Giá cao su đã tăng trở lại trên các sàn châu Á

22/08/2022 15:45 GMT+7
Giá cao su ngày 22/8 hồi phục, giá cao su tại sàn giao dịch Tocom Nhật Bản tăng mạnh sau khi giữ đà giảm liên tiếp tuần vừa qua.

Giá cao su ngày 22/8: Giá cao su tăng trở lại trên thị trường châu Á

Giá cao su ngày 22/8, giá cao su đầu tuần này tăng trở lại tại thị trường châu Á là Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE) và tại Sàn Tocom (Tokyo - Nhật Bản).

Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (Tocom), giá cao su kỳ hạn giao tháng 9/2022 ghi nhận mức 223,5 yen/kg, tăng 2,21%, tăng 2,7 yen/kg. Các kỳ hạn cao su tháng 10, 11, 12 cũng đều tăng khá mạnh.

Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 9/2022 đứng ở mức 12.000 nhân dân tệ/tấn, tăng 1,22%, tăng 145 nhân dân tệ/tấn.

Giá cao su Thượng Hải đầu tuần tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn tháng 10, 11 và tháng 1/2023, tháng 3/2023 với mức tăng khoảng hơn 1%.

Giá cao su đã tăng trở lại trên các sàn châu Á - Ảnh 1.

Giá cao su ngày 22/8: Giá cao su tăng trở lại trên thị trường châu Á

Giá cao su đã tăng trở lại trên các sàn châu Á - Ảnh 2.

Giá cao su ngày 22/8: Giá cao su tăng trở lại trên thị trường châu Á

Giá cao su đã tăng trở lại trên các sàn châu Á - Ảnh 3.

Trước đó trong 10 ngày giữa tháng 8/2022, giá cao su tại các sàn giao dịch châu Á giảm trước lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ. 

Cụ thể: Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE), giá cao su tiếp tục xu hướng giảm. Ngày 18/8/2022 giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 220 yen/ kg (tương đương 1,63 USD/kg), giảm 8,1% so với 10 ngày trước đó, nhưng tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Tại sàn SHFE Thượng Hải, sau khi giảm xuống mức 11.850 nhân dân tệ/tấn (ngày 15/8/2022), giá tăng nhẹ trở lại khi chính phủ Trung Quốc hạ lãi suất để hỗ trợ cho nền kinh tế, nhưng so với 10 ngày trước đó giá vẫn giảm. Ngày 18/8/2022, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 11.960 nhân dân tệ/tấn (tương đương 1,76 USD/tấn), giảm 1,6% so với 10 ngày trước đó và giảm 13,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Tại Thái Lan, giá cao su giảm xuống 52,4 Baht/kg vào ngày 16/8/2022, sau đó giá tăng nhẹ trở lại, nhưng vẫn giảm mạnh so với 10 ngày trước đó. Ngày 18/8/2022 giá cao su RSS3 chào bán ở mức 53,4 Baht/ kg (tương đương 1,5 USD/kg), giảm 8,7% so với 10 ngày trước đó và giảm 9,8% so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng cao su của Thái Lan có thể bị ảnh hưởng do mưa lớn bởi bão Mulan gây ra vào tuần trước và dự báo sẽ tiếp tục có mưa trong những ngày tới.

Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), tháng 7/2022, sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu ước đạt 1,283 triệu tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2021; trong khi nhu cầu toàn cầu dự kiến đạt 1,266 triệu tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2021. 

Trước những lo ngại về sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc, chính phủ nước này đã đưa ra nhiều biện pháp để kích thích sự phục hồi kinh tế. Doanh số bán ô tô của Trung Quốc đã được cải thiện hơn trong tháng 7/2022 nhờ sự trợ giúp của các chính sách khuyến khích của chính phủ và các biện pháp hạn chế Covid-19 được nới lỏng. Trung Quốc đã cố gắng phục hồi nhu cầu ô tô bằng các biện pháp như giảm thuế bán hàng đối với xe động cơ nhỏ và trợ cấp để thúc đẩy chuyển đổi xe chạy xăng sang xe điện. 

Theo ANRPC triển vọng của thị trường cao su tự nhiên dự kiến sẽ cải thiện hơn nữa trong năm 2022 cả về sản xuất và tiêu thụ. 

Tại Malaysia: Trong quý II/2022, sản lượng cao su tự nhiên của Malaysia đạt 74,94 nghìn tấn, giảm 29,3% so với quý I/2022 và giảm 16,7% so với quý II/2021. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng cao su tự nhiên của Malaysia đạt 180,95 nghìn tấn, giảm 18,4% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu cao su của Malaysia trong quý II/2022 đạt 160,35 nghìn tấn, tăng 5,6% so với quý I/2022 và tăng 5,3% so với quý II/2021. 

Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Malaysia; tiếp đến là Hoa Kỳ, Đức, Phần Lan, Thổ Nhĩ Kỳ… 

Trong quý II/2022, Malaysia nhập khẩu 291,15 nghìn tấn cao su tự nhiên, giảm 21,9% so với quý I/2022 và giảm 1,4% so với quý II/2021. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, Malaysia nhập khẩu 663,84 nghìn tấn cao su tự nhiên, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2021. 

Tiêu thụ cao su tự nhiên nội địa của Malaysia trong quý II/2022 đạt 114,84 nghìn tấn, giảm 10,3% so với quý I/2022 và giảm 7,5% so với quý 2/2021. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, tiêu thụ cao su tự nhiên nội địa của Malaysia đạt 243,04 nghìn tấn, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2021. 

Dự trữ cao su tự nhiên tại Malaysia tính đến cuối tháng 6/2022 ở mức 280,82 nghìn tấn, giảm 3% so với tháng 5/2022, nhưng tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021. -

Tại Campuchia: Trong 7 tháng đầu năm 2022, Campuchia xuất khẩu được 161,56 nghìn tấn cao su khô, trị giá 245,8 triệu USD, giảm 0,3% về lượng và giảm 6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá xuất khẩu trung bình đạt 1.577 USD/tấn, giảm 95 USD/ tấn (tương đương giảm 5,7%) so với cùng kỳ năm 2021. Cao su của Campuchia được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường như Malaysia, Việt Nam, Singapore và Trung Quốc. Đến nay Campuchia đã trồng cây cao su trên tổng diện tích 404.044 ha, trong đó 310.193 ha, tương đương 77%, đủ tuổi khai thác, cạo mủ.

Trong nước, 10 ngày giữa tháng 8/2022, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước giảm nhẹ theo xu hướng của thị trường thế giới. Tại Bình Phước giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức từ 285-295 đồng/độ TSC, giảm 5-7 đồng/độ TSC so với 10 ngày trước đó. Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa ở mức 301-303 đồng/độ TSC, giảm 5 đồng/độ TSC so với 10 ngày trước đó. Giá mủ cao su tại Gia Lai được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 270-280 đồng/độ TSC, giảm 15 đồng/độ TSC so với 10 ngày trước đó.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2022, Thổ Nhĩ Kỳ nổi lên là thị trường xuất khẩu cao su lớn của Việt Nam. Xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ đạt 20,03 nghìn tấn, trị giá 37,04 triệu USD, tăng 9,9% về lượng và tăng 8,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021; giá xuất khẩu bình quân đạt 1.849 USD/tấn, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2021. 

Chủng loại xuất khẩu: Trong 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu là cao su tự nhiên. Trong đó, cao su RSS3 được xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ nhiều nhất, chiếm 27,6% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ trong 7 tháng đầu năm 2022. Đứng thứ 2 là chủng loại Latex chiếm 26,9% và thứ ba là SVR10 chiếm 24,3% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ trong 7 tháng đầu năm 2022. 

Về giá xuất khẩu: Trong 7 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân phần lớn các chủng loại cao su sang Thổ Nhĩ Kỳ đều giảm so với cùng kỳ năm 2021, trong đó giảm mạnh nhất là SVR CV60 giảm 8,2%; RSS3 giảm 7,3%; SVR CV50 giảm 4,6%... Tuy nhiên, giá xuất khẩu bình quân một số chủng loại cao su sang Thổ Nhĩ Kỳ lại tăng như SVR10 tăng 4,9%, SVR CV40 tăng 13,3%; SVR20 tăng 8,6%...

 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục