Chuyển đổi số ngân hàng: 85 triệu việc làm trong ngành ngân hàng sẽ biến mất
Ngành ngân hàng "khát" nhân lực công nghệ
Tại diễn đàn Nhân lực ngành ngân hàng trước làn sóng công nghệ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh: “Chưa bao giờ ngành ngân hàng khát nhân lực về an ninh công nghệ thông tin như hiện nay. Chúng ta thấy một bức tranh thay đổi hoàn toàn, từ tiếp xúc trực tiếp đến cách thức quản trị, cách thức giám sát, nhân lực. Chúng ta đang phải thích nghi với thay đổi này.”
Phó Thống đốc cho biết, trong thời gian qua các dịch vụ ngân hàng thực hiện tự động, không còn giao dịch viên đọc chứng từ ngân hàng nữa. Điều đó, đòi hỏi ngành ngân hàng phải tái cấu trúc quy trình, xây dựng quy trình nghiệp vụ thông minh.
"Điều đặc biệt quan trọng phải có một đội ngũ am hiểu về nghiệp vụ, về công nghệ thông tin đi cùng với nhau để xây dựng nghiệp vụ đó. Ngân hàng nào không làm được điều đó không tham gia được cuộc chơi. Như vậy, hình thành nên một đội ngũ ngân hàng mới, đó là công nghệ là nghiệp vụ hiểu biết lẫn nhau và đi cùng nhau", ông Dũng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng toàn bộ công việc của con người bây giờ đều thay đổi hoàn toàn, thay vì chăm sóc khách hàng trước đây trực tiếp thì bây giờ nghề chăm sóc khách hàng sẽ cần tư vấn về phần mềm, về hệ thống app lỗi như thế nào, sử dụng như thế nào.
"Rõ ràng đây là kỹ năng mới của nhân viên chăm sóc khách hàng. Các nhân viên giao dịch bình thường trước xử lý về các kỹ năng nghiệp vụ thì bây giờ phải xử lý sự cố về phần mềm, sự cố khi chuyển nhầm tiền, bị lừa đảo", ông Duy nhấn mạnh.
Đại diện Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) chia sẻ thẳng thắn rằng chuyển đổi số trong tổ chức không còn chỉ là câu chuyện của riêng bộ phận IT, mà đã được tích hợp sâu vào mọi hoạt động nghiệp vụ.
"Trước đây, công nghệ là một nhóm tách biệt, hỗ trợ cài đặt, sửa máy tính. Giờ đây, đó là kỹ năng mà mọi nhân sự đều cần", đại diện VPBank cho biết.
Trong 5 năm trở lại đây, VPBank đã thay đổi mạnh mẽ trong cách sử dụng và phát triển nhân sự có năng lực công nghệ. Nếu trước đây các vị trí tuyển dụng chú trọng vào kinh nghiệm ngành, thì hiện nay, bên cạnh chuyên môn, khả năng sử dụng công cụ số để tối ưu hóa công việc là yêu cầu bắt buộc. Thay vì cần đến 10 người, giờ đây, một người làm chủ công cụ cũng có thể đảm đương khối lượng công việc lớn hơn.
Không chỉ thay đổi trong mô hình tổ chức, VPBank cũng mở rộng tuyển dụng sang nhiều nguồn nhân lực khác, không giới hạn ở các trường tài chính - ngân hàng truyền thống. Các bạn trẻ am hiểu AI, mạng xã hội, kỹ năng số được trao cơ hội để làm mới bộ máy, bổ sung "luồng gió mới" thay vì chỉ tuyển từ hệ thống ngân hàng cũ.
AI sẽ đóng góp 13.000 tỷ USD vào kinh tế toàn cầu
Đây là số liệu của McKinsey được ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam đưa ra. Và Bain & Company - một công ty tư vấn, quy mô khoảng bằng một nửa McKinsey, cho rằng Blockchain sẽ cắt giảm 70% chi phí giao dịch tài chính. Ông Trung đánh giá, đây là những số liệu rất ấn tượng. Song đóng góp của AI và blockchain là hai đóng góp khác nhau. AI sẽ hỗ trợ tăng trưởng doanh thu trên cơ sở giảm chi phí thông qua xử lý mô hình dữ liệu lớn. "Chúng ta để ý rằng chấm điểm tín dụng hay là tối ưu những quá trình gian lận, những quá trình xử lý big data thì sẽ là mô hình của AI", ông Trung nói.

Còn blockchain sẽ cung cấp nền tảng minh bạch và xu hướng của Blockchain là giúp giảm chi phí trong hoạt động thanh toán, đặc biệt là thanh toán xuyên biên giới cũng như token hóa tài sản, thông qua tăng tốc trong các giao dịch 24/7. Đây là hai xu hướng có tác động lớn nhất đến ngành ngân hàng.
Ông Trung đưa ra nhận định: "Chúng ta sẽ nhìn thấy có 85 triệu việc làm trong ngành ngân hàng sẽ biến mất. Tuy nhiên sẽ sinh ra 97 triệu việc làm ngành ngân hàng trong thời gian tới. Tôi cho rằng đây là số liệu rất thú vị".
Tuy nhiên, nhân lực chúng ta quyết định nó sẽ nằm ở đâu? Nằm ở trong 85 triệu hay 97 triệu? Và có một con số nữa là 60% nhân lực sẽ phải đào tạo lại trong 5 năm tới. Đây là những số liệu tôi trích dẫn từ các diễn đàn kinh tế thế giới và những hoạt động nghiên cứu.
Ông Trung dẫn chứng một ví dụ từ WeBank. Đây là ngân hàng lớn nhất toàn cầu có vốn hóa xấp xỉ 700 tỉ USD. Họ dùng nền tảng công nghệ lõi blockchain FISCO BCOS xử lý 200.000 TPS.
Cho đến hiện nay, WeBank có từ 1.000 - 2.000 nhân viên với hơn 50% là kỹ sư công nghệ và đạt được tốc độ chuyển tiền dưới 5 giây/ giao dịch. Đây là một tốc độ kỷ lục về chi phí thấp.
Với Việt Nam, ông Trung đưa ra dẫn chứng là Công ty Chứng khoán Techcombank và các công ty chứng khoán khác.
Techcombank là một công ty chứng khoán có 491 nhân viên ở tại thời điểm năm 2024. Và trước đó họ có 1.000 nhân viên, sau khi cắt giảm 100 nhân sự về code thì đến giờ này họ tạo ra lợi nhuận sau thuế và cuối cùng là lợi nhuận trên nhân viên là khoảng 9,8 tỉ đồng.
Chúng ta nhìn thấy mức lợi nhuận trên nhân viên của những công ty chứng khoán hàng đầu như SSI và VNDirect là 2,3 tỉ đồng.
Như vậy lợi nhuận của chứng khoán Techcombank gấp bốn lần.
Chúng tôi rất hy vọng môi trường sắp tới sẽ tạo ra sự thúc đẩy nhiều hơn. Hiện Việt Nam nằm ở danh sách xám. Nên cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao về phòng và chống rửa tiền.
Hy vọng trong thời gian không xa, chúng ta sẽ nhìn thấy dòng chảy của tài sản mã hóa.
Ông Trung chia sẻ về ứng dụng Fintech là một ứng dụng để những khái niệm ngành tài chính và ngành công nghệ gần nhau nữa. Nó sẽ phải cắt giảm các quy trình và là một quy trình số hóa.
Bối cảnh ngành ngân hàng hiện nay, dù thế nào đi nữa chúng ta vẫn tự hào rằng ngành ngân hàng là ngành đi đầu trong việc số hoá, còn các ngành khác đi sau so với ngân hàng ít nhất là 5 năm. Tôi cho rằng ngành ngân hàng của chúng ta là một trong những ngành dẫn đầu về số hóa, vượt hơn thị trường, kể cả tất cả công ty công nghệ có bắt tay vào làm cũng phải kém từ 3 đến 5 năm.
Nhân lực của ngành ngân hàng đãi ngộ rất cao. Nhưng cái khó khăn là ngành ngân hàng phải đảm nhiệm rất nhiều bài toán từ cân đối vĩ mô, từ những hoạt động thúc đẩy công nghệ, từ những hoạt động mà thúc đẩy kinh tế truyền thống nên khung pháp lý còn chưa ban hành kịp thời.
Đó là khung pháp lý ban hành Fintech. Chúng ta sẽ phải tận dụng các chính sách của Chínhh phủ trong nghị quyết 57, nghị quyết 68, rồi công nghệ chiến lược cũng đã đưa vào blockchain và AI vào khung pháp lý để quản lý và thúc đẩy, và chúng ta cần có những khung pháp lý có tính thực thi hơn nữa, theo hướng cởi mở hơn.
Thứ hai là các cơ sở đào tạo thường xuyên, chúng ta hãy mạnh dạn đưa vào những khái niệm như là Fintech, Blockchain trong quá trình đào tạo. Chúng ta có thể thay đổi lại cách nhìn về cái hệ thống thanh toán xuyên biên giới, mặc dù là hệ thống thanh toán của chúng ta cho đến bây giờ là vẫn là hệ thống thanh toán nội địa rất mạnh.
Tôi nghĩ rằng với những góc nhìn này, ngành tài chính ngân hàng chúng ta vẫn dẫn đầu được trong quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. Tuy nhiên Việt Nam cần phải tăng tốc hơn nữa, chúng ta phải nắm bắt được những cơ hội để có thể thúc đẩy đưa ngành tài chính ngân hàng đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế số trong thời gian tới.