Giá cà phê tiếp tục chịu sức ép giảm, dự báo "nóng" về thị trường

11/10/2022 15:09 GMT+7
Đầu tháng 10/2022, giá cà phê thế giới giảm trước lo ngại Fed tiếp tục nâng lãi suất và người trồng cà phê Brazil đẩy mạnh bán ra.

Giá cà phê hôm nay 11/10: Giá cà phê trong nước đi ngang

Giá cà phê trong nước hôm nay 11/10 dao động ở mức 46.400 – 46.800 đồng/kg, đi ngang so với hôm qua (10/10).

Cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên hôm nay 11/10, được thu mua với giá dao động từ 46.400 – 46.800 đồng/kg. Trong đó, giá thu mua cà phê tại tỉnh Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum dao động từ 46.600 – 46.700 đồng/kg; giá cà phê tại tỉnh Lâm Đồng là 46.400 đồng/kg và giá cà phê tại tỉnh Đắk Lắk được thu mua cao nhất là 46.800 đồng/kg.

Những ngày đầu tháng 10/2022, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa giảm theo giá thế giới. Ngày 8/10/2022, giá cà phê Robusta giảm 300 đồng/kg so với ngày 28/9/2022 ở các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, xuống còn 46.700 – 46.800 đồng/kg; tại tỉnh Lâm Đồng ổn định ở mức 46.400 đồng/kg.

Giá cà phê tiếp tục chịu sức ép giảm, dự báo "nóng" về thị trường - Ảnh 1.

Trên thế giới, giá cà phê Arabica không thay đổi do thị trường New York (ngày 10/10) nghỉ Lễ Columbus đóng cửa cả ngày không giao dịch.

Thị trường London giao dịch bình thường, nhưng giá chỉ điều chỉnh nhẹ. Do bị hút theo áp lực của đồng USD khiến các sàn hàng hóa thương phẩm sử dụng đồng USD làm phương tiện giao dịch và thanh toán vì thế mà như mất phương hướng, tăng giảm bất ngờ.

Tuần này các ông lớn ngân hàng Mỹ báo cáo kết quả kinh doanh. Nên thị trường dự báo sẽ biến động mạnh không chỉ trên các sàn chứng khoán mà còn hàng hóa phái sinh.

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần (10/10), giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 11/2022 giảm nhẹ 0,65 USD (0,3%), giao dịch tại 217,45 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 1/2023 giảm 0,6 USD (0,29%), giao dịch tại 207,65 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình khá.

Trong khi đó, giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York, kỳ hạn giao tháng 12/2022 điều chỉnh nhẹ 0,4 Cent (0,18%), giao dịch tại 218,1 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2023 tăng 0,6 Cent/lb (0,19%), giao dịch tại 208,25 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.

Những ngày đầu tháng 10/2022, giá cà phê thế giới chịu sức ép giảm. Các nhà đầu tư lo ngại khả năng Fed tiếp tục nâng lãi suất trong phiên họp chính sách tới nhằm đẩy lùi lạm phát, có thể đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Theo đó, đồng USD tiếp tục là kênh trú ẩn an toàn và người trồng cà phê Brazil đẩy mạnh bán ra khiến giá cà phê chịu áp lực giảm.

Trên sàn giao dịch London, ngày 8/10/2022, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 11/2022 và tháng 1/2023 cùng giảm 1,1% so với ngày 28/9/2022, xuống còn 2.155 USD/tấn và 2.154 USD/tấn; kỳ hạn giao tháng 3/2023 và tháng 5/2023 cùng giảm 0,9% so với ngày 28/9/2022, xuống còn 2.133 USD/tấn và 2.118 USD/tấn.

Trên sàn giao dịch New York, ngày 8/10/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ tháng 12/2022, tháng 3/2023, tháng 5/2023 và tháng 7/2023 giảm lần lượt 2,8%, 3,7%, 3,9% và 3,2% so với ngày 28/9/2022, xuống còn 218,1 Uscent/lb; 208,25 Uscent/lb; 203,25 Uscent/lb và 201,1 Uscent/lb.

Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 8/10/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ tháng 12/2022, tháng 3/2023, tháng 5/2023 và tháng 7/2023 giảm lần lượt 2,8%, 4,6%, 3,9% và 3,4% so với ngày 28/9/2022, xuống còn 254,25 Uscent/lb; 250,25 Uscent/lb; 251 Uscent/lb và 250,65 Uscent/lb.

Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 2.210 USD/tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, giảm 25 USD/tấn (tương đương mức giảm 1,1%) so với ngày 28/9/2022. 

Giá cà phê thế giới tiếp tục chịu áp lực giảm...

Dự báo giá cà phê thế giới tiếp tục chịu áp lực giảm. Nguồn cung dồi dào khi Việt Nam bước vào vụ thu hoạch mới và xuất khẩu cà cà phê Robusta trong tháng 8/2022 của Indonesia đạt 35.952 tấn, tăng gấp đôi so với tháng 8/2021.

Tháng 9, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam đạt mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 9/2022, Việt Nam xuất khẩu cà phê đạt 92,55 nghìn tấn, trị giá trên 226 triệu USD, giảm 17,8% về lượng và giảm 15,1% về trị giá so với tháng 8/2022, so với tháng 9/2021 giảm 10,3% về lượng, nhưng tăng 4,9% về trị giá. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt xấp xỉ 1,34 triệu tấn, trị giá 3,06 tỷ USD, tăng 13,1% về lượng và tăng 37% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Giá cà phê tiếp tục chịu sức ép giảm, dự báo "nóng" về thị trường - Ảnh 2.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Giá cà phê tiếp tục chịu sức ép giảm, dự báo "nóng" về thị trường - Ảnh 3.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Giá cà phê tiếp tục chịu sức ép giảm, dự báo "nóng" về thị trường - Ảnh 4.

Diễn biến giá: Tháng 9/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 2.443 USD/tấn, tăng 3,3% so với tháng 8/2022 và tăng 16,9% so với tháng 9/2021. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.283 USD/tấn, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Thị trường xuất khẩu: Tháng 9/2022 so với tháng 9/2021, lượng cà phê xuất khẩu sang nhiều thị trường chủ lực giảm mạnh như: Đức, Bỉ, Hoa Kỳ, Philippines, Angieria. Ngược lại, xuất khẩu cà phê sang Ý, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Anh tăng. 9 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu cà phê sang các thị trường Ý, Bỉ, Nga, Tây Ban Nha, Anh tăng; Ngược lại, xuất khẩu cà phê sang Đức, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Philippines, Angieria giảm.

Điểm đặc biệt trong 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam trở thành nguồn cung cà phê lớn thứ 3 cho Mỹ trong 8 tháng đầu năm 2022; thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ tăng khá mạnh.

Số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, tháng 8/2022, Mỹ nhập khẩu cà phê đạt 135,25 nghìn tấn, trị giá 826,6 triệu USD, giảm 15% về lượng và giảm 12,7% về trị giá so với tháng 7/2022, so với tháng 8/2021 giảm 11,9% về lượng, nhưng tăng 23,3% về trị giá. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, Mỹ nhập khẩu cà phê đạt 1,128 triệu tấn, trị giá 6,45 tỷ USD, tăng 3,6% về lượng và tăng 46,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Diễn biến giá nhập khẩu bình quân: Tháng 8/2022, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Mỹ đạt mức 6.111 USD/tấn, tăng 2,7% so với tháng 7/2022 và tăng 40% so với tháng 8/2021. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Mỹ đạt mức 5.722 USD/tấn, tăng 41,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Mỹ tăng từ tất cả các nguồn cung chính. Tốc độ tăng cao nhất từ Brazil (tăng 71,5%); tăng thấp nhất từ Việt Nam (tăng 29,2%).

Cơ cấu nguồn cung 8 tháng đầu năm 2022, Mỹ nhập khẩu cà phê từ trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các nguồn cung cà phê chủ yếu cho Mỹ gồm: Brazil, Columbia, Việt Nam, Goatemala, Mehico. 

Trong 8 tháng đầu năm 2022, Mỹ tăng nhập khẩu cà phê từ hầu hết các nguồn cung chính, ngoại trừ Brazil. Số liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ cho biết, 8 tháng đầu năm 2022, Hoa Kỳ nhập khẩu cà phê từ Brazil đạt xấp xỉ 311,45 nghìn tấn, trị giá 1,31 tỷ USD, giảm 1,3% về lượng, nhưng tăng 69,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cà phê của Brazil trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ chiếm 20,82% trong 8 tháng đầu năm 2022, thấp hơn so với thị phần 21,55% trong 8 tháng đầu năm 2021. 

Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn thứ 3 cho Mỹ trong 8 tháng đầu năm 2022, lượng nhập khẩu đạt 96,53 nghìn tấn, trị giá 227,46 triệu USD, tăng 5,2% về lượng và tăng 35,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ tăng từ 6,27% trong 8 tháng đầu năm 2021 lên 6,45% trong 8 tháng đầu năm 2022.

Giá cà phê tiếp tục chịu sức ép giảm, dự báo "nóng" về thị trường - Ảnh 5.

Nguồn: Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ

Theo ICO-Tổ chức Cà phê Quốc tế, xuất khẩu cà phê toàn cầu tới đây có thể còn tiếp tục giảm. Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 8 đã ghi nhận sự sụt giảm tháng thứ hai liên tiếp với khối lượng đạt 9,9 triệu bao (loại 60 kg/bao), giảm gần 2% so với tháng trước và cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 11 tháng đầu niên vụ 2021-2022 (tháng 10/2021 đến tháng 8/2022), xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt 118,9 triệu bao, giảm nhẹ 0,3% so với cùng kỳ 2020-2021.

Riêng Việt Nam, nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất trong khu vực theo ICO, đã xuất khẩu 1,9 triệu bao trong tháng 8; nâng tổng xuất khẩu trong giai đoạn từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 8 năm nay lên 26,6 triệu bao, tăng 1,8% so với niên vụ trước.

Về triển vọng cung cầu, ICO vẫn giữ nguyên dự báo về nguồn cung cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 ở mức 167,2 triệu bao, giảm hơn 2,1% so với niên vụ trước. Trong khi tiêu thụ dự báo tăng 3,3% lên 170,3 triệu bao. Thị trường cà phê toàn cầu dự kiến sẽ thâm hụt khoảng 3,1 triệu bao trong niên vụ 2021-2022.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục