Gia tăng tình trạng trục lợi bảo hiểm thất nghiệp

Thùy Anh Thứ bảy, ngày 18/07/2020 06:30 AM (GMT+7)
Dịch Covid-19 đã khiến hàng triệu lao động chịu cảnh thất nghiệp. Lúc này bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thực sự trở thành "phao cứu sinh" cho lao động và doanh nghiệp (DN). Lợi dụng điều này nhiều lao động và DN đã lạm dụng, thậm chí trục lợi chính sách BHTN.
Bình luận 0

Số người đăng ký hưởng BHTN tăng đột biến

Theo quy định của Luật Việc làm, vì thất nghiệp, trong thời gian chưa tìm được việc làm mới, người lao động sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) hàng tháng, với mức hưởng bằng 60% mức bình quân tiền lương hàng tháng đóng BHTN. Đồng thời, người lao động được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; được hỗ trợ học nghề, với mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng.

Đối với đơn vị sử dụng lao động do dịch bệnh mà buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh thì được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, với mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng...

Gia tăng tình trạng trục lợi bảo hiểm thất nghiệp - Ảnh 1.

Người lao động tới Trung tâm Dịch vụ việc làm đăng ký hưởng TCTN. Ảnh: Nguyệt Tạ

Chính bởi vậy BHTN được xem là "phao cứu sinh" đối với người lao động và đơn vị sử dụng lao động khi xảy ra dịch Covid-19. Cũng bởi lý do này mà nhiều DN, người lao động đã lợi dụng chính sách, trục lợi bảo hiểm. Theo ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, các hình thức trục lợi BHXH trong đó có BHTN cũng rất đa dạng. Có thể là lao động phối hợp với DN khai khống hồ sơ để hưởng TCTN, cũng có thể là DN trục lợi hoặc lao động trục lợi khi đang hưởng TCTN nhưng vẫn đi làm. Hiện nay, qua rà soát tại địa phương, BHXH Việt Nam cũng đã thấy thực trạng này, nhưng kết quả rà soát số trường hợp hưởng sai chính sách BHTN lại chưa có sự đồng nhất.

Trước đó, năm 2019, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi tiền TCTN của 2.992 trường hợp hưởng sai quy định, với số tiền phải thu hồi trên 14 tỷ đồng. Còn theo rà soát của Bộ LĐTBXH, chỉ tính trong 8 tháng năm 2019, số tiền hưởng TCTN sai cần phải thu hồi là 71,9 tỷ đồng.

Theo số liệu của BHXH Việt Nam, tổng kinh phí dành để chi các chế độ BHTN trong quý I/2020 là 2.744 tỷ đồng. Riêng trong tháng 3, BHXH Việt Nam chi trả TCTN cho 240.519 lượt người, với số tiền là 904 tỷ đồng, tăng 11% về lượt người và 20% về kinh phí so với cùng kỳ năm 2019.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, số người đến nộp hồ sơ hưởng TCTN là 569.929 người, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2019. Số người có quyết định hưởng TCTN là 507.585 người, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là con số tăng cao nhất kể từ 5 năm trở lại đây. Theo tính toán của BHXH Việt Nam, số tiền để chi các chế độ về BHTN sẽ tăng cao trong quý III/2020. Con số này có thể lên tới 4.000 - 6.000 tỷ đồng do những tác động bất lợi của đại dịch Covid-19 về lao động, việc làm ở nước ta.

Cảnh báo tình trạng trục lợi

Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân chính để xảy ra tình trạng lạm dụng, trục lợi BHTN là do việc đăng ký hưởng TCTN hiện nay khá dễ. Khi người lao động có đủ các loại giấy tờ (quyết định chấm dứt hợp đồng hoặc nghỉ việc; sổ BHXH đã chốt kỳ tham gia; chứng minh nhân dân) là đủ điều kiện nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN.

Ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (đơn vị thực hiện chính sách BHTN) cho biết, tất cả điều kiện hưởng, hồ sơ hưởng đều đã được quy định rõ ràng trong luật. Khi bị mất việc làm người lao động đến nộp hồ sơ kê khai hưởng TCTN. Tuy nhiên, hàng tháng, lao động vẫn phải tới kê khai tình trạng mất việc làm. Nếu lao động có việc làm rồi mà vẫn cố tình khai báo thì là cố tình làm sai quy định pháp luật.

Theo ông Thảo, hiện nay tỷ lệ lao động qua đăng ký nộp hồ sơ hưởng BHTN khá đông (mỗi năm từ 68.000 -70.000 hồ sơ), chính vì thế trường hợp lao động gian dối, hay sai phạm cũng khó tránh khỏi. "Thông qua tư vấn, lao động có chia sẻ thì mới nắm bắt được để xử lý. Ngoài ra hiện nay BHXH cũng có phần mềm dữ liệu kiểm soát, nếu phát hiện các trường hợp trùng đóng, trùng hưởng thì sẽ chuyển qua các trung tâm xử lý. Nhiều trường hợp vi phạm đã bị xử phạt hành chính, còn trường hợp hưởng quá thì truy thu" - ông Thảo nói.

Thực tế, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã xử lý, truy thu được nhiều trường hợp. Thậm chí còn xử lý được với cả các trường hợp sai phạm trước đó 5 năm. "Việc truy thu không hề khó vì quyền lợi của người lao động vẫn gắn chặt với chính sách tham gia BHXH. Vì thế khi giải thích rõ người lao động sẽ phải chấp hành" - ông Thảo khẳng định.

Không riêng gì Hà Nội, nhiều tỉnh thành khác trong cả nước cũng đang ghi nhận các trường hợp trục lợi TCTN. Tại Bình Thuận, tỉnh này vừa phát hiện 217 trường hợp khai báo gian dối để nhận tiền TCTN.

Bà Trần Thị Thơ - Phó Trưởng phòng chế độ BHXH (BHXH tỉnh Bình Thuận) cho biết, tính đến hết tháng 6/2020, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 6.134 người được hưởng chế độ TCTN, với số tiền hưởng hàng tháng gần 17 tỷ đồng, tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm 2019. Theo dự báo của BHXH tỉnh, trong tháng tới, con số người hưởng BHTN có xu hướng gia tăng khoảng 20% so với hiện nay.

Trước tình hình này, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với BHXH tỉnh xác minh nhiều trường hợp nghi vấn trong quá trình hưởng BHTN. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2020, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và BHXH tỉnh đã hủy quyết định hưởng BHTN của 217 trường hợp. Theo BHXH tỉnh, nhiều trường hợp dù đã xin được việc làm mới nhưng vẫn đăng ký nhận BHTN hoặc có trường hợp có thu nhập khác hoặc nghỉ sinh con cũng đăng ký nhận BHTN. Thậm chí có trường hợp người lao động và đơn vị sử dụng lao động "thỏa thuận ngầm" chấm dứt hợp đồng lao động để hưởng BHTN, trong khi thực tế người lao động vẫn làm việc…

Bà Lê Thị Hồng Vân- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bình Thuận cho biết: "Theo quy định, trường hợp người lao động đã có việc làm mới sẽ phải chấm dứt ngay việc hưởng BHTN, số tháng hưởng BHTN còn lại sẽ được bảo lưu. Tuy nhiên, nhiều người lao động vừa có việc làm mới, vừa hưởng BHTN mà không tự động khai báo. Đây là một trong những hành vi phổ biến nhất trong trục lợi quỹ BHTN".

Trong khi đó, theo đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Thuận, Trung tâm chưa có công cụ hỗ trợ để kiểm tra người lao động đã có việc làm mới hay chưa mà phụ thuộc hoàn toàn vào sự trung thực của người lao động. Do vậy, những trường hợp gian lận chỉ được phát hiện khi họ có tham gia đóng BHXH ở nơi làm việc mới, khi phát hiện được thì rất nhiều trường hợp đã hưởng tới vài tháng BHTN. 

img

Phát hiện sai phạm có thể bị hồi tố, truy thu

"Hiện nay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ ngành trong đó có cả ngành lao động đang tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ các DN. Chính bởi vậy, công tác thanh tra một số lĩnh vực, trong đó có cả lĩnh vực liên quan tới BHXH, đóng, hưởng BHTN... cũng tạm dừng. Qua thực tế chúng tôi đã ghi nhận một số ý kiến cho biết có tình trạng lao động, DN trục lợi chính sách BHXH trong đó có BHTN, hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên chưa thanh tra không có nghĩa là không thanh tra. Lúc kinh tế bắt đầu ổn định, DN đi vào hoạt động bình thường chúng tôi sẽ tiến hành thanh tra lại. Trong trường hợp đó, nếu phát hiện sai phạm thì người lao động, DN làm sai sẽ bị xử lý theo pháp luật. Điều 214 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định rõ hành vi gian lận tiền BHTN sẽ bị truy tố hình sự, với mức án cao nhất là 10 năm tù. Kể cả với trường hợp phạm tội trong quá khứ nếu bị phát hiện sẽ bị cơ quan chức năng hồi tố và truy thu tiền về cho ngân sách".

Ông Phạm Tiến Tùng - Chánh Thanh tra Bộ LĐTBXH

img

Vẫn thanh tra, xử lý liên tục

"Trong hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, đơn vị này đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tạm dừng thực hiện thanh tra, kiểm tra thường xuyên trong thời gian diễn ra dịch Covid -19. Tuy nhiên BHXH các tỉnh, thành phố vẫn sẽ chủ động thanh tra đột xuất tại các đơn vị, DN cố tình trốn đóng hoặc có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi để kịp thời xử lý.

6 tháng đầu năm, toàn ngành đã tiến hành thanh tra chuyên ngành đóng tại 834 đơn vị, qua đó phát hiện 2.371 lao động thuộc đối tượng phải tham gia nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là 18,455 tỷ đồng. Phát hiện 9.985 lao động tham gia đóng BHXH thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 51,785 tỷ đồng. Số tiền nợ đóng các đơn vị đã nộp trong thời gian thanh tra là 98,147 tỷ đồng.".

Ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam

Nguyệt Tạ (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem