Giá thực phẩm tại TP.HCM không “tăng nhiệt” thời virus Corona

Quỳnh Nguyễn Thứ tư, ngày 05/02/2020 06:30 AM (GMT+7)
Trước diễn biến phức tạp của bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra, mặt hàng khẩu trang rơi vào tình trạng khan hiếm, giá đội lên gấp 5-10 lần do nhu cầu sử dụng tăng đột biến. Nhiều người lo lắng giá cả thực phẩm cũng rơi vào tình trạng “tăng nhiệt” trong đợt dịch này.
Bình luận 0

Theo ghi nhận của PV Dân Việt tại một số siêu thị, chợ dân sinh trên địa bàn TP.HCM, các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau xanh trên thị trường TP.HCM giá ổn định, không xảy ra tình trạng lợi dụng dịch đẩy giá lên cao.

Cụ thể, giá các loại gạo thường từ 12.000 - 16.000 đồng/kg; gạo chất lượng cao từ 18.000 - 27.000 đồng/kg. Giá thịt heo, sườn non, ba rọi khoảng 170.000 - 220.000 đồng/kg; thịt nạc 160.000 - 170.000 đồng/kg; giá gà ta làm sẵn từ 110.000 - 120.000đ/kg; giá gà công nghiệp (làm sẵn) từ 65.000 - 75.000 đ/kg; thịt bò từ 250.000 - 320.000đ/kg. Giá cá lóc 100.000 - 120.000 đồng/kg; tôm sú loại 1 giá 250.000 - 280.000 đồng/kg, thăn cá hồi 400.000 ngàn đồng/kg... Các loại rau xanh, rau ăn lá như rau muống, mùng tơi, rau dền giá trung bình 20.000 đồng/kg, khổ qua 15.000 ngàn đồng/kg, bắp cải 10.000 đồng/kg.

img

Trong bão dịch virus corona, giá thực phẩm tại TP.HCM ổn định, không "tăng nhiệt". Ảnh: Q.N

Chị Bùi Thị Anh (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM), kinh doanh thực phẩm tại ngõ chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP.HCM), cho hay: “Giá thịt lợn vẫn ở mức cao do ảnh hưởng của dịch tả Châu phi năm trước, nhưng so với trước khi có dịch virus corona thì vẫn vậy. Tiểu thương chúng tôi không lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thịt”.

Chị Nguyễn Thị Thu Hoài (bán hàng tại chợ Nam Hoà, đường Đất Thánh, quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết, trong thời gian này, khách hàng thường mua thực phẩm nhiều hơn so với trước đây. Nhiều người đã thay đổi thói quen mua thực phẩm trong ngày thành mua cho 2-3 ngày để hạn chế việc đi lại, tránh tiếp xúc với người lạ.

img

Tại các chợ dân sinh, giá rau xanh khá rẻ do nguồn cung dồi dào. Ảnh: Q.N

Lỉnh kỉnh với nhiều túi rau quả, thịt vừa mua, anh Phước (ngụ đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ: “Bây giờ không có việc cần thiết gia đình tôi hạn chế ra ngoài, tranh thủ một lần đi chợ có thể đủ dùng cho cả nhà đến hết ngày hôm sau. Lũ nhỏ được nghỉ học cũng chỉ dám cho chơi loanh quanh tromg nhà chứ không đi trung tâm thương mại hay khu vui chơi như trước”.

Trước đó, Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà, hạn chế đến những nơi đông người và thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng chống bệnh của Bộ Y tế. Tuy nhiên, không vì thế mà người dân cần tích trưc lượng thực phẩm lớn, bởi tích trữ thực phẩm lâu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm.

Theo đánh giá của Sở Công Thương TP.HCM, ngành Công Thương đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Trong đó, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để kiểm soát tốt tình hình, ổn định thị trường nội địa, nhất là các tuyến, địa bàn trọng điểm, các mặt hàng thiết yếu thuộc diện bình ổn giá. Tăng cường kiểm tra, xử lý, công khai các đối tượng có hành vi gian lận thương mại. Đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ tình trạng bày bán công khai hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm... Ngoài ra, trong tình hình dịch bệnh, các nhà cung cấp thực phẩm, các siêu thị đã cam kết có đủ thực phẩm trên thị trường cho người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem