Gia Lai: Thầy giáo hotboy người dân tộc Banar với khát vọng đưa sắc màu thổ cẩm vươn xa

Trần Hiền Chủ nhật, ngày 18/07/2021 05:37 AM (GMT+7)
Không chỉ là người thầy đầy nhiệt huyết (yêu nghề, mến trẻ), thầy giáo Tưih, dân tộc Banar (trú tại làng Dur, xã Glar, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) còn đam mê bảo tồn nghề dệt thổ cẩm. Để sắc màu thổ cẩm vươn xa hơn, thầy Tưih còn tự dệt, tự thiết kế và mở tiệm cho thuê áo, váy cưới thổ cẩm, làm mẫu ảnh cho studio.
Bình luận 0

Clip: Thầy giáo trẻ đam mê phát triển, bảo tồn và đưa sắc màu thổ cẩm dân tộc Banar vươn xa.

Thầy giáo Banar yêu nghề, yêu trẻ

Có thể khẳng định rằng, thầy Tưih là một giáo viên Banar đa tài. Bởi lẽ, ngoài công tác giảng dạy, thời gian rảnh thầy Tưih còn tự dệt, lên ý tưởng thiết kế các mẫu áo thổ cẩm, đặc biệt là váy cưới. 

Chưa hết tài lẻ của mình, thầy còn chủ động mở tiệm tự trang điểm, chụp hình và cho khách thuê các loại áo, váy cưới thổ cẩm.

Gia Lai: Thầy giáo hotboy người Banar với khát vọng đưa sắc màu thổ cẩm vươn xa - Ảnh 2.

Chân dung thầy giáo người Banar, có niềm đam mê với thổ cẩm

Đặc biệt, nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình vươn xa hơn, thầy Tưih còn tự mình mặc các loại áo, khố thổ cẩm do mình dệt và lên ý tưởng làm mẫu ảnh cho các studio.

Phóng viên tìm đến nhà thầy Tưih trong dịp nghỉ hè. Khoảng thời gian này thầy đang tạm gác việc dạy học để tranh thủ thiết kế nhiều mẫu áo, váy thổ cẩm cho khách với mong muốn đưa sắc màu thổ cẩm tại làng Dur vươn xa hơn.

Gia Lai: Thầy giáo hotboy người Banar với khát vọng đưa sắc màu thổ cẩm vươn xa - Ảnh 3.

Không chỉ đam mê với thổ cẩm, thầy Tưih còn mang khát vọng đưa sắc màu thổ cẩm vươn xa hơn

Theo chia sẻ của anh Bùi Quang Thoại - Phó Chủ tịch UBND xã Glar, hiện thầy Tưih đang giảng dạy tại Trường Tiểu học số 1 Ia Băng (huyện Đăk Đoa). 

Sinh ra và lớn lên ở làng nên thầy Tưih khá hiểu tâm lý con trẻ và phụ huynh. Đặc biệt, là khi Tây Nguyên bước vào mùa mưa và vụ mùa nên thầy Tưih luôn gần gũi các em, vận động các em đến trường. 

Với vai trò là một giáo viên đứng lớp, để duy trì sĩ số học sinh vào mỗi dịp đầu năm học mới thầy còn đến tận nhà vận động, đưa các em đến trường.

Gia Lai: Thầy giáo hotboy người Banar với khát vọng đưa sắc màu thổ cẩm vươn xa - Ảnh 4.

Hiện thầy Tưih đang công tác tại Trường Tiểu học số 1 Ia Băng (huyện Đăk Đoa)

Chia sẻ niềm vui trong sự nghiệp trồng người, thầy Tưih bộc bạch: "Ngay từ nhỏ, mình đã rất yêu thích được làm một thầy giáo, truyền đạt kiến thức đến các em. Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, mình khá may mắn khi có thể đứng trên bục giảng thực hiện ước mơ này. 

Nhận thấy việc tới trường học con chữ của các em ở làng còn nhiều khó khăn. Vì thế, ngoài thời gian dạy học trên lớp, mình chủ động dạy phụ đạo miễn phí cho các em học sinh".

Gia Lai: Thầy giáo hotboy người Banar với khát vọng đưa sắc màu thổ cẩm vươn xa - Ảnh 5.

Gia Lai: Thầy giáo hotboy người Banar với khát vọng đưa sắc màu thổ cẩm vươn xa - Ảnh 6.

Ngoài thời gian dạy học trên lớp, thầy đã dạy phụ đạo miễn phí cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong làng

Theo đó, năm học 2020-2021, sau khi kiểm tra chất lượng đầu năm học, lớp của thầy Tưih chủ nhiệm có đến gần 10 em chưa thuộc bảng chữ cái. 

Để giúp học trò của mình, thầy đã lên phương án dạy phụ đạo cả tuần cho học sinh vào mỗi buổi chiều. Nhờ lòng nhiệt huyết của mình cùng với sự chăm chỉ của trò, hiện 25/25 học sinh của lớp đều đã đọc tốt con chữ.

Thầy giáo trẻ với khát vọng đưa sắc màu thổ cẩm vươn xa

Khi đạt được ước mơ đứng trên bục giảng, truyền đạt con chữ cho các em học sinh nghèo, cuối tuần thầy Tưih dành thời gian lên ý tưởng, thiết kế các bộ áo, váy thổ cẩm. 

Bởi song song với niềm đam mê trở thành thầy giáo, thầy Tưih luôn mang trong mình khát vọng bảo tồn nghề dệt, đưa sắc màu thổ cẩm vươn xa hơn.

Gia Lai: Thầy giáo hotboy người Banar với khát vọng đưa sắc màu thổ cẩm vươn xa - Ảnh 7.

Tất cả những mẫu áo, váy trên đều được thầy Tưih lên ý tưởng thiết kế. Thầy Tưih có niềm quan tâm đặc biệt đến áo cưới thổ cầm truyền thống kết hợp nhiều chi tiết hiện đại

"Lớn lên bên khung dệt của mẹ, khá nhiều lần mình "trộm" mẹ dệt, thấy dệt được nên mẹ không phản đối ngược lại còn hướng dẫn thêm. Cũng từ đó mình dệt thành thạo...". thấy giáo trẻ nhớ lại.

Học xong lớp 12, Tưih bước vào cánh cửa đại học vì thế anh phải rời xa khung dệt của mẹ. Mãi đến khi tốt nghiệp về làng giảng dạy, anh mới có cơ hội được ngắm nhìn, được lên ý tưởng cho những trang phục thổ cẩm. 

"Bởi bản thân không có nhiều thời gian dệt nên cuối tuần mình tranh thủ lên ý tưởng thiết kế áo, váy từ những tấm vải mẹ, chị gái hay người làng dệt nên", anh Tưih chia sẻ.

Gia Lai: Thầy giáo hotboy người Banar với khát vọng đưa sắc màu thổ cẩm vươn xa - Ảnh 8.

Thầy Tưih giới thiệu đến khách hàng những chiếc áo thổ cẩm theo xu hướng hiện đại

Vì còn công việc giảng dạy ở trường nên phần lớn áo, váy cưới thổ cẩm đều được mẹ và chị gái thầy Tưih hỗ trợ dệt thủ công. 

Khi đã có ý tưởng và các tấm vải, thầy nhờ những thợ may có kinh nghiệm hoàn thiện. Sản phẩm đầu tiên của thầy chính là bộ trang phục cưới dành cho bố mẹ mình. 

Sau đó chính tay thầy Tưih đã chụp và hoàn thiện bộ ảnh cưới thổ cẩm cho ba mẹ. Bộ ảnh khi được tung lên mạng nhận được rất nhiều lời khen từ các cư dân mạng.

Gia Lai: Thầy giáo hotboy người Banar với khát vọng đưa sắc màu thổ cẩm vươn xa - Ảnh 9.

Đây chính là 2 bộ áo, váy cưới thổ cẩm của anh thiết kế dành riêng cho ba mẹ mình

Theo thầy Tưih, vì cuộc sống hiện đại cuốn người làng vào những gánh nặng mưu sinh. Thấy thổ cẩm truyền thống dần mờ đi ở các buôn làng, những khung dệt trước đây ngày một thưa dần nên Tưih rất muốn có thể làm gì đó để bảo tồn nét văn hóa ấy. Từ đó, thầy lên ý tưởng làm mới trang phục thổ cầm truyền thống theo xu hướng hiện đại.

Nghĩ là làm, thầy giáo tự mình lên ý tưởng và thiết kế các sản phẩm. Khi cầm tấm thổ cẩm trên tay, anh băn khoăn làm sao để thiết kế được một chiếc áo, chiếc váy thật đẹp, thật chuẩn không dài cũng không rộng. Thậm chí, nhiều tấm vải cháu dệt hỏng, thầy vẫn tận dụng làm khăn, khố để tránh lãng phí mà vẫn mang nhiều nét độc đáo riêng.

Gia Lai: Thầy giáo hotboy người Banar với khát vọng đưa sắc màu thổ cẩm vươn xa - Ảnh 10.

Thầy Tưih đã dùng chất liệu thổ cẩm để thiết kế những chiếc váy cưới theo phong các hiện đại

"Bộ váy cưới thổ cẩm đầu tiên của mình cũng là bộ váy mẹ mình mặc trong lễ kỷ niệm ngày cưới của ông bà. Chiếc váy này có sự kết hợp từ những chiếc váy cưới truyền thống và một số kiểu váy hiện đại để đáp ứng nhu cầu của nhiều vị khách. Bởi nếu không có sự đổi mới sẽ rất khó để chiều lòng những vị khách khó tính, chứ chưa nói đến việc đưa sản phẩm của mình vươn xa hơn...", thầy Tưih lý giải.

 "Mình thấy có khá nhiều nơi làm nhái các sản phẩm thổ cẩm rồi cho thuê, bán với giá rẻ. Nếu có điều kiện Tưih rất muốn đăng ký thương hiệu riêng cho những trang phục thổ cẩm của mình, của làng. Để từ đó, sắc màu thổ cẩm có thể vươn xa hơn, được mọi người trên khắp đất nước biết đến", thầy Tưih tâm sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem