Gia tăng đột quỵ ở giới trẻ do lối sống

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 01/01/2021 07:30 AM (GMT+7)
Mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca đột quỵ. Đáng lo ngại, bệnh đột quỵ đang "trẻ hóa" do lối sống lười vận động, ăn uống thiếu khoa học.
Bình luận 0

14 tuổi đã nguy kịch do đột quỵ

Theo PGS-TS Mai Duy Tôn-Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, (Bệnh viện Bạch Mai), khoảng 1 tháng trở lại đây, trung tâm đã tiếp nhận khoảng 1.000 ca đột quỵ. Nếu như trước đây, đột quỵ được xem là bệnh của người cao tuổi thì vài năm trở lại đây đang có xu hướng trẻ hóa. Trong số 1.000 ca đột quỵ được tiếp nhận tại Trung tâm Đột quỵ có đến 10% là các bệnh nhân trẻ (dưới 44 tuổi). Đáng nói, có ca bệnh chỉ mới 14 tuổi.

"Cách đây ít hôm, 1 bệnh nhân nam 14 tuổi đã vào Trung tâm trong tình trạng đau đầu nhiều, rối loạn vận động. Kết quả chụp cắt lớp đã phát hiện dị dạng mạch não, các bác sĩ đã phải khẩn trương can thiệp tích cực. Rất may, bệnh nhân đã qua khỏi cơn nguy hiểm"- PGS Tôn cho biết.

Gia tăng đột quỵ ở giới trẻ do lối sống - Ảnh 1.

Một bệnh nhân trẻ bị đột quỵ đang điều trị tại Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: D.L

"Muốn giảm nguy cơ đột quỵ cần khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ, nếu có cần điều trị sớm. Nên thay đổi thói quen, sinh hoạt khoa học, bỏ thuốc lá, rượu. Với bệnh nhân từng bất thường mạch máu, tăng đông nên được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa để được sàng lọc loại trừ yếu tố nguy cơ".

PGS Mai Duy Tôn

Cũng là bệnh nhân đột quỵ trẻ, tuy nhiên cô giáo (34 tuổi ở Hà Nội) đã không qua khỏi. Gia đình cho biết, buổi sáng bệnh nhân dậy sửa soạn lên lớp thì thấy chóng mặt, tê bì nửa người, nói hơi khó nghe. Gia đình tưởng bị cảm nên dìu bệnh nhân lên giường nghỉ. Đến chiều tối mọi người về nhà, thấy cô vẫn chưa tỉnh, lay gọi thì bệnh nhân đã ú ớ, ánh mắt vô hồn. Đưa đi cấp cứu thì không còn kịp.

PGS Tôn chia sẻ, đột quỵ hay tai biến mạch máu não là đột quỵ não, gồm 2 dạng: Xuất huyết não (mạch máu não bị vỡ) và thiếu máu cục bộ não xảy ra khi mạch máu đưa lên não hoặc trong não bị nghẽn do huyết khối, thành mạch xơ vữa.

Đột quỵ nếu cấp cứu muộn thì nguy cơ tử vong rất cao. Một số người được cấp cứu kịp thời cũng thường chịu di chứng nặng nề, thậm chí liệt, mất sức lao động. "Lý do của việc đến viện muộn là do người trẻ thường chủ quan, không nhận diện rõ các dấu hiệu điển hình của đột quỵ và không nghĩ là đột quỵ có thể xảy ra ở người trẻ tuổi. Khi đến viện muộn, họ đã làm mất đi cơ hội vàng để phục hồi"- PGS Tôn nhận định.

Nhiều người chủ quan với đột quỵ

PGS-TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đột quỵ là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây ra tàn tật và phổ biến thứ ba gây tử vong tại Việt Nam. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong. Mặc dù nhiều người may mắn sống sót sau cơn đột quỵ, nhưng họ vẫn phải chịu các di chứng nặng nề, thậm chí là mất khả năng lao động, tạo ra gánh nặng cho gia đình và xã hội.

"Thông thường, đột quỵ thường gặp ở những người từ 50 tuổi trở lên, tuy nhiên độ tuổi đột quỵ ngày càng trẻ hóa. Cụ thể, tỷ lệ người trẻ và người trung niên chiếm khoảng một phần ba tổng số các trường hợp đột quỵ"- PGS Khuê lo ngại.

Theo thống kê tại các bệnh viện, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi trung bình tăng khoảng 2% mỗi năm, trong đó số nam giới cao gấp 4 lần nữ giới. Vì vậy mà, việc tăng cường khả năng tiếp cận các thông tin về phòng ngừa và điều trị bệnh đột quỵ trở nên rất cần thiết và quan trọng.

Về nguyên nhân gia tăng bệnh đột quỵ ở giới trẻ, PGS Tôn khẳng định điều này liên quan nhiều đến lối sống và gia tăng các bệnh mãn tính. Có nhiều yếu tố liên quan đến đột quỵ như bệnh tăng huyết áp, bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, béo phì, tăng mỡ máu, hút thuốc…

GS-TS Trần Bình Giang-Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) cũng cảnh báo: Các bệnh lý mạch máu não, đột quỵ ngày càng tăng lên, ngày càng trẻ hóa là do lối sống thiếu lành mạnh. Giới trẻ hiện nay uống rượu bia, hút thuốc lá, ăn nhiều thực phẩm chiên rán, sinh hoạt không lành mạnh… Lối sống đó khiến tỷ lệ xơ vữa mạch máu tăng rất nhanh, sớm, là nguyên nhân quan trọng tổn thương mạch máu não"- GS Giang cho biết.

Lối sống không lành mạnh, chủ quan với các bệnh tim mạch, đột quỵ khiến nhiều người Việt đang đặt sức khỏe, tính mạng của mình trong nguy hiểm. "Cần phải nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng về bệnh đột quỵ. Nếu người dân biết các yếu tố nguy cơ, hay các dấu hiệu cảnh báo, đồng thời với việc được cấp cứu kịp thời trong "thời gian vàng" đối với bệnh đột quỵ sẽ giảm bớt gánh nặng cho các gia đình và cho toàn xã hội"- PGS Khuê khuyến cáo.

Mới đây, Bộ Y tế đã có chương trình nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống đột quỵ tại Việt Nam 2021 - 2023 nhằm giúp cộng đồng hiểu biết về đột quỵ, cũng như thay đổi lối sống, giữ gìn sức khỏe để giảm nguy cơ đột quỵ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem