Giá cao su hôm nay 23/8: Giá cao su tiếp đà tăng vững
Giá cao su ngày 23/8: Giá cao su tăng vững tại sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE)
Giá cao su ngày 23/8, giá cao su hôm nay này giữ đà tăng tại thị trường châu Á là Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE) và tại Sàn Tocom (Tokyo - Nhật Bản).
Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (Tocom), giá cao su kỳ hạn giao tháng 9/2022 ghi nhận mức 224,5 yen/kg, tăng 0,45%, tăng 1 yen/kg. Các kỳ hạn cao su tháng 10, 11 giữ đà tăng nhẹ; giá cao su kỳ hạn 12 và 1/2023 quay đầu giảm.
Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 9/2022 đứng ở mức 12.010 nhân dân tệ/tấn, tăng 0,71%, tăng 85 nhân dân tệ/tấn.
Giá cao su Thượng Hải đầu tuần tăng ở tất cả các kỳ hạn tháng 10, 11 và tháng 1/2023, tháng 3/2023 với mức tăng khoảng gần 1%.
Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), tháng 7/2022, sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu ước đạt 1,283 triệu tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2021; trong khi nhu cầu toàn cầu dự kiến đạt 1,266 triệu tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2021.
Trước những lo ngại về sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc, chính phủ nước này đã đưa ra nhiều biện pháp để kích thích sự phục hồi kinh tế. Doanh số bán ô tô của Trung Quốc đã được cải thiện hơn trong tháng 7/2022 nhờ sự trợ giúp của các chính sách khuyến khích của chính phủ và các biện pháp hạn chế Covid-19 được nới lỏng. Trung Quốc đã cố gắng phục hồi nhu cầu ô tô bằng các biện pháp như giảm thuế bán hàng đối với xe động cơ nhỏ và trợ cấp để thúc đẩy chuyển đổi xe chạy xăng sang xe điện.
Theo ANRPC triển vọng của thị trường cao su tự nhiên dự kiến sẽ cải thiện hơn nữa trong năm 2022 cả về sản xuất và tiêu thụ.
Trong nước, 10 ngày giữa tháng 8/2022, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước giảm nhẹ theo xu hướng của thị trường thế giới. Tại Bình Phước giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức từ 285-295 đồng/độ TSC, giảm 5-7 đồng/độ TSC so với 10 ngày trước đó. Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa ở mức 301-303 đồng/độ TSC, giảm 5 đồng/độ TSC so với 10 ngày trước đó. Giá mủ cao su tại Gia Lai được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 270-280 đồng/độ TSC, giảm 15 đồng/độ TSC so với 10 ngày trước đó.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 7, Việt Nam xuất khẩu được 196,5 nghìn tấn cao su, trị giá gần 319 triệu USD, tăng 4,6% về lượng và tăng gần 3% về trị giá so với tháng 6; tuy nhiên so với tháng 7/2021 giảm gần 4% về lượng và giảm 5,7% về trị giá.
Trong tháng, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.623 USD/tấn, giảm 1,7% so với tháng trước và giảm 1,8% so với tháng 7/2021. Đây cũng là tháng thứ ba liên tiếp giá xuất khẩu cao su bình quân sụt giảm và thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, so với tháng 4, giá xuất khẩu cao su trung bình đã giảm 182 USD/tấn, là mức giá thấp nhất từ tháng 2/2021 đến nay.
Số liệu thống kê cho thấy trong tháng 7 giá cao su xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc ở mức 1.572 USD/tấn, giảm hơn 1% so với tháng 6 và giảm 3% so với tháng 7/2021.
Trung Quốc hiện là quốc gia tiêu thụ lớn nhất cao su Việt Nam, chiếm 71,3% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với lượng xuất khẩu tháng 7 đạt hơn 140.000 tấn, trị giá hơn 220 triệu USD. Con số này tăng 4,8% về lượng và tăng 3,6% về trị giá so với tháng 6, tuy nhiên so với tháng 7/2021 giảm 7,6% về lượng và giảm 10,3% về trị giá.
Với Việt Nam, mặc dù Trung Quốc vẫn đang thực hiện chính sách “Zero Covid” nhưng quốc gia này vẫn đang cần nhập khẩu lượng mủ cao su và cao su sơ chế rất lớn để phục vụ cho sản xuất các sản phẩm cao su.
Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết Trung Quốc đang có nhu cầu khoảng 500.000 tấn cao su tự nhiên mỗi tháng, nhưng chỉ có khoảng 115.000 tấn được đáp ứng từ nguồn cung nội địa. Như vậy, mỗi tháng, quốc gia tỷ dân thiếu khoảng 385.000 tấn cao su tự nhiên cần phải nhập khẩu.