Giá xăng dầu hôm nay 24/6: Dầu tăng trở lại sau khi lao dốc gần 2%

Nguyễn Phương Thứ sáu, ngày 24/06/2022 09:02 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu hôm nay 24/6: Sau khi lao dốc gần 2%, giá dầu thô đã tăng trở lại trong phiên giao dịch sáng nay với dầu Brent vượt mốc 110 USD/thùng...
Bình luận 0

Trên thị trường thế giới, giá dầu thô tăng trở lại trong phiên giao dịch sáng nay sau khi mất gần 2% vào phiên trước, vì các phát biểu của chủ tịch Fed trước Quốc hội Mỹ dấy lên lo ngại về những đợt tăng lãi suất sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Giá xăng dầu hôm nay 24/6: Giá dầu tăng mạnh trở lại

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 24/6/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2022 đứng ở mức 105,13 USD/thùng, tăng 0,86 USD/thùng trong phiên. Và nếu so với cùng thời điểm ngày 23/6, giá dầu WTI giao tháng 8/2022 đã tăng tới 1,71 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 8/2022 đứng ở mức 110,69 USD/thùng, tăng 0,64 USD/thùng trong phiên và đã tăng tới 1,69 USD so với cùng thời điểm ngày 23/6.

Giá xăng dầu hôm nay 24/6: Dầu tăng trở lại sau khi lao dốc gần 2% - Ảnh 1.

Giá xăng dầu hôm nay 24/6: Dầu tăng trở lại sau khi lao dốc gần 2%. Ảnh: MXV

Giá xăng dầu hôm nay 24/6: Dầu tăng trở lại sau khi lao dốc gần 2% - Ảnh 2.

Giá xăng dầu hôm nay 24/6

Giá xăng dầu hôm nay 24/6: Dầu tăng trở lại sau khi lao dốc gần 2% - Ảnh 3.

Giá xăng dầu hôm nay 24/6

Trong bối cảnh nguồn cung vẫn khá hạn chế so với triển vọng tiêu thụ dầu toàn cầu, giá dầu hôm nay đã quay đầu tăng mạnh.

Giá dầu ngày 24/6 tăng mạnh khi mà giới đầu tư đặt cược vào triển vọng tiêu thụ dầu toàn cầu trong bối cảnh chính phủ nhiều nước đang quyết liệt triển khai nhiều biện pháp nhằm hạ nhiệt giá nhiên liệu như một giải pháp kiềm chế lạm phát.

Giá dầu hôm nay quay đầu tăng mạnh còn do lo ngại Nga sẽ có các biện pháp cứng rắn, thậm chí là ngừng cung cấp khí đốt cho một số quốc gia châu Âu. Theo giới chuyên gia, với bất kỳ động thái nào về việc hạn chế hoặc gián đoạn cung cấp khí đốt của Nga sẽ buộc các nước châu Âu, vốn đang nỗ lực trong việc giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga, phải tìm kiếm thêm các nguồn cung năng lượng khác thay thế, trong đó có dầu thô. Thị trường dầu thô vì thế vốn đang trong tình trạng thắt chặt nguồn cung có thể rơi vào trạng thái thiếu hụt trầm trọng hơn.

Nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu cũng được kỳ vọng sẽ duy trì đà phục hồi tốt khi mà các hoạt động sản xuất công nghiệp ở Trung Quốc đang sôi động hơn.

Trước đó, giá dầu tiếp tục giảm gần 2 USD trong phiên ngày thứ 5 (23/6), sau khi các phát biểu của chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trước Quốc hội Mỹ dấy lên lo ngại về những đợt tăng lãi suất sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent giảm 1,5% xuống 110,05 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 1,8% xuống 104,27 USD/thùng.

Ông Jerome Powell cho biết việc Fed tập trung vào việc kiềm chế lạm phát là điều bắt buộc và thị trường lao động phát triển mạnh một cách không bền vững. Các bình luận làm dấy lên lo ngại về nhiều đợt tăng lãi suất khác. 

Giới đầu tư đang cân nhắc vị thế đối với các tài sản rủi ro khi họ đánh giá liệu việc chống lại lạm phát của các ngân hàng trung ương có thể đẩy nền kinh tế thế giới vào suy thoái với lãi suất cao hơn hay không.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), số liệu hàng tuần chính thức về lượng dầu tồn kho của Mỹ dự kiến được công bố hôm 23/6, nhưng vấn đề kỹ thuật khiến báo cáo phải lùi cho đến tuần sau, mà không đưa ra một mốc thời gian cụ thể.

Lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu là nguyên nhân chính đẩy giá dầu giảm gần 16% kể từ mức đỉnh ngày 14/06. Chỉ trong chưa đầy 10 ngày, bức tranh thị trường đã thay đổi toàn bộ sắc thái, với các cảnh báo về “hủy diệt” nhu cầu ngày càng xuất hiện nhiều trở lại, bất chấp việc nguồn cung dầu vẫn đang có dấu hiệu này càng thắt chặt, với một loạt các sự cố tại các Libya và Ecuador khiến cho sản lượng dầu đang giảm vài trăm nghìn thùng/ngày. 

Thông thường, đây sẽ là yếu tố hỗ trợ thị trường, nhất là sau khi EU đã chính thức đưa ra thông báo sẽ dần ngừng nhập khẩu dầu của Nga từ cuối năm nay, và tạo ra khả năng thiếu hụt dầu nặng nề trên thị trường. Tuy vậy, sau khi giá xăng trung bình tại Mỹ chạm mốc 5 USD/gallon, kết hợp với báo cáo dầu khí của EIA trong tuần trước cho thấy tiêu thụ xăng dầu đã giảm xuống dưới trung bình 5 năm, một lần nữa đã dấy lên lo ngại về nhu cầu suy yếu khi sức mua của người tiêu dùng Mỹ giảm.

Báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ API cho thấy tồn kho dầu thô và xăng tăng mạnh lần lượt 5,6 triệu thùng và 1,2 triệu thùng cũng phần nào gợi ý nhu cầu tiêu thụ đã có dấu hiệu chững lại, mặc dù giai đoạn cuối tháng 6 đầu tháng 7 thường là cao điểm nhu cầu đi lại tại Mỹ. Thêm vào đó, kết quả cuộc họp của Bộ Năng lượng Mỹ với các tập đoàn năng lượng lớn cũng sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung của thị trường trong tương lai. Trong trường hợp chính phủ Mỹ thành công thuyết phục các công ty tăng sản lượng, kết hợp với khả năng báo cáo EIA đưa ra dữ liệu cho thấy tiêu thụ nhiên liệu nối tiếp đà suy yếu, giá có thể sẽ đánh mất mốc 100 USD/thùng.

Giá xăng dầu tại thị trường trong nước 

Trong nước, giá xăng đã tăng lên gần 33.000 đồng/lít từ 15h hôm 21/6, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 190 đồng, RON 95-III tăng 500 đồng và dầu tăng 380-990 đồng/lít.

Sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng E5 RON 92 từ 15h ngày 21/6 là 31.300 đồng/lít (tăng 190 đồng); RON 95-III là 32.870 đồng/lít (tăng 500 đồng). RON 95-III là loại bán phổ biến, chiếm gần 70% lượng tiêu thụ trên thị trường và được liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành giá.

Giá các mặt hàng dầu cũng đều tăng. Trong đó, dầu diesel tăng mạnh nhất, thêm 990 đồng/lít, lên mức 30.010 đồng. Dầu hoả là 28.780 đồng/lít, tăng 950 đồng. Còn dầu mazút là 20.730 đồng/kg, tăng 380 đồng.

Giá xăng dầu hôm nay 24/6: Dầu tăng trở lại sau khi lao dốc gần 2% - Ảnh 4.

Trong nước, giá xăng đã tăng lên gần 33.000 đồng/lít từ 15h hôm 21/6, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 190 đồng, RON 95-III tăng 500 đồng và dầu tăng 380-990 đồng/lít.

Như vậy, đây là đợt tăng giá lần thứ 7 từ 21/4 đến nay. Tổng cộng mỗi lít RON 95-III đắt thêm 5.560 đồng; còn E5 RON 92 cũng thêm 4.830 đồng.

Hiện Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại phần lớn doanh nghiệp đầu mối chính đều đang âm. Chẳng hạn, PVOil đến 13/6 âm hơn 1.032 tỷ đồng; Petrolimex âm 49 tỷ đồng...

Theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, thị trường xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá vừa qua có nhiều biến động. Giá xăng dầu thành phẩm (nhất là dầu diesel, dầu hoả) vẫn tăng do nguồn cung bị hạn chế vì cấm vận dầu Nga của EU, trong khi cầu của các nước vẫn cao.

Bình quân 10 ngày qua, giá dầu hoả tăng gần 4%, lên 169,25 USD/thùng; dầu diesel tăng thêm 3,6% so với kỳ ngày 13/6, lên 172,56 USD/thùng. Trong khi đó, giá thành phẩm các mặt hàng xăng trên thị trường thế giới tăng nhẹ, 0,21-0,95%.

Do Quỹ bình ổn xăng dầu đang ở mức khá thấp, tại kỳ điều hành hôm 21/6, liên Bộ tiếp tục không trích lập 300 đồng/lít vào Quỹ bình ổn với xăng, dầu diesel và dầu hoả. Riêng dầu mazut vẫn trích 300 đồng/kg vào Quỹ bình ổn.

Cùng đó, nhà điều hành tiếp tục chi sử dụng quỹ với dầu diesel, dầu hoả lần lượt ở mức 400 đồng và 300 đồng/lít. 

Giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 24/6 như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 31.302 đồng/lít; giá xăng RON95 không cao hơn 32.873 đồng/lít; giá dầu diezen 0.05S không cao hơn 30.019 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 28.785 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 20.735 đồng/kg.

Được biết, trước đó Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chủ trì buổi làm việc với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nhằm trao đổi về một số kiến nghị liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Thay mặt Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, ông Bùi Ngọc Bảo đã nêu một số nội dung kiến nghị tới Bộ Tài chính, bao gồm: Vấn đề về thuế đối với xăng dầu (bao gồm: thuế suất thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhà thầu…); giá bán xăng dầu, chi phí trong công thức giá, quy định trong hình thành giá cơ sở và kiến nghị đề xuất về giá nhằm có mức giá phù hợp với tình hình thực tế kinh doanh xăng dầu hiện nay.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, với tinh thần cầu thị, Bộ Tài chính tiếp thu những ý kiến của Hiệp hội, đồng thời sẽ họp nội bộ để đánh giá, phân tích ưu điểm, nhược điểm, tác động và đưa ra các giải pháp về cơ chế chính sách về xăng dầu.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, hiện nay giá xăng dầu liên tục tăng cao đã ảnh hưởng đến mọi ngành, mọi nghề và hiệu quả sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Do đó, cần phải thực hiện các giải pháp đồng bộ để bình ổn giá xăng dầu, trong đó tập trung vào 3 nội dung:

Thứ nhất phải tìm được nguồn cung dồi dào nhưng giá rẻ.

Thứ hai là liên quan đến thuế. Về giải pháp này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, giảm thuế sẽ ảnh hưởng đến chính sách tài khóa nhưng sẽ kích cầu và phát triển kinh tế.

Hiện nay, có các sắc thuế như: Thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường.

Về thuế bảo vệ môi trường, hiện đã giảm 2.000 đồng/lít và Bộ Tài chính đang đề xuất tiếp tục giảm tiếp 1.000 đồng/lít. Còn về thuế tiêu thụ đặc biệt nếu giảm phải trình Quốc hội theo đúng thẩm quyền quy định tại Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Thứ ba, đồng thời với giảm thuế thì cần phải ngăn chặn buôn lậu, giảm được thẩm lậu xăng dầu. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, phải đưa ra các biện pháp để chặn đứng tình trạng này.

Nhấn mạnh phải thực hiện đồng bộ các nội dung trên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ về các vấn đề này để triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển, ổn định đời sống nhân dân.

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá do Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì tuần trước. Lãnh đạo Chính phủ nhận định, áp lực lạm phát có xu hướng tăng. Các mặt hàng quan trọng, thiết yếu như xăng dầu, vật tư nông nghiệp, vận tải... biến động mạnh, đặt ra nhiều thách thức trong điều hành giá từ nay tới cuối năm.

Riêng với xăng dầu, các đợt tăng giá từ đầu năm khiến giá bán lẻ trong nước liên tiếp lập đỉnh và đang gần sát 33.000 đồng một lít RON 95-III. Đây là mặt hàng tác động tới mặt bằng giá nhiều loại hàng hoá, dịch vụ khác.

Vì thế, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ động điều hành, đánh giá khả năng cung cấp từ nguồn sản xuất trong nước và nhập khẩu, để đảm bảo nguồn cung không bị gián đoạn.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sớm có báo cáo về kế hoạch cung ứng xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, chuyển Bộ Công Thương làm căn cứ xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung quý III và cuối năm 2022.

Bộ này cũng cần có phương án điều hành giá trong nước phù hợp, sử dụng linh hoạt Quỹ Bình ổn để hạn chế mức tăng trong nước.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem