Giá dầu tăng khi Saudi Arabia bất ngờ tuyên bố hạ sản lượng thêm 1 triệu thùng
Giá dầu Brent tương lai có thời điểm tăng lên mức cao 30,11 USD / thùng trong phiên giao dịch muộn. Vào khoảng 2 giờ đêm tại Mỹ, tức 9 giờ sáng giờ Việt Nam, giá dầu Brent tăng 24 cent, tương đương 0,8% ở mức 29,87 USD/ thùng. Trước đó, giá dầu Brent đã giảm 1,34 USD trong phiên giao dịch 11/5.
Hợp đồng tương lai dầu WTI tăng 1,6%, tương đương 38 cent lên mức 24,52 USD/ thùng sau khi chạm mức cao 24,77 USD/ thùng trong phiên giao dịch muộn.
Giá dầu đã tăng sau khi Saudi Arabia bất ngờ tuyên bố cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ ngày kể từ tháng 6 tới đây, qua đó làm giảm tổng sản lượng xuống còn 7,5 triệu thùng/ ngày, tức giảm gần 40% so với mức đỉnh hồi tháng 4.
Tuyên bố như vậy được xem là động lực to lớn khuyến khích các thành viên tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ thực hiện đúng cam kết và thúc đẩy thêm các mức cắt giảm tự nguyện khác, qua đó giúp thị trường dầu mỏ toàn cầu tái cân bằng trở lại, theo ông Stephen Innes, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại AxiCorp.
Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất và Kuwait cũng cam kết cắt giảm sản lượng thêm 180.000 bpd. Nhiều nhà đầu tư vẫn đặt ra câu hỏi tại sao các quốc gia cần cắt giảm sâu hơn nữa. Vivek Dhar, chuyên gia kinh tế về năng lượng và khai thác mỏ của ngân hàng Commonwealth Bank nhận định chưa rõ đây là chính sách chủ động của các quốc gia hay chỉ là một phản ứng thụ động trong bối cảnh nhu cầu dầu yếu và giá dầu giảm sâu.
Trước đó, tỷ phú Ai Cập Naguib Sawiris đã dự báo giá dầu sắp tăng mạnh trong những tháng tiếp theo sau khoảng thời gian giảm sâu vì dịch bệnh và cuộc chiến giá cả giữa Nga - Saudi Arabia. “Tôi nghĩ rằng nó (cuộc chiến giá dầu) đã được tính toán trước. Tôi nghĩ họ biết rằng điều này (việc giá dầu giảm mạnh) sẽ xảy ra nhưng họ vẫn muốn làm. Bởi vì bằng việc triệt tiêu một đối thủ cạnh tranh (ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ), giá dầu sẽ tăng lên hơn 50-69 USD/ thùng. Tôi thực sự tin rằng trong khoảng 18 tháng kể từ lúc này, giá dầu sẽ tăng lên mốc 100 USD/ thùng.
Nhìn chung, việc cắt giảm sản lượng dầu kết hợp với một số quốc gia trên thế giới đang dần dỡ bỏ hạn chế kiểm dịch được cho là sẽ giúp nhu cầu dầu phục hồi trở lại, qua đó giảm bớt áp lực lên khả năng lưu trữ dầu thô. Nhưng nguy cơ tái bùng phát dịch Covid-19 tại nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc… đang thúc đẩy các chính phủ tăng cường biện pháp tái phong tỏa một số địa phương.
Về phía áp lực cầu, các chuyên gia ngân hàng Commonwealth Bank dự báo nguy cơ bùng làn sóng dịch Covid-19 tiếp theo trên toàn cầu có thể gây ra “sự sát thương cực đại” với thị trường dầu cả về nhu cầu và giá cả.
Một áp lực khác đến từ khả năng các kho dự trữ dầu trên toàn cầu sắp tràn, buộc các quốc gia cũng như doanh nghiệp sản xuất dầu mỏ phải cắt giảm nguồn cung ứng. Cuộc thăm dò mới đây của Reuters dự báo dự trữ dầu thô Mỹ có khả năng tăng 4,3 triệu thùng trong tuần đầu tháng 5, theo báo cáo nhóm ngành công nghiệp của Viện Dầu khí và Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ.
Nhìn chung, phần lớn diễn biến tiếp theo của thị trường dầu mỏ phụ thuộc vào tín hiệu từ đại dịch Covid-19.