Giá tiền tỷ xây cổng chào được dùng lợp mái trường, mua suất cơm có thịt

Bảo Yến Thứ sáu, ngày 20/11/2020 16:39 PM (GMT+7)
Bao điểm trường vùng cao tôi đã đi qua, bọn trẻ ăn cơm không, phòng học nghèo nàn trống huơ trống huếch. Nhưng các thầy cô vẫn kiên nhẫn đồng hành, dù ngày đêm phải lo lắng từ miếng cơm manh áo, dụng cụ học tập, chỗ ở, chỗ học cho học sinh. Nơi ấy, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hầu như chẳng có hoa.
Bình luận 0

5 năm nay tôi luôn đồng hành cùng các thầy trò vùng cao trong các chương trình thiện nguyện của báo Dân Việt đi xây trường học. Những chuyến đi ấy giúp tôi thấu hiểu khó khăn, vất vả, thiệt thòi của những giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, mà cuộc sống của họ chỉ gói gọn trong mấy chữ: Tận tâm cống hiến.

Tôi không bao giờ quên được chuyến công tác đầu tiên về một trường tiểu học ở Tây Bắc (xin phép được giấu tên). Ban Giám hiệu của nhà trường là những người thầy cô giáo rất tâm huyết với nghề. Từ một bãi đất cỏ dại mọc cao gần nửa người, các thầy cô đi vận động, nhờ cậy người dân, phụ huynh để có được lớp học kiên cố. Sau đó, các thầy lại đi xin ở khắp nơi nào bàn cũ, giường cũ thậm chí cứ là gỗ đóng được các thầy cô đều mang về tái chế thành bàn học, giường ngủ bán trú cho học sinh. Rồi đến chăn, màn, gối và cả ít quần áo của học sinh cũng thầy cô lo liệu. 

Khi mọi công việc về cơ sở vật chất hoàn thành, tất nhiên chỉ ở mức chấp nhận được với điều kiện vùng cao, là lúc các thầy cô phải phân chia nhau đến từ điểm nhà động viên học sinh và gia đình cho các em xuống điểm trường chính học bán trú. Với những đứa trẻ vùng cao, nếu chưa thể  đi rẫy thì chí ít chúng cũng ở nhà trông em để bố mẹ đi làm. Vì vậy, cho con đi học bán trú đến cuối tuần mới về nhà là không ít gia đình rất khó khăn, bởi bố mẹ sẽ mất đi một nguồn lao động.

Một ngày đến nhà phụ huynh chưa đồng ý thì thầy cô đến hai ngày, ba ngày, một tuần, hai tuần... kể cả đi làm rẫy, gặt lúa, gieo ngô để thuyết phục các bố mẹ cho con học bán trú. Sau những tháng ngày miệt mài, năm học 2014-2015 trường chính thức đón các học sinh từ điểm bản về điểm trường chính.

Thầy hiệu trưởng chia sẻ, khi về học bán trú, các em sẽ có được một khoản tiền trợ cấp bữa ăn. Thế nhưng, trong thực đơn bữa ăn của các em được dán trên bảng thông tin của nhà trường chỉ có cơm, trứng, bí đỏ, dầu ăn, mì chính, nước mắm... Tôi hỏi thầy tại sao, thầy giãi bày rằng, học sinh chỉ được trợ cấp ăn uống chứ nhu yếu phẩm sinh hoạt hàng ngày thì không có, các em về trường chỉ mang theo 1-2 bộ quần áo. Vì vậy, để đảm bảo sinh hoạt cho các em, khoản tiền đó được chia ra để mua xô, chậu tắm giặt, khăn mặt, kem, bàn chải đánh răng, xà phòng... nên bữa ăn của các em sẽ "kiệm" hơn.

Sau chuyến công tác, tôi có một bài viết phản ánh về bữa cơm thiếu thốn của học sinh nơi đây và kêu gọi các Mạnh Thường Quân cùng chung tay giúp đỡ cho các em có được thêm bữa rau, bữa thịt. Thế nhưng, khi bài báo được đăng tải, thầy giáo gọi điện xuống xin gỡ bởi từ chính quyền các cấp và phòng giáo dục đều buộc thầy phải giải trình bởi sự việc khiến họ mất... thành tích thi đua.

Một sự thật hiển nhiên được phản ánh là bữa cơm của học sinh vùng cao còn rất nhiều thiếu thốn để mong nhận được sự giúp đỡ của các Mạnh Thường Quân lại bị xin gỡ. Những thầy cô giáo vùng cao tâm huyết với nghề đang đau đáu với cuộc sống, sinh hoạt của các em học sinh lại phải giải trình lên xuống. Đương nhiên, năm học đó thầy giáo cũng không được khen thưởng. Vì đâu nên nỗi này?

Mới nhất, tháng 8/2020, tôi có chuyến thăm, khảo sát điểm Bản Chang, trường mầm non Quảng Ngần (xã Quảng Ngần, huyện Vị Xuyên, Hà Giang). Trên giấy tờ, năm học 2019 – 2020, trường mầm non Quảng Ngần có 4 điểm trường, điểm Bản Chang là học nhà tạm, còn 3 điểm trường còn lại học nhờ tại trường PTDT Bán trú Tiểu học Quảng Ngần.

Giá tiền tỷ xây cổng chào được dùng lợp mái trường, mua suất cơm có thịt - Ảnh 2.

Cô Tuất, cô Nga, các cô giáo trên đường vào điểm trường Bản Chang (Vị Xuyên, Hà Giang). Ảnh: B.Y.

Thực tế, điểm trường này cũng là lớp tạm, học nhờ của điểm trường tiểu học còn điểm trường chính thức cách lớp học này khoảng 800m và phải bỏ hoang vì xuống cấp trầm trọng. Trước đó, ở lớp học cũ có 2 phòng nhưng chỉ dùng được 1 phòng, 35 học sinh chung một lớp. Lớp 3, 4 tuổi cũng học cùng lớp 5 tuổi. Hai cô giáo chia ra làm 2 đầu lớp, học sinh của cô nào cô ấy dạy.

Lớp học hiện tại được quây lại bởi những tấm ván hở. Vậy nên, cô Nguyễn Thị Tuất – giáo viên cắm bản tại điểm Bản Chang, trường mầm non Quảng Ngần phải quây thêm một tấm bạt nữa quanh lớp để vừa kín gió vào mùa đông,vừa tránh mưa lại còn có thể để gắn đồ, trang trí lớp học. Dưới nền lớp cũng lỗ chỗ các mảng xi măng bị bong, cô lại tự mua thêm tấm bạt trải xuống nền lớp học cho sạch sẽ. Vì mưa gió nên mấy tấm fibro xi măng bị vỡ và được thay bằng tấm nhựa. Lúc trời mưa, cả cô trò đều phải chạy lên lớp trên để trú nhờ.

Giá tiền tỷ xây cổng chào được dùng lợp mái trường, mua suất cơm có thịt - Ảnh 3.

Lớp học ở điểm trường Bản Chang của cô giáo Tuất. Ảnh: B.Y.

Thôn Bản Chang có tổng số 111 hộ với 543 nhân khẩu. Người dân ở đây đều là đồng bào Dao, sinh sống chia tách. Điểm trung tâm nhất là ở ngay điểm trường nhưng cũng chỉ có 5-6 nóc nhà. Học sinh mầm non nơi đây sáng sớm sẽ được gia đình chuẩn bị cho nắm cơm gói vào túi bóng hoặc sang hơn là có chiếc âu nhỏ. Thức ăn ngon nhất mà chúng có được là con cá suối hay  ít măng xào. Có đứa mang ít đậu tương hoặc chỉ là chút bột súp mì tôm rắc lên cho có vị, dễ ăn.

Sáng sớm, mấy đứa trẻ sẽ nhận được gói cơm rồi đi theo mấy anh chị học tiểu học để đến trường, chiều đến chúng lại cùng các anh chị về nhà. Hình ảnh em học sinh mang nắm cơm đựng trong túi nylon bắt đầu thiu cô Tuất không bao giờ quên được. Theo cô Tuất, phụ huynh nơi đây vẫn chưa quan tâm nhiều đến việc học hành của con cái, nên để các em chuyên cần đến lớp cần phải gần gũi các em nhiều hơn nữa, ít nhất làm sao đến lớp các em không bị đói. 

Cô Tuất chỉ mong năm học 2020 - 2021 học sinh của cô có được cái cặp lồng hay cái hộp nhỏ để các em mang cơm tới lớp không bị thiu, hay một ít đồ dùng học tập mới. Còn về một điểm trường khang trang để cô trò không phải trú nhờ khi mưa gió, hay chiếc ti vi mở cho các em nghe, biết thêm về thế giới ngoài kia, cô chưa từng dám nghĩ đến. Bởi vì ở nơi đây điện vẫn chưa về.

Ngày 17/11, chương trình Chia sẻ cùng thầy cô 2020  đã tuyên dương, tặng bằng khen cho 63 giáo viên tiêu biểu, xuất sắc. Tại chương trình, các thầy cô đều chung một nỗi niềm về những điều kiện cơ bản nhất từ miếng cơm manh áo, chỗ đi vệ sinh đến một lớp học kiên cố hơn… cho những đứa trẻ vùng sâu, vùng xa, khó khăn.

Khi nghe câu chuyện của thầy cô tôi lại nghĩ đến những dòng chữ khẩu hiệu, cổng chào, tượng đài tỉnh nọ tỉnh kia với chi phí hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, những chiếc cặp da, bình hút tài lộc... không mấy thiết thực mà người ta định dành tặng các đại biểu hội nghị cũng mất tiền tỷ.

Với số tiền đó chúng ta sẽ mua được bao nhiêu cái cặp lồng, bao nhiêu bộ dụng cụ học tập cho học sinh, lo được cho các em bao nhiêu suất cơm có thịt, kiên cố hóa cho biết bao nhiêu điểm trường...?

Tôi nghĩ, hạnh phúc thực sự của việc đi học, đi dạy là thầy trò có những phòng học khang trang, ấm áp, ăn được bữa cơm có thịt, chứ không thể chỉ nói suông mãi về tình cảm, về sự cố gắng của thầy trò.

Nếu những khoản chi lãng phí phô trương được tập trung cho giáo dục, đặc biệt là giáo dục vùng cao thì các thầy cô cắm bản đỡ vất vả. Và trong các chương trình tuyên dương thầy cô mỗi dịp 20/11 về, sẽ không còn nghe những nỗi niềm đau đáu của thầy cô về những đứa trẻ vùng cao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem