Giá vàng hôm nay 16/7: Ấn Độ tăng cường tích trữ, vàng được dự báo sẽ tăng lên 2.500 USD/ounce vào cuối năm
Giá vàng hôm nay trên thế giới 16/7: Vàng tăng sau phát biểu của chủ tịch FED
Giá vàng hôm nay trên thế giới tiếp tục tăng, giao dịch quanh mốc 2.420 USD/ounce sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell phát biểu. Ông cho biết nền kinh tế đã hoạt động "tốt đáng kể" và nói thêm rằng thị trường lao động không thắt chặt như trong đại dịch.
Ông Powell nói thêm rằng mặc dù các nhà hoạch định chính sách muốn tự tin rằng lạm phát đang giảm xuống, nhưng Fed sẽ không đợi cho đến khi lạm phát đạt 2% mới cắt giảm lãi suất. Sau nhận xét của Powell, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng 4 điểm cơ bản lên mức 4,227%.
Theo CME FedWatch Tool, các nhà giao dịch đang định giá 98% khả năng Fed có thể cắt giảm lãi suất 0,25 điểm vào tháng 9.
Trước đó, kim loại màu vàng mở cửa phiên giao dịch đầu tuần ghi nhận giảm nhẹ sau vụ ám sát Trump vào cuối tuần, sự kiện này được cho là sẽ củng cố cơ hội chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử tháng 11, đồng thời thúc đẩy đồng bạc xanh tăng. Trong khi đó, chỉ số US Dollar Index (DXY), theo dõi đồng bạc xanh so với rổ sáu loại tiền tệ, cũng tăng hơn 0,13% lên 104,26.
Hợp đồng tương lai lãi suất quỹ tháng 12/2024 của Fed ngụ ý rằng Fed sẽ nới lỏng chính sách thêm 53 điểm cơ bản (bps) vào cuối năm, tăng từ mức 50 điểm vào thứ Sáu tuần trước.
Giá vàng thỏi trước đó cũng đã giảm nhẹ do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) quyết định ngừng mua vàng vào tháng 6, như đã làm trong tháng 5. Tính đến cuối tháng 6, Trung Quốc nắm giữ 72,80 triệu troy ounce kim loại quý.
Nhu cầu vàng của Trung Quốc đã thu hút nhiều sự chú ý trong năm nay, tuy nhiên Ngân hàng Úc ANZ khuyến cáo nhà đầu tư nên chú ý đến Ấn Độ, nơi có thể tiếp tục hỗ trợ giá vàng. Theo Soni Kumari và Daniel Hynes, nhu cầu vàng ở Ấn Độ vẫn rất vững chắc dù giá cao.
Theo thông lệ, Ấn Độ, quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ hai sau Trung Quốc, thường sẽ giảm nhu cầu mua vào khi giá tăng. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2024, nhu cầu vàng của Ấn Độ chỉ giảm nhẹ 2% dù giá tăng hơn 10%, và đạt 760 tấn. Trong năm tháng đầu năm, nhập khẩu vàng vào Ấn Độ tăng 26% so với cùng kỳ năm trước, lên 230 tấn.
Các chuyên gia cho rằng sự thay đổi cơ cấu kinh tế và thu nhập cao hơn đã giúp nhu cầu vàng vượt qua giá cao. Dự kiến thu nhập bình quân đầu người ở Ấn Độ sẽ tăng hơn 60% lên 4.000 USD vào năm 2030, cùng với sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu và đô thị hóa.
Hơn nữa, mùa màng thuận lợi sẽ giúp nông dân có năng suất cao hơn và tiền mua vàng. ANZ dự báo, chính phủ có thể giảm thuế nhập khẩu vàng, tăng lượng nhập khẩu.
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã mua 37 tấn vàng trong nửa đầu năm, dự kiến sẽ mua trên 70 tấn trong cả năm. Trong bối cảnh này, ANZ kỳ vọng giá vàng sẽ đạt 2.500 USD/ounce vào cuối năm.
Giá vàng hôm nay trong nước 16/7: Vàng nhẫn tiếp tục tăng
Thị trường trong nước, trước giờ mở phiên sáng nay, giá vàng miếng SJC vẫn tiếp tục đi ngang so với phiên trước đó. Cụ thể, giá vàng miếng SJC trên thị trường đứng quanh mức 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua – bán). Chênh lệch mua – bán ở mức 2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji trên thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mua - bán ở quanh mức 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua – bán ở mức 2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu đứng tại mức 75,5 – 76,98 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua – bán ở mức 1,48 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn tiếp tục tăng cao so với phiên giao dịch trước. Cụ thể, vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng 9999 của Tập đoàn Doji tại thị trường Hà Nội đứng ở mức 76,2 – 77,45 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán ở mức 1,25 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng long tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, đứng ở mức 75,68 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua – bán), đi ngang chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 1,3 triệu đồng/lượng.