bị Cục Lãnh sự "làm khó". Đến lần thứ 9 mới được cấp phép, sau khi phải chi cho Cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan 600 triệu đồng.
Bình luận 0

Lời khai trước toà của bị cáo Vũ Minh Thắng, Giám đốc Công ty Thuận An. Để rồi cuối cùng, từ 600 triệu đồng hối lộ lần đầu tiên, Vũ Minh Thắng đã phải đưa hối lộ tới hơn 2,1 tỉ đồng để được cấp phép 6 chuyến bay và 12 đoàn khách lẻ. Để rồi hôm nay, ông chủ doanh nghiệp ngày nào trở thành bị cáo, tay đeo còng số 8, đứng trước vành móng ngựa, và đối mặt với một án tù không hề ngắn.

Có rất nhiều những lời khai như vậy tại phiên toà "chuyến bay giải cứu".

Bị cáo Đào Minh Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Vijasun thậm chí ví Cục Lãnh sự như "Cục hành dân" để nói về nỗi khổ của doanh nghiệp. Bởi khi tổ chức các chuyến bay, Công ty Vijasun của ông Dương phải thế chấp trước tiền thuê máy bay (mỗi lần từ 6-9 tỉ đồng). Công dân nước ngoài muốn về nước thì phải trả tiền nhà, xin nghỉ việc, gửi đồ đạc...Trong khi cứ mai bay thì hôm nay mới được cấp phép. "Ở Cục Lãnh sự, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan còn gây khó khăn, bảo bị cáo đưa tiền nhưng bị cáo không đưa nên sát ngày mới cấp phép"- lời khai của bị cáo Dương. 

Có câu, "có dầu thì tàu mới chạy" đã đúng đến đau đớn trong trường hợp này. Việc không "có dầu" chẳng những hành hạ công dân, trong hoàn cảnh dịch bệnh phải tìm đường về nước, mà còn khiến doanh nghiệp "khó khăn cùng cực", phải ở vào thế không thể không hối lộ.

"Không dầu thì tàu không chạy" cũng là hoàn cảnh của bà Hoàng Diệu Mơ, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại du lịch dịch vụ hàng không An Bình.

Ban đầu doanh nghiệp của bà Mơ vô tư nộp hồ sơ xin cấp phép chuyến bay. Kết quả là "bị gây khó khăn", là "không được chấp thuận".

"Kịch bản" cấp phép cho An Bình cũng y như đối với Thuận An, với Vijasun, tức là chỉ có khi bà Mơ đưa tiền cho các cán bộ có trách nhiệm.

Tiền gầm bàn, tất nhiên.

Những lời khai không chỉ tố khổ, mà đó còn là những lời khai cho thấy doanh nghiệp muốn lương thiện cũng không xong, bị hành hạ, gây khó dễ, bị đẩy vào thế cùng đường đến mức không thể không hối lộ.

Cáo buộc tại toà cho thấy điều đó khi bà Lan và một số cá nhân khác bị xác định là "gây khó khăn nhũng nhiễu" bằng cách thiếu minh bạch trong quy trình tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép chuyến bay, bằng việc "tự ý ra văn bản yêu cầu dừng triển khai chuyến bay khi doanh nghiệp đã bán hết vé, đã thuê tàu bay, hoặc sát ngày mới thông báo, hoặc thay đổi kế hoạch bay, số hành khách" để buộc các doanh nghiêp phải "tìm cách tiếp xúc, gặp gỡ và thoả thuận về chi phí đưa hối lộ".

Trong phần luận tội, cơ quan công tố cũng khẳng định: Một số bị cáo đã có sự lập lờ khi cho rằng việc nhận tiền là do doanh nghiệp cảm ơn. Đây là việc đánh tráo khái niệm cực kỳ nguy hiểm, tạo ra tiền lệ xấu cho xã hội, cần phải có nhận thức đúng đắn nhằm loại bỏ thứ "văn hóa phong bì".

Đúng là như vậy. Bởi rất nhiều bị cáo trong nhóm "đưa hối lộ" đã khai thậm chí bị ra giá tới 4-15 triệu đồng mỗi khách, chèn ép bắt chẹt chặt chém vô lý đến mức họ không thể kham nổi. Và khi xin giảm giá, còn bị sổ toẹt vào mặt "không có tiền thì đừng có bay".

Cơ quan công tố đã đúng: Làm gì có chuyện "cảm ơn", với số tiền bằng cả gia sản, bằng mồ hôi nước mắt của doanh nghiệp, của nhân dân.

Lời luận tội của cơ quan công tố cũng cho thấy dẫu là đưa tiền trước để được cấp phép hay nhận tiền "cảm ơn" sau đó thì bản chất vẫn là một: Là nhận hối lộ. 

Nhưng hoàn cảnh dịch bệnh "không có tiền lệ", "chưa từng có trong lịch sử" rất cá biệt trong vụ án này thật ra lại không hề là cá biệt trong việc phát sinh "bôi trơn".

Bởi theo báo cáo PCI 2022 cho thấy có tới khoảng 42,6% doanh nghiệp phải chi trả các "chi phí không chính thức". Và "khoản bôi trơn" ấy lớn đến mức có tới 3,8% số doanh nghiệp phải dành hơn 10% doanh thu để trả chi phí không chính thức.

515 lần đưa nhận hối lộ với tổng cộng 165 tỉ đồng được ghi nhận trong một vụ án là một con số chưa từng có trong lịch sử. Nhưng cái đáng quan ngại, thật ra đã được công bố trong chính báo cáo PCI: Tỉ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định "tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến" đang gia tăng đáng kể, từ mức 57,4% trong năm 2021 lên đến 71,7% trong năm 2022.

Có nghĩa rằng nó, rất phổ biến- đã trở thành một thứ luật ngoài luật.

Nguyên nhân của việc nhũng nhiễu, làm khó để đòi hỏi, để tạo ra một thứ "luật ngầm" bất thành văn thật ra đã được phát hiện, tổng kết từ rất lâu. Nó nằm trong chỉ 5 chữ "thiếu công khai minh bạch" mà chừng nào còn chưa khắc phục được sẽ lại còn tiếp tục có những đại án, những kỷ lục.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem