GDP Mỹ quý I -4,8%, giảm mạnh nhất trong hơn một thập kỷ

30/04/2020 06:42 GMT+7
GDP Mỹ quý I/2020 giảm 4,8%, số liệu vừa được Chính phủ Mỹ công bố hôm 29/4 đã cung cấp cái nhìn tổng quát đầu tiên về thiệt hại khổng lồ mà đại dịch Covid-19 gây ra cho nền kinh tế Mỹ.

GDP Mỹ quý I giảm mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008

Trước đó, các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát của Dow Jones dự báo GDP giảm 3,5%. Các chuyên gia kinh tế trong cuộc thăm dò của Bloomberg cũng dự báo giảm khoảng 4%, thấp hơn nhiều so với con số thực tế.

Với mức giảm 4,8% GDP, quý I/2020 đánh dấu mức GDP âm đầu tiên kể từ quý I/2014 đến nay. Đây cũng là mức giảm GDP lớn nhất kể từ quý IV/2008, thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu.

GDP Mỹ quý I âm 4,8%, giảm mạnh nhất trong hơn một thập kỷ - Ảnh 1.

GDP Mỹ giai đoan quý I/2018 đến nay

Chi tiêu tiêu dùng và thương mại là hai lĩnh vực suy giảm lớn nhất trong nền kinh tế. 

Chi tiêu tiêu dùng, vốn đóng góp tới 67% GDP nền kinh tế Mỹ, đã giảm tới 7,6% trong quý I khi Chính phủ Mỹ thực hiện các lệnh hạn chế kiểm dịch buộc các trung tâm thương mại, cửa hàng không thiết yếu tạm ngừng kinh doanh và người tiêu dùng thì chôn chân trong nhà. Chi tiêu cho hàng hóa lâu bền giảm 16,1% trong khi chi tiêu cho lĩnh vực dịch vụ giảm 10,2%.

Kim ngạch xuất khẩu giảm 8,7% trong khi kim ngạch nhập khẩu giảm 15,3% trong bối cảnh Mỹ trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới trong tháng 3 khiến nhu cầu lao dốc mạnh và nhiều nhà máy tạm ngừng hoạt động. 

Dù trong cả quý I, Mỹ chỉ thực hiện cách ly xã hội 2 tuần cuối cùng của tháng 3 nhưng những tác động gây ra cho nền kinh tế là quá lớn. Dữ liệu kinh tế ảm đạm của quý I đã mở ra một viễn cảnh bi đát hơn cho nền kinh tế quý II, do kinh tế Mỹ gần như trì trệ trong cả tháng 4. Các nhà kinh tế dự báo những thiệt hại khổng lồ do đại dịch Covid-19 gây ra có thể sẽ đưa kinh tế Mỹ tiến tới thời kỳ ảm đạm nhất kể từ Thế chiến II đến nay.

Một vài điểm sáng trong bức tranh kinh tế Mỹ là đầu tư cố định tăng 21% và chi tiêu chính phủ tăng 1,7%; nhưng mức tăng này không đủ để bù đắp sự sụt giảm quá lớn trong chi tiêu tiêu dùng và kim ngạch thương mại quốc gia. 

Paul Ashworth, nhà kinh tế trưởng tại Capital Economic nhận định “quý II sẽ còn tồi tệ hơn nhiều” do dữ liệu kinh tế quý I chưa phản ánh đầy đủ thảm họa kinh tế gây ra bởi đại dịch Covid-19. 

Dù vậy, thị trường có vẻ thờ ơ với dữ liệu GDP quý I tiêu cực. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng 400 điểm trong những giờ mở cửa đầu tiên. Phố Wall có vẻ đang tập trung vào tin tốt từ Gilead rằng thử nghiệm thuốc remdesivir để điều trị Covid-19 đang cho thấy những kết quả khả quan.

Nguy cơ suy thoái kinh tế

Hầu hết các nhà kinh tế nhận định rằng kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái mặc dù theo định nghĩa, suy thoái kinh tế được tính là hai quý liên tiếp tăng trưởng âm. Quý IV/2019, tăng trưởng GDP Mỹ đạt 2,1%. 

Sở dĩ các nhà phân tích bi quan như vậy là do những thiệt hại quá lớn cho nền kinh tế Mỹ trong quý I sau 2 tuần thực hiện lệnh cách ly xã hội. Rõ ràng, các biện pháp hạn chế kiểm dịch đã dẫn đến những thay đổi gần như ngay lập tức về nhu cầu tiêu dùng, khi doanh nghiệp và trường học phải đóng cửa hoặc chuyển sang hoạt động trực tuyến còn người tiêu dùng buộc phải chôn chân tại nhà và giảm tối đa mọi hoạt động chi tiêu. Nhiều chuyên gia trong đó có nhà kinh tế học Spencer Hill từ Goldman Sachs thậm chí cho rằng số liệu GDP quý I có thể chưa định lượng đầy đủ những tác động kinh tế của đại dịch Covid-19, tức là con số được Bộ Thương mại sửa đổi sau đó có nguy cơ còn tồi tệ hơn. “Chúng tôi tin rằng khoảng cách giữa dữ liệu tăng trưởng GDP và thực trạng kinh tế là khá lớn và đang ngày càng tăng lên”. 

Thùy Dung
Cùng chuyên mục