Giá vàng hôm nay 18/7: Thế giới giằng co, trong nước giá vàng nhẫn tăng mạnh bán ra "đắt nhất" 119 triệu

Linh Anh
18/07/2025 08:41 GMT +7
Giá vàng SJC sáng nay 18/7 đối mặt với áp lực giảm do DXY mạnh lên và hàng loạt dữ liệu kinh tế tích cực từ Mỹ. Trong bối cảnh này, giới đầu tư vẫn duy trì tâm lý thận trọng, chờ đợi những thông tin rõ ràng hơn về các chính sách thuế quan sắp tới.

Giá vàng hôm nay 18/7 chịu áp lực khi đồng USD tăng giá

Giá vàng thế giới sáng ngày 18/7 ghi nhận lúc 8h55 đang giao dịch ở 3.338,2 USD/ounce, biến động nhẹ so với ngày hôm qua. Tuy nhiên, trong phiên đã có thời điểm giá vàng lao dốc về mức 3.311 USD/ounce và phục hồi ngay sau đó lên mức 3.344 USD/ounce, dao động đến 1% cho thấy thế giằng co của giá vàng. Xét theo tuần, giá vàng hiện giảm 0,49% trong tuần và giảm 0,87% so với chỉ tiêu tháng.

Thị trường vàng chứng kiến lực mua hạn chế trong bối cảnh DXY và các chỉ số chứng khoán Mỹ đều tăng điểm. Áp lực chốt lời từ các nhà giao dịch hợp đồng tương lai ngắn hạn cũng xuất hiện trong phiên giao dịch mùa hè trầm lắng hơn.

Chuyên gia chiến lược thị trường cấp cao Bob Haberkorn (RJO Futures) nhận định: “Sau loạt dữ liệu mới từ Mỹ, đồng USD tăng nhẹ cùng với lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cao hơn đã tạo ra áp lực giảm giá đối với thị trường vàng.”

Đồng bạc xanh tăng 0,3%, khiến vàng – vốn được định giá bằng USD – trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ bằng ngoại tệ khác.

Về dữ liệu kinh tế, doanh số bán lẻ hàng tháng của Hoa Kỳ vừa ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ 0,6%, vượt xa dự báo chỉ 0,1% và đảo ngược hoàn toàn mức giảm 0,9% của tháng trước.

Không ngoại trừ khả năng một phần mức tăng này có thể đến từ việc giá cả leo thang do tác động của "bão" thuế quan nhưng con số này cho thấy lĩnh vực tiêu dùng đang phục hồi mạnh mẽ, một yếu tố then chốt có thể tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế và áp lực lạm phát.

Mặc dù sự tăng trưởng vượt trội của doanh số bán lẻ được xem là tín hiệu của một nền kinh tế bùng nổ, làm giảm bớt nhu cầu nới lỏng chính sách tiền tệ từ Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Tuy nhiên, đối với thị trường vàng, kịch bản này lại mang đến hai chiều hướng trái ngược:

Về tác động tích cực, thi tiêu tiêu dùng tăng mạnh có thể đẩy lạm phát lên cao. Trong bối cảnh này, vàng thường trở thành kênh đầu tư hấp dẫn như một công cụ phòng ngừa rủi ro lạm phát, thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.

Ngược lại, nếu nhu cầu tiêu dùng duy trì ở mức cao, Fed có thể sẽ tiếp tục xu hướng tăng lãi suất để kiềm chế nền kinh tế khỏi tình trạng quá nóng. Việc tăng lãi suất sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng (tài sản không sinh lời), gây áp lực giảm giá lên kim loại quý này.

Bên cạnh đó, dữ liệu cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ giảm trong tuần qua, chi ra rằng thị trường lao động tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong tháng 7.

Theo đó, thị trường cần theo dõi sát sao căng thẳng giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Fed Jerome Powell. Xu hướng thiên về chính sách tiền tệ ôn hòa của ông Trump trái ngược với lập trường thắt chặt chính sách hiện tại của Fed, vốn được thúc đẩy bởi lo ngại lạm phát gia tăng và nguy cơ khủng hoảng tài chính.

Từ góc nhìn của các nhà giao dịch, căng thằng này dẫn đến tương lai của giá vàng sẽ phụ thuộc đáng kể vào việc Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ giữ vững lập trường "diều hâu" hay nhượng bộ trước áp lực chính trị đòi cắt giảm lãi suất.

Nếu ông Powell kiên định với lập trường cứng rắn về việc cắt giảm lãi suất, điều này sẽ hỗ trợ DXY, gây áp lực giảm giá vàng. Trong trường hợp lời kêu gọi giảm lãi suất của Tổng thống được chấp nhận nhiều khả năng sẽ làm tăng áp lực lạm phát, vốn là một yếu tố tích cực cho vàng, khi các nhà đầu tư tìm kiếm kim loại quý này như một kênh trú ẩn an toàn.

Ngoài ra, nếu căng thẳng chính trị leo thang hơn nữa và Fed phải chịu thêm áp lực từ Nhà Trắng, kịch bản có khả năng xảy ra nhất sẽ là sự biến động gia tăng trên thị trường. Vàng, với vai trò là nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ biến động chính trị và kinh tế, có thể sẽ được sử dụng nhiều hơn như một công cụ lưu trữ giá trị.

Các nhà giao dịch nên theo dõi thị trường, tập trung vào dữ liệu kinh tế, chính sách của ngân hàng trung ương và các diễn biến địa chính trị vì đây là những yếu tố định hình quỹ đạo giá vàng.

Giá vàng hôm nay 18/7: Vàng nhẫn tăng mạnh

Sáng ngày 18/7/2025, thị trường vàng trong nước ghi nhận giá vàng đi ngang tại hầu hết các hệ thống kinh doanh.

Cụ thể, giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu được niêm yết ở mức 118,6-120,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), đi ngang ở cả hai chiều mua - bán so với hôm qua. Đây cũng là giá niêm yết vàng miếng SJC tại Tập đoàn Doji, Công ty SJC.

Trong khi đó, tại Phú Quý, vàng SJC đứng mức 117,9 - 120,6 triệu đồng/lượng mua - bán, thấp hơn 200.000 đồng/lượng mua vào và bằng giá bán ra so với các thương hiệu khác.

Quy đổi giá vàng theo tỷ giá Vietcombank, vàng miếng SJC đang "đắt" hơn giá vàng quốc tế khoảng 14,6 triệu đồng/lượng.

Khảo sát giá vàng nhẫn tại một số thương hiệu, các doanh nghiệp niêm yết tăng – giảm không đồng đều, trong đó mức cao nhất là 119 triệu đồng/lượng bán ra.

Đơn cử, thương hiệu SJC niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 114,2 – 116,7 triệu đồng/10 chỉ (mua vào - bán ra), ổn định ở cả hai chiều. PNJ giao dịch vàng nhẫn ở ngưỡng 114,7 – 117,6 triệu đồng/10 chỉ, đi ngang ở cả hai chiều.

Riêng Phú Quý niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 114,5 – 117,5 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều.

Trong khi đó, DOJI giao dịch vàng nhẫn ở mức 115,9 – 118,4 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng mỗi chiều so với sáng qua.

Vàng nhẫn thương hiệu Bảo Tín Minh Châu cũng tăng giá mỗi chiều 700.000 đồng/lượng, niêm yết ở mức 116 – 119 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).