Gặp người lính kéo cờ trận thắng đầu giải phóng Trường Sa

Trần Phượng Thứ sáu, ngày 30/04/2021 09:36 AM (GMT+7)
Ngày lên đường huấn luyện, tham gia nhiệm vụ giải phóng Trường Sa năm 1975, chiến sỹ Lê Xuân Phát cùng đồng đội của ông trong Đội đặc công Đoàn 126 xác định tư tưởng: Một đi là không trở lại.
Bình luận 0

Trận chiến nhanh chóng nhưng rất ác liệt, không đường lui

Trong khi nhà cửa còn ngổn ngang và bộn bề công việc của địa phương, cựu chiến binh Lê Xuân Phát vẫn niềm nở đón tiếp chúng tôi để kể về những năm tháng hào hùng khắc sâu trong trí nhớ: Những ngày ông tham gia giải phóng đảo Song Tử Tây - đảo đầu tiên được giải phóng của huyện đảo Trường Sa năm 1975.

Hải Phòng: Gặp lại người lính giải phóng Trường Sa năm xưa - Ảnh 1.

Cựu chiến binh Lê Xuân Phát xem lại những kỉ niệm về trận đánh giải phóng Trường Sa năm xưa

Hải Phòng: Gặp lại người lính giải phóng Trường Sa năm xưa - Ảnh 2.

Cựu chiến binh Lê Xuân Phát với trang phục người lính đặc công Hải quân năm xưa.

Ông Lê Xuân Phát quê ở Hoằng Sơn, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang rất khốc liệt. Ông Phát cũng như bao thanh niên khác, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, đã  lên đường nhập ngũ. Ông được biên chế vào Lữ đoàn 126 Hải quân, được đào tạo thành đặc công nước. Đầu tiên là huấn luyện 2 năm ở đảo Cát Hải, Hải Phòng. Từ năm 1972 – 1975, ông tiếp tục được huấn luyện tại Quảng Yên, Quảng Ninh và Hà Tê, Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Hải Phòng: Gặp lại người lính giải phóng Trường Sa năm xưa - Ảnh 3.

Bức ảnh kỉ niệm trước khi nhập ngũ năm 19 tuổi.

Đầu tháng 4/1975, ông theo đơn vị hành quân vào Đà Nẵng làm nhiệm vụ chung cùng cả nước: Giải phóng Miền Nam. Đoàn dừng tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng và nhận nhiệm vụ đặc biệt giải phóng đảo Song Tử Tây, mở đầu cho chiến dịch giải phóng quần đảo Trường Sa.

Hải Phòng: Gặp lại người lính giải phóng Trường Sa năm xưa - Ảnh 4.

Cảnh sinh hoạt trong một dịp huấn luyện.

Để nhiệm vụ được thuận lợi, một biên đội gồm 3 tàu 673, 674, 675 thuộc Đoàn tàu không số của Lữ đoàn 125 ngụy trang thành tàu đánh cá hành quân ra đảo Song Tử Tây vào ngày 11/4/1975. Khi đó, ông Phát ở trên tàu 673 do đội trưởng Nguyễn Ngọc Quế chỉ huy. Để tránh bị địch phát hiện, các chiến sĩ và vũ khí được giấu ở dưới khoang tàu, phía trên phủ lưới đánh cá.

Sau 3 ngày 3 đêm, sáng 14/4/1975, các tàu đã tập kết, đổ bộ tiếp cận đánh chiếm lại đảo từ tay ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn. Việc tiếp cận đảo vô cùng khó khăn, vất vả. Theo nhiệm vụ được phân công, tàu 674 và 675 làm nhiệm vụ bên ngoài. Còn tàu 673 chia thành 4 mũi tấn công. 1 phân đội có hơn 30 người. Từ tàu, đội chia nhau xuống xuồng cao su, bơi chèo khoảng 2 km, sau đó phải bơi bộ để tiếp cận được đảo đã bị địch chiếm đóng.

Do đặc thù đảo còn hoang sơ, chim làm tổ nhiều, khi lực lượng của ta tiếp cận được mép đảo, thấy động, chim hải âu bay tán loạn trên không trung. Lính canh gác trên đảo thấy chim nháo nhác nên nghi vấn, bắn vài phát súng chỉ thiên. Nghe ngóng phản ứng của địch, lực lượng của ta tìm cách tiếp cận mục tiêu, thiết lập đội hình chiến đấu.

Cựu chiến binh Lê Xuân Phát cho biết, địch bố trí trận địa hào theo vòng tròn của đảo, giữa đảo là hào của chỉ huy. Quân ta áp sát vành ngoài, đánh tỉa kiểu đặc công. Khi tiếp cận được mục tiêu, có hiệu lệnh bằng tiếng súng của quả đạn B41 (đạn hỏa lực) các mũi tiếp tục tấn công đánh giáp lá cà, đồng loạt nổ súng, chiếm lĩnh các công sự và giao thông hào của địch.

Cựu chiến binh Lê Xuân Phát kể lại trận đánh nhanh chóng nhưng thực sự ác liệt tại đảo Song Tử Tây

Trận đánh diễn ra nhanh chóng. Chỉ khoảng 30 phút, quân ta đã làm chủ được đảo, bắt giữ tù binh, thu hồi chiến lợi phẩm vũ khí, quân trang, quân dụng, súng đạn, thực phẩm...

Tự hào là người treo cờ trong chiến dịch giải phóng Trường Sa

Ngoài nhiệm vụ chiến đấu, ông Phát còn được giao trọng trách cầm loa biên để kêu gọi địch ra đầu hàng và khi có cơ hội, nhanh chóng treo lá cờ giải phóng lên cột cờ, báo hiệu trận đánh đã thành công, quân ta đã chiếm lĩnh và làm chủ được đảo.

Ông Phát say sưa kể, khi các mũi tấn công dồn địch không kịp kháng cự, lúc này ông cầm loa biên vận động địch bỏ súng đầu hàng để được hưởng chính sách khoan hồng. Khi nhận thấy vòng vây ngày càng siết chặt và tiếng súng giảm dần, ông Phát nhanh chóng vào khu vực nhà chỉ huy, hạ lá cờ của quân ngụy xuống, kéo lá cờ giải phóng của ta lên để khẳng định chủ quyền đất nước.

Hải Phòng: Gặp lại người lính giải phóng Trường Sa năm xưa - Ảnh 6.

Cuốn sổ lưu giữ những kỉ niệm về chiến trường năm xưa được ông Phát giữ gìn để giành lại cho con cháu

Hải Phòng: Gặp lại người lính giải phóng Trường Sa năm xưa - Ảnh 7.

Ông Phát quay lại thăm đảo khi có trụ sở ủy ban nhân dân xã Song Tử Tây.

Sau khi đã thắng lợi, lực lượng của ta quản lý tù binh ngay tại đảo, thực hiện chính sách tù hoàn binh theo chủ trương của Đảng. Trên 30 tù binh bị bắt giữ, quản lý tại đảo khoảng 1 tuần thì được bố trí đưa về đất liền, còn lực lượng đặc công vẫn tiếp tục bám chốt, canh giữ đảo, sau 1 tháng có lực lượng ra đảo để đổi quân. Trong trận đánh tại đảo Song Tử Tây, lực lượng của ta hy sinh 2 người, bên ngụy mất  3-4 người, chỉ huy đảo bị bắt sống.

Rời đảo Song Tử Tây, ông Phát cùng đồng đội di chuyển về cảng Cát Lái, Sài Gòn. Sau đó tiếp tục di chuyển sang Phú Quốc để tham gia giúp nhân dân Campuchia giải phóng đất nước (năm 1979).

Hải Phòng: Gặp lại người lính giải phóng Trường Sa năm xưa - Ảnh 8.

Ảnh cưới của vợ chồng ông Phát.

Hải Phòng: Gặp lại người lính giải phóng Trường Sa năm xưa - Ảnh 9.

Vợ chồng ông Phát thời còn yêu nhau.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông quay về đơn vị ban đầu là Lữ đoàn 126 và tiếp tục huấn luyện. Được một thời gian, ông Phát chuyển sang đơn vị quân nhạc của Bộ tham mưu Hải quân. Tại đây, ông công tác khoảng 4-5 năm với cương vị là đội phó hậu cần rồi bén duyên với một phụ nữ người Hải Phòng sau này là vợ của ông.

Năm 1988, ông Phát ra quân và đi xuất khẩu lao động tại Nga. Đến năm 1991, có chút lưng vốn, ông quay về mua đất và lập nghiệp, sinh sống ổn định tại Hải Phòng cho đến nay. Trở về cuộc sống đời thường, ông tham gia công tác xã hội tại địa phương và được nhân dân rất quý mến, tin tưởng.

Hải Phòng: Gặp lại người lính giải phóng Trường Sa năm xưa - Ảnh 10.

Ông Phát thăm lại chiến trường năm xưa.

Hải Phòng: Gặp lại người lính giải phóng Trường Sa năm xưa - Ảnh 11.

Trên chiến trường năm xưa.

Hải Phòng: Gặp lại người lính giải phóng Trường Sa năm xưa - Ảnh 12.

Ông Phát tham gia chương trình biển đảo quê hương.

Với những đóng góp cho đất nước những năm tháng gian khó, năm 2012, ông Phát được Bộ tư lệnh Hải quân trao tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc; Năm 2015, ông tiếp tục được Bộ tư lệnh Hải quân trao tặng huy hiệu chiến sỹ Trường Sa. 

Hải Phòng: Gặp lại người lính giải phóng Trường Sa năm xưa - Ảnh 13.

Gia đình đầm ấm, hạnh phúc của ông Phát.

Hải Phòng: Gặp lại người lính giải phóng Trường Sa năm xưa - Ảnh 14.

Những phút bình yên.

Hải Phòng: Gặp lại người lính giải phóng Trường Sa năm xưa - Ảnh 15.

Con, cháu rất hào hứng nghe ông Phát kể chuyện giải phóng Trường Sa năm xưa.

Hàng năm, mỗi dịp 30/4,  ông Phát cùng con cháu lại háo hức đón xem những chương trình, phim tài liệu liên quan tới lịch sử về giải phóng Trường Sa. Đặc biệt, con cháu trong gia đình đều tự hào và bị cuốn hút bởi câu chuyện lịch sử về trận đánh giải phóng đảo đầu tiên, mở đầu cho chiến dịch giải phóng Trường Sa, được kể bởi chính cha ông mình - một nhân chứng sống của quá khứ hào hùng.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem