Giá vàng hôm nay 5/4: Ồ ạt chốt lời, vàng giảm hơn 2 triệu đồng/lượng
Giá vàng hôm nay trên thế giới 5/4: Lao dốc
Giá vàng hôm nay trên thế giới tiếp tục chịu áp lực nặng nề khi giá vàng giảm sâu, chạm đáy của một tuần ở mức 3.015 USD/ounce, trước khi hồi phục nhẹ và giao dịch quanh ngưỡng 3.037 USD/ounce – giảm 2,43% trong ngày.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ phát biểu mới nhất của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, cảnh báo rằng các mức thuế mới có thể đẩy lạm phát tăng trở lại, làm suy yếu kỳ vọng cắt giảm lãi suất và gây áp lực lên giá vàng.
Phát biểu của ông Powell được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng sau khi Tổng thống Trump áp thuế đồng loạt lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu, trong đó có mức thuế lên tới 34% với Trung Quốc. Powell cho rằng, các mức thuế này có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và đẩy chi phí tiêu dùng tăng cao, buộc Fed phải thận trọng hơn trong điều hành chính sách tiền tệ.
Cùng lúc đó, Financial Times đưa tin các quỹ đầu cơ đang đối mặt với các đợt yêu cầu bổ sung ký quỹ (margin call) lớn nhất kể từ đại dịch Covid-19, gây ra hiện tượng bán tháo tài sản để đáp ứng thanh khoản. Vàng – với vai trò là tài sản thanh khoản cao – bị bán mạnh để bù đắp các vị thế lỗ ở những thị trường khác. Chuyên gia Suki Cooper từ Standard Chartered nhận định: "Không bất ngờ khi vàng bị bán tháo sau các sự kiện rủi ro, bởi vai trò của nó như một công cụ cân bằng danh mục đầu tư."
Trên mặt trận dữ liệu kinh tế, báo cáo việc làm tháng 3 của Mỹ ghi nhận mức tăng mạnh với 228.000 việc làm mới trong khu vực tư nhân, vượt xa kỳ vọng 135.000. Tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ từ 4,1% lên 4,2%, nhưng được Bloomberg đánh giá là chỉ là "sai số làm tròn". Sự phục hồi mạnh của thị trường lao động càng khiến giới đầu tư giảm kỳ vọng vào việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong thời gian gần.
Chỉ số Dollar Index (DXY) tăng hơn 1,14% lên mức 103,09, phản ánh sức mạnh của đồng bạc xanh và gây áp lực trực tiếp lên giá vàng – vốn được định giá bằng USD. Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm ba điểm cơ bản xuống còn 4,00%, trong khi lợi suất thực cũng giảm nhẹ, nhưng vẫn chưa đủ để hỗ trợ giá vàng trong ngắn hạn.
Về mặt kỹ thuật, vàng đang bị bán mạnh với khả năng kiểm tra ngưỡng hỗ trợ tâm lý 3.000 USD. Nếu đóng cửa ngày dưới mức này, hỗ trợ tiếp theo sẽ nằm ở đường trung bình động 50 ngày tại 2.937 USD và sau đó là mốc 2.900 USD. Ngược lại, nếu giá phục hồi, người mua cần đưa XAU/USD trở lại trên 3.100 USD để giành lại quyền kiểm soát xu hướng.
Trong tuần tới, thị trường sẽ tiếp tục theo dõi các bài phát biểu của quan chức Fed, biên bản cuộc họp chính sách gần nhất, cùng với dữ liệu lạm phát tiêu dùng và sản xuất. Những thông tin này sẽ định hình kỳ vọng về chính sách tiền tệ và hướng đi tiếp theo của giá vàng trong trung hạn.
Giá vàng trong nước 5/4: Ồ ạt chốt lời
Sau phiên tăng mạnh trước đó, thị trường vàng trong nước ngày 4/4 đã đảo chiều giảm sâu theo xu hướng thế giới, khi giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn đồng loạt đánh mất mốc 102 triệu đồng/lượng. Việc giá vàng thế giới lao dốc trong phiên đêm qua đã khiến tâm lý chốt lời gia tăng, đẩy giá vàng trong nước giảm mạnh ngay từ đầu phiên.

Giá vàng nhẫn loại 1-5 chỉ của SJC được niêm yết ở mức 97 -100 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 2,4 triệu đồng mỗi lượng ở chiều mua và 2,1 triệu nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với mức kết hôm trước.
Tại hệ thống Tập đoàn Doji ở cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, giá vàng miếng SJC hiện giao dịch ở mức 98,8 triệu đồng/lượng mua vào và 101,3 triệu đồng/lượng bán ra, giảm lần lượt 700.000 đồng và 900.000 đồng mỗi lượng so với phiên trước. Mức chênh lệch giữa hai chiều giao dịch cũng được thu hẹp còn 2,5 triệu đồng/lượng, phản ánh đà giảm lan rộng nhưng cũng cho thấy áp lực thanh khoản được cải thiện.
Tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC cũng ghi nhận giảm còn 98,8 – 101,3 triệu đồng/lượng (mua – bán), trong đó giá mua vào giảm 200.000 đồng và giá bán ra giảm sâu tới 900.000 đồng/lượng. Mức chênh lệch mua – bán cũng được rút ngắn về 2,5 triệu đồng, thay vì 3,2 triệu đồng như phiên trước.
Tại Công ty Phú Quý, giá vàng miếng SJC giảm mạnh xuống mức 98,6 – 101,3 triệu đồng/lượng, với mức giảm 400.000 đồng chiều mua vào và 900.000 đồng chiều bán ra. Chênh lệch giá cũng được rút ngắn về mức 2,7 triệu đồng/lượng.
Ở phân khúc vàng nhẫn, thị trường cũng chứng kiến nhiều biến động. Giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu hiện ở mức 99 – 101,6 triệu đồng/lượng, trong đó giá mua vào giảm nhẹ 100.000 đồng nhưng giá bán ra lại tăng mạnh 700.000 đồng. Chênh lệch giá thu hẹp còn 2,6 triệu đồng/lượng, phản ánh mức biến động không đồng đều giữa các sản phẩm.
Vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng 9999 được niêm yết ở mức 98,5 – 101,3 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng chiều mua vào và giảm mạnh 900.000 đồng chiều bán ra. Mức chênh lệch giá hiện còn 2,8 triệu đồng/lượng, thấp hơn đáng kể so với phiên trước.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn tròn trơn 999,9 tại Phú Quý cũng giảm mạnh về mức 98,8 – 101,6 triệu đồng/lượng. Giá mua vào giảm 200.000 đồng và giá bán ra giảm 700.000 đồng, đưa chênh lệch mua – bán về mức 2,8 triệu đồng/lượng.
Diễn biến giảm mạnh này xuất phát từ đà bán tháo vàng trên thị trường quốc tế sau phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell về nguy cơ lạm phát tái tăng do thuế quan, khiến kỳ vọng cắt giảm lãi suất bị xói mòn. Giới đầu tư nhanh chóng chuyển sang trạng thái phòng thủ và đẩy mạnh hoạt động chốt lời.
Trong bối cảnh giá vàng thế giới và trong nước đang biến động khó lường, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng, theo dõi sát diễn biến thị trường và đưa ra quyết định mua – bán kịp thời để hạn chế rủi ro và tránh thất thoát vốn.