Giá cao su hôm nay 19/10: Giá cao su có xu hướng phục hồi

19/10/2022 11:22 GMT+7
Giá cao su hôm nay 19/10: Giá cao su kỳ hạn hôm nay có xu hướng phục hồi tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE) và tại Sàn Tocom (Tokyo - Nhật Bản).

Giá cao su hôm nay 19/10: Giá cao su tăng nhẹ tại hai sàn

Giá cao su kỳ hạn hôm nay có xu hướng phục hồi tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE) và tại Sàn Tocom (Tokyo - Nhật Bản).

Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (Tocom), giá cao su kỳ hạn giao tháng 12/2022 ghi nhận mức 229 yen/kg, tăng 0,22%, tăng 0,5 yen/kg. Các kỳ hạn cao su tháng 10, 11 giảm nhẹ còn kỳ hạn 1/2023, 2/2023 tăng ở mức gần 1%.

Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 11/2022 đứng ở mức 11.755 nhân dân tệ/tấn, tăng 0,38%, tăng 45 nhân dân tệ/tấn.

Giá cao su Thượng Hải hôm nay tăng ở các kỳ hạn tháng 1/2023, tháng 3/2023, tháng 5/2023 ở mức tăng gần 1% và đứng yên ở kỳ hạn tháng 4/2023 ở mức 12.805 nhân dân tệ/tấn.

Giá cao su hôm nay 19/10: Giá cao su có xu hướng phục hồi - Ảnh 1.

GIÁ CAO SU TRỰC TUYẾN SÀN TOCOM, THƯỢNG HẢI, THÁI LAN Cập nhật lúc: 19/10/2022 lúc 10:54:01

Giá cao su hôm nay 19/10: Giá cao su có xu hướng phục hồi - Ảnh 2.

GIÁ CAO SU TRỰC TUYẾN SÀN TOCOM, THƯỢNG HẢI, THÁI LAN Cập nhật lúc: 19/10/2022 lúc 10:54:01

Thị trường cao su còn bị tác động bởi nhiều yếu tố

Từ đầu tháng 10/2022 đến nay, giá mủ cao su nguyên liệu tại một số tỉnh, thành phố ổn định so với cuốitháng trước. Tại Bình Phước giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức 260-270 đồng/TSC, ổn định so với cuối tháng 9/2022. Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa cũng được giữ ở mức 273-275 đồng/TSC, ổn định so với cuối tháng trước. Trong khi đó, giá mủ cao su tại Gia Lai được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 235-245 đồng/TSC, giảm 5 đồng/TSC so với cuối tháng 9/2022.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 9/2022, Việt Nam xuất khẩu được 193,41 nghìn tấn cao su, trị giá 279,39 triệu USD, giảm 11,8% về lượng và giảm 15,9% về trị giá so với tháng 8/2022; so với tháng 9/2021 tăng 6,9% về lượng, nhưng giảm 6,7% về trị giá. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt 1,39 triệu tấn, trị giá 2,29 tỷ USD, tăng 8,4% về lượng và tăng 6,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Về giá xuất khẩu: Tháng 9/2022, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.445 USD/ tấn, giảm 4,7% so với tháng 8/2022 và giảm 12,7% so với tháng 9/2021.

Tháng 9/2022, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 77,3% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 149,43 nghìn tấn, trị giá 207,98 triệu USD, giảm 8,6% về lượng và giảm 13,7% về trị giá so với tháng 8/2022; so với tháng 9/2021 tăng 21,5% về lượng và tăng 4,4% về trị giá. 

Giá cao su xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc ở mức 1.392 USD/tấn, giảm 5,6% so với tháng 8/2022 và giảm 14,1% so với tháng 9/2021. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 989,59 nghìn tấn cao su, trị giá 1,56 tỷUSD, tăng 9,7% về lượng và tăng 7,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Ngoài ra, xuất khẩu cao su sang một số thị trường chủ chốt như: Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Malaysia… tiếp tục tăng trưởng tốt cả về lượng và trị giá so với tháng 9/2021. Tuy nhiên, xuất khẩu sang một số thị trường như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Đức... lại giảm so với cùng kỳ năm 2021.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, 8 tháng đầu năm 2022, Hàn Quốc nhập khẩu 360,87 nghìn tấn cao su (HS: 4001, 4002, 4003, 4005), trị giá 790,46 triệu USD, giảm 5,7% về lượng, nhưng tăng 1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên mức giảm nhập khẩu đang dần thu hẹp lại trong mấy tháng gần đây nhờ nhu cầu dần hồi phục. Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Việt Nam và Nhật Bản là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Hàn Quốc. 

Trong 8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 4 cho Hàn Quốc với 29,94 nghìn tấn, trị giá 56,52 triệu USD, tăng 4,7% về lượng và tăng 2,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cao su Việt Nam chiếm 8,3% trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Hàn Quốc, cao hơn so với mức 7,5% của 8 tháng đầu năm 2021. 

Trong khi đó, Hàn Quốc đẩy mạnh nhập khẩu cao su củaThái Lan với 135,14 nghìn tấn, trị giá 250,63 triệu USD, tăng 63,4% về lượng và tăng 67,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cao su của Thái Lan chiếm 37,5% trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Hàn Quốc, cao hơn so với mức 21,6% của 8 tháng đầu năm 2021. Ngược lại, Hàn Quốc giảm mạnh nhập khẩu cao su từ Indonesia, khiến cho thị phần cao su của Indonesia trong tổng nhập khẩu của Hàn Quốc giảm từ 30,1% trong 8 tháng đầu năm 2021 xuống còn 16,8% trong 8 tháng đầu năm 2022.

Về chủng loại nhập khẩu: Trong 8 tháng đầu năm 2022, Hàn Quốc chủ yếu nhập khẩu cao su tự nhiên và cao su tổng hợp, nhập khẩu các mặt hàng này đều giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Trong 8 tháng đầu năm 2022, Hàn Quốc nhập khẩu 242,34 nghìn tấn cao su tự nhiên (HS: 4001), trị giá 452,1 triệu USD, giảm 0,1% về lượng, nhưng tăng 5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, nhập khẩu cao su tự nhiên chiếm 67,2% tổng lượng cao su nhập khẩu của Hàn Quốc. Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Philipines và Campuchia là 5 thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn nhất cho Hàn Quốc. 

Trong 8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 3 cho Hàn Quốc với 29,93 nghìn tấn, trị giá 56,44 triệu USD, tăng 5,2% về lượng và tăng 2,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc chiếm 12,4%, cao hơn so với mức 11,7% của 8 tháng đầu năm 2021.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, Hàn Quốc cũng nhập khẩu 101,72 nghìn tấn cao su tổng hợp (HS: 4002), với trị giá 301,26 triệu USD, giảm 16,6% về lượng và giảm 3,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Cộng hòa Séc và Hoa Kỳ là 5 thị trường cung cấp cao su tổng hợp lớn nhất cho Hàn Quốc trong 8 tháng đầu năm 2022. 

Cơ cấu thị trường cung cấp cao su tổng hợp cho Hàn Quốc trong 8 tháng đầu năm 2022 có sự thay đổi khi thị phần cao su tổng hợp của Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Cộng hòa Séc tăng; Trong khi thị phần của Hoa Kỳ lại giảm. Cao su tổng hợp của Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc.

Các chuyên gia dự báo, thị trường cao su thế giới sẽ còn bị ảnh hưởng bởi lo ngại về nhu cầu tại Trung Quốc chậm lại, giá dầu thô giảm nên các nhà sản xuất chuyển sang sử dụng cao su tổng hợp có nguồn gốc từ dầu mỏ và lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu gây áp lực thị trường.

Thời gian tới, giá cao su khó có thể tăng mạnh do nguồn cung cao su tự nhiên toàn cầu dự kiến sẽ tăng do hoạt động khai thác có khả năng tăng tốc và duy trì ở mức tốt cho đến tháng 1 năm tới. Ngoài ra, nhu cầu từ các công ty săm lốp có thể không mạnh do kinh tế toàn cầu có khả năng suy thoái.

Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết diện tích cây cao su ở Việt Nam hiện có 938,8 ngàn ha, chiếm 7,2% tổng diện tích cao su toàn cầu. Sản lượng thu hoạch mủ cao su của Việt Nam đạt 1,26 triệu tấn năm 2021, chiếm 8,7% sản lượng cao su toàn cầu.

Dự kiến sản lượng mủ cao su thu hoạch trong cả năm 2022 là 1,3 triệu tấn. Ngành cao su đặt mục tiêu xuất khẩu 3,5 tỷ USD cao su thiên nhiên trong năm 2022. Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, để có thể hoàn thành mục tiêu xuất khẩu cao su như đã đề ra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp trong ngành cao su đang tiến tới liên kết chặt chẽ với các hộ cao su tiểu điền mới có thể đảm bảo sản xuất, đáp ứng mục tiêu. Mặt khác, để nâng cao chất lượng và thương hiệu cho cao su Việt Nam, ngành cao su luôn chú trọng thúc đẩy sản xuất mủ cao su bền vững.

 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục