Giá thức ăn chăn nuôi tăng ít nhất 15%, nông dân lỗ sặc gạch, tính đường chủ động 50% nguyên liệu

Khánh Nguyên Thứ hai, ngày 28/03/2022 18:53 PM (GMT+7)
Theo ông Tống Xuân Chinh (ảnh) - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao như hiện nay, việc phát triển các vùng nguyên liệu ngô, đậu tương để chủ động ít nhất 50% nguồn nguyên liệu trong nước là rất cần thiết để giảm dần tỷ lệ phụ thuộc vào nhập khẩu.
Bình luận 0
Chủ động sản xuất, kìm giá thức ăn chăn nuôi: Phải chủ động ít nhất 50% lượng nguyên liệu   - Ảnh 1.

Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho rằng, trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao như hiện nay, việc phát triển các vùng nguyên liệu ngô, đậu tương để chủ động ít nhất 50% nguồn nguyên liệu trong nước là rất cần thiết. Ảnh: D.V

Ông đánh giá như thế nào về ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi (TĂCN) hiện nay?

- Tại Việt Nam, hiện nay tỷ trọng thức ăn chăn nuôi công nghiệp (thức ăn được sản xuất tại các cơ sở có dây chuyền, thiết bị công nghiệp) chiếm khoảng 70% tổng nhu cầu thức ăn của toàn ngành chăn nuôi.

Số còn lại (khoảng 30%) là do người chăn nuôi tận dụng từ nguồn nguyên liệu thức ăn sẵn có hoặc mua nguyên liệu về tự phối trộn.

Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn và gia cầm trong những năm qua, ngành sản xuất TĂCN công nghiệp của nước ta cũng không ngừng phát triển.

Nếu như năm 2019, cả nước có 265 cơ sở sản xuất TĂCN công nghiệp thì đến năm 2021 con số là 269 cơ sở. Tổng công suất thiết kế của 269 cơ sở này là 43,3 triệu tấn, trong đó doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 51%, trong nước chiếm khoảng 49%. 

Sản lượng TĂCN công nghiệp của cả nước năm 2019 đạt 18,9 triệu tấn, đến năm 2021 đạt 21,9 triệu tấn, tăng 15,9%.

Để đáp ứng sản lượng TĂCN công nghiệp như đã nêu trên, nước ta cần số lượng rất lớn nguyên liệu thức ăn tinh. 

Năm 2021, cả nước cần trên 33 triệu tấn, trong đó trong nước cung cấp được khoảng 13 triệu tấn (chiếm khoảng 40%), số còn lại từ nguồn nhập khẩu (22,3 triệu tấn).

Chủ động sản xuất, kìm giá thức ăn chăn nuôi: Phải chủ động ít nhất 50% lượng nguyên liệu   - Ảnh 2.

Việt Nam cần phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Trong ảnh: Một vùng chuyên canh ngô ở Sơn La. Ảnh: K.N

Chủ động sản xuất, kìm giá thức ăn chăn nuôi: Phải chủ động ít nhất 50% lượng nguyên liệu   - Ảnh 3.

Từ đầu năm 2021 đến nay ghi nhận rất nhiều đợt tăng giá thức ăn chăn nuôi, dự báo giá thức ăn chăn nuôi sẽ còn tăng khi Việt Nam vẫn phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu. Ông đánh giá như thế nào về tác động của giá thức ăn chăn nuôi tăng đối với việc sản xuất của người dân, nhất là chăn nuôi quy mô nông hộ?

- Giai đoạn từ năm 2015 đến 2020 giá nguyên liệu TĂCN trong nước tương đối ổn định, thậm chí có thời điểm giảm dần.

Tuy nhiên giá bắt đầu tăng và tăng liên tục từ tháng 10/2020 đến nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt tăng mạnh trong đầu năm 2022 do hạn chế nguồn cung.

So với cùng kỳ (tháng 3/2021), giá nguyên liệu TĂCN tháng 3/2022 đều tăng, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm ngũ cốc: Ngô hạt 10.200 đồng/kg (tăng 29,3%), khô dầu đậu tương 16.500 đồng/kg (tăng 33,4%), DDGS (bã ngô) 10.300 đồng/kg (tăng 23,1%), lúa mì 9.850 đồng/kg (tăng 49,5%). 

Dự kiến giá nguyên liệu vẫn duy trì và tăng đến hết năm 2022, hiện giá chào hàng nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam giao hàng sau tháng 8 tăng đáng kể, cụ thể ngô khoảng 11.000 đồng/kg, khô dầu đậu tương trên 17.000 đồng/kg.

Do giá nguyên liệu TĂCN tăng mạnh nên giá TĂCN công nghiệp (TĂCN thành phẩm) trong nước cũng tăng theo. So với cùng kỳ năm 2021, giá thức ăn cho lợn thịt xuất chuồng 12.500 đồng/kg (tăng 18,4%); thức ăn cho gà thịt lông màu 13.400 đồng/kg (tăng 24,5%); thức ăn cho gà thịt lông trắng 14.100 đồng/kg (tăng 29,8%).

Việc tăng giá kỷ lục giá nguyên liệu TĂCN của thị trường quốc tế do tăng giá năng lượng mà chủ yếu là do hậu quả của xung đột Nga -Ukraine đã gây khó khăn và thách thức lớn cho ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng. Bởi chi phí TĂCN chiếm 65-70% giá thành sản xuất trong chăn nuôi.

Với giá nguyên liệu TĂCN tăng cao từ năm 2021 đến nay, giá TĂCN thành phẩm đã tăng 18-22% (mặc dù giá lợn giống đã hạ xuống khá hợp lý: từ 2,6 triệu giảm xuống 1,2 triệu/con) nhưng việc tăng chi phí thức ăn chăn nuôi đã làm cho lợi nhuận của người chăn nuôi lợn giảm mạnh, thậm chí có những hộ và trang trại chăn nuôi bị thua lỗ.

Để giảm tác động của giá TĂCN tăng đối với ngành chăn nuôi trong nước, cần có giải pháp gì, thưa ông?

- Tôi cho rằng cần có giải pháp chủ động nguồn TĂCN, hiện chúng ta mới chủ động được 35%, nghĩa là 65% phải phụ thuộc vào nhập khẩu. 

Trong thời gian tới, cần có chính sách tái cơ cấu hệ thống cây trồng nguyên liệu TĂCN, xây dựng cánh đồng mẫu lớn đưa các giống ngô, đậu tương biến đổi gen vào trồng để tiến tới chủ động được 50% nguồn nguyên liệu TĂCN.

Có thể thấy, so với sản lượng ngũ cốc trên thế giới, Việt Nam không có lợi thế cạnh tranh trong sản xuất nguyên liệu ngũ cốc dùng trong chăn nuôi. 

Hiện, diện tích trồng ngô của cả nước khoảng 942.000ha; sản lượng 4,6 triệu tấn ngô hạt (năng suất trung bình 4,84 tấn/ha/năm, trong khi năng suất ngô ở Mỹ lên đến 10 - 11 tấn/ha).

Việc hình thành các vùng nguyên liệu TĂCN ứng dụng công nghệ rất quan trọng, dù không thay thế được hoàn toàn nguyên liệu nhập khẩu nhưng cũng không quá phụ thuộc như hiện nay.

Ngoài ra, trong điều kiện TĂCN tăng cao như hiện nay, đối với nông hộ, bà con nên tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp sẵn có để phối trộn, từ đó giảm giá thành chăn nuôi. Các mô hình thực tế cho thấy, nếu phối trộn hợp lý, chi phí dành cho thức ăn chăn nuôi giảm đi đáng kể.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem