Đà Nẵng: Giá rau xanh tăng cao nhưng nông dân không có hàng để bán, lo thất thu tiền Tết

Trần Hậu - Tuyết Nhung Thứ sáu, ngày 23/12/2022 05:44 AM (GMT+7)
Vụ rau Tết mọi năm là cơ hội để người nông dân trồng rau kiếm nguồn thu nhập chính trong năm. Thế nhưng năm nay, thời tiết lạnh và mưa kéo dài khiến nhiều diện tích rau trên địa bàn thành phố Đà Nẵng bị hư hại nặng. Giá các loại rau, củ, quả đang ở mức cao, nhưng nông dân lại không có hàng để bán.
Bình luận 0

Giá rau tăng cao

Những ngày cận Tết, bà con nông dân tại xã Hoà Phong, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng lại khẩn trương ra đồng rau thuộc Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan để trồng lại rau, hi vọng kịp cung cấp sản phẩm ra thị trường dịp Tết Nguyên đán 2023.

Đà Nẵng: Giá rau tăng cao nhưng nông dân không có hàng để bán, lo thất thu mùa Tết - Ảnh 1.

Hơn 5 sào rau quả của bà Trực bị hư hại nhiều và không có hàng để bán do mưa lạnh kéo dài. Ảnh: T.H.

Đang ủ rơm cho luống ngò vừa xuống giống, ông Trần Thành (50 tuổi) buồn rầu nói: "Cận Tết mà thời tiết xấu, mưa lạnh kéo dài thì lấy gì mà ăn. Hơn 5 sào rau tôi xuống giống 10 ngày trước để cung ứng dịp Tết đã hư hại hết.

Hạt giống thì không lên cây, rau thì chết dần, củ quả thì không đậu trái, sâu bệnh tấn công… riêng tiền đầu tư phân bón, giống, cày, làm đất cũng đã tốn gần 3 triệu đồng. Mấy nay trời bớt mưa nên tôi tranh thủ trồng lại những loại rau ngắn ngày, nhưng chắc phải qua Tết mới có bán".

Đà Nẵng: Giá rau tăng cao nhưng nông dân không có hàng để bán, lo thất thu mùa Tết - Ảnh 2.

Ông Trần Thành đang ủ rơm cho luống ngò vừa được gieo lại sau đợt mưa kéo dài. Ảnh: T.N.

Cùng chung cảnh ngộ đáng buồn nói trên, hộ bà Huỳnh Thị Trực (73 tuổi) canh tác 5 sào rau quả các loại. Đợt mưa vừa qua làm rau bị hư hại nặng, những giàn mướp và khổ qua đậu rất ít trái. Dịp Tết mọi năm nếu thời tiết thuận lợi, rau phát triển tốt sẽ mang lại cho gia đình bà nguồn thu nhập gần 7 triệu đồng.

Đà Nẵng: Giá rau tăng cao nhưng nông dân không có hàng để bán, lo thất thu mùa Tết - Ảnh 3.

Rau xanh úa lá, thối rễ, chậm sinh trưởng do thời tiết mưa lạnh kéo dài. Ảnh: T.N.

Thế nhưng "người tính không bằng trời tính", mưa lạnh kéo dài đã phá hỏng mọi dự định. Thương lái đến tận vườn thu mua, giá rau, củ, quả ngoài chợ đang tăng cao nhưng nông dân không có hàng để bán.

Đà Nẵng: Giá rau tăng cao nhưng nông dân không có hàng để bán, lo thất thu mùa Tết - Ảnh 4.

Dưa leo, mướp, khổ qua, đậu cove tỷ lệ đậu trái thấp, hư hại nhiều vì lạnh và sâu bệnh hại. Ảnh: T.N.

Bà Trực than thở: "Hiện nay thương lái mua rau quế 50.000 đồng/kg, tôi cặm cụi hái rau cả buổi sáng vẫn chưa được 1kg, bởi có rau đâu mà hái. Mưa lạnh quá nên ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, làm cây trụi lá, thối gốc và chết dần. Hi vọng thời tiết nắng ấm lên để nông dân còn gỡ gạc, chứ cứ lạnh thế này thì Tết thất thu lớn".

Nông dân lo thất thu tiền Tết

Là vùng trồng rau chuyên canh, thường xuyên cung cấp một lượng lớn rau quả cho thị trường Đà Nẵng, nhưng thời tiết xấu đã làm nhiều diện tích của Hợp tác xã rau an toàn La Hường (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) bị chết, hư hại nhiều.

Đà Nẵng: Giá rau tăng cao nhưng nông dân không có hàng để bán, lo thất thu mùa Tết - Ảnh 5.

Tết Nguyên đán cận kề, nông dân đang ra sức xuống giống lại với kỳ vọng thời tiết thuận lợi, được mùa được giá.

Nông dân buồn rầu, xuống giống lại vụ mới nhưng vẫn thấp thỏm lo âu. Các ruộng rau ngắn ngày như: rau cải, rau muống, xà lách… dù được chăm sóc kỹ lưỡng nhưng năng suất thấp. Dưa leo, mướp, khổ qua, đậu cove tỷ lệ đậu trái thấp, hư hại nhiều vì lạnh và sâu bệnh hại.

Ông Phan Hữu Trà Anh (80 tuổi) chia sẻ: "Tôi chỉ trồng hơn 1 sào rau xanh các loại để chuẩn bị bán dịp Tết, nhưng đợt này mưa nhiều quá cộng với thời tiết lạnh làm những luống rau chậm sinh trưởng, thậm chí chết đồng loạt.

Điển hình như luống rau xà lách này thường 30 ngày tôi đã có thể hái bán dần, nhưng đợt này hơn 40 ngày rồi tôi mới bán được vài bó nhỏ. Bây giờ tôi phá bỏ luống rau lang bị sâu bệnh phủ để chuẩn bị trồng lại rau cải, nếu thời tiết nắng ấm thì vụ rau này sẽ kịp Tết, tôi có thêm chút thu nhập".

Đà Nẵng: Giá rau tăng cao nhưng nông dân không có hàng để bán, lo thất thu mùa Tết - Ảnh 6.

Những sào súp lơ được làm cỏ, vun gốc, bón phân và diệt sâu bệnh để kịp bán Tết.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ rau củ tăng cao dịp Tết, nông dân La Hường trồng nhiều diện tích cây súp lơ. Đây là loại cây ưa khí hậu mát lạnh nhưng không chịu được mưa lạnh dài ngày. Việc thời tiết diễn biến xấu đã khiến nhiều cây bị hư hại, sâu bệnh tấn công mạnh.

Ông Toàn cho biết, 6 sào trồng rau, củ, quả của ông dự định bán dịp Tết đã bị hư hại nhiều. Mấy ngày nay trời ngớt mưa nên ông tranh thủ cứu vớt lại những hàng súp lơ, vun gốc, bón phân và diệt sâu bệnh.

Ông phải xuống giống trở lại bởi giống bị hư nhiều, không nảy mầm, có chỗ cây con bị trơ gốc và dập nát… dự là đầu tháng Chạp mới có rau để bán.

Đà Nẵng: Giá rau tăng cao nhưng nông dân không có hàng để bán, lo thất thu mùa Tết - Ảnh 7.

Rau củ quả có giá cao nhưng nông dân không có hàng để bán, lo thất thu mùa Tết.

Theo ông Trần Văn Hoàng - Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn La Hường, đợt mưa hơn 10 ngày qua khiến 5ha rau, củ, quả các loại của nông dân bị hư hại, hợp tác xã không có hàng để cung ứng cho các đầu mối.

Mặc dù giá phân bón, vật tư, giống, nhân công tăng cao, nhưng bà con vẫn đang cày xới và xuống giống lại. Chủ yếu trồng các loại rau như: xà lách, rau cải, rau muống, hành, ngò… để hi vọng kịp bán Tết.

Vụ rau Tết mọi năm, nếu được mùa được giá thì nông dân La Hường có thể thu lãi từ 10-20 triệu đồng/1.000m2. Tết Nguyên đán đang cận kề, nông dân đang ra sức chăm sóc rau với kỳ vọng thời tiết thuận lợi và được mùa được giá.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem