Giá xăng dầu hôm nay 28/9: Giá dầu giằng co mạnh trước động thái "nóng" của Nga

Nguyễn Phương Thứ tư, ngày 28/09/2022 08:15 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu hôm nay 28/9: Giá dầu giằng co trước nhiều nguồn tin trên thị trường cho biết Nga có thể đề xuất OPEC+ cắt giảm mạnh sản lượng vào cuộc họp chính sách vào tháng tới của tổ chức này.
Bình luận 0

Trong phiên giao dịch sáng nay, giá dầu thô giảm trở lại sau khi tăng hơn 1% trong phiên chiều 27/9 bởi lo ngại gián đoạn nguồn cung ở Vịnh Mexico và nhiều nguồn tin trên thị trường cho biết Nga có thể đề xuất OPEC+ cắt giảm mạnh sản lượng vào cuộc họp chính sách vào tháng tới của tổ chức này.

Giá xăng dầu hôm nay 28/9: Giá dầu thô giằng co mạnh

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 28/9/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI đứng ở mức 78,307 USD/thùng, giảm 0,25% trong phiên (lúc 7 giờ 59 phút). 

Trong khi đó, giá dầu Brent đứng ở mức 85,999 USD/thùng, giảm 0,31% trong phiên.

Giá xăng dầu hôm nay 28/9: Giá dầu giằng co mạnh trước động thái "nóng" của Nga - Ảnh 1.

Giá xăng dầu hôm nay 28/9

Giá xăng dầu hôm nay 28/9: Giá dầu giằng co mạnh trước động thái "nóng" của Nga - Ảnh 2.

Giá xăng dầu hôm nay 28/9

Giá xăng dầu hôm nay 28/9: Giá dầu giằng co mạnh trước động thái "nóng" của Nga - Ảnh 3.

Giá xăng dầu hôm nay 28/9

Giá xăng dầu hôm nay 28/9: Giá dầu giằng co mạnh trước động thái "nóng" của Nga - Ảnh 4.

Giá xăng dầu hôm nay 28/9: Giá dầu giằng co trước nhiều nguồn tin trên thị trường cho biết Nga có thể đề xuất OPEC+ cắt giảm mạnh sản lượng vào cuộc họp chính sách vào tháng tới của tổ chức này.

Giá dầu ngày 28/9 giằng co mạnh khi thị trường dấy lên lo ngại gián đoạn nguồn cung từ Vịnh Mexico do ảnh hưởng của bão.

Bên cạnh đó, nhiều dự báo cũng nhận định nhu cầu dầu thô ở châu Âu sẽ tăng mạnh khi nguồn cung khí đốt từ Nga đến châu Âu sẽ bị ảnh hưởng bởi các vụ tấn công vào 2 đường ống dẫn khí đốt của Nga tới châu Âu dưới biển Baltic.

Đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 có công suất chung khoảng 110 tỷ m3 khí đốt/năm và là nguồn cung khí đốt chính cho các nước châu Âu. Việc vận hành của 2 đường ống này có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra tại khu vực châu Âu.

Giá dầu hôm nay bị tác động còn do đồng USD hạ nhiệt và đặc biệt thị trường ghi nhận thông tin Nga có thể sẽ đề xuất OPEC+ cắt giảm sản lượng tới 1 triệu thùng/ngày vào cuộc họp chính sách dự kiến diễn ra ngày 5/10 tới.

Giá dầu châu Á đã tăng hơn 1% trong phiên chiều 27/9 từ mức thấp nhất trong 9 tháng của phiên trước do lo ngại cơn bão Ian sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung ở Vịnh Mexico của Mỹ và đồng USD giảm nhẹ.

Giá dầu Brent tăng 1,11 USD (1,3%) lên 85,17 USD/thùng vào lúc 15 giờ 10 phút (giờ Việt Nam). Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 1,08 USD (1,4%) lên 77,79 USD/thùng.

Các nhà phân tích kỳ vọng rằng Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối gồm Nga (OPEC+), có thể hành động để ngăn chặn đà giảm giá bằng cách cắt giảm nguồn cung. OPEC+ sẽ nhóm họp trong ngày 5/10 để đưa ra chính sách về sản lượng.

Đà tăng giá của đồng USD tạm lắng, sau khi đạt mức cao nhất trong 20 năm, đã hỗ trợ giá dầu. Đồng USD mạnh khiến giá dầu thô đắt hơn đối với người mua sử dụng các loại tiền tệ khác.

Trong một diễn biến mới khác, Nga có thể đề xuất OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu khoảng 1 triệu thùng/ngày. Theo kế hoạch, cuộc họp chính sách của OPEC+ sẽ diễn ra vào ngày 5/10 tới trong bối cảnh giá dầu sụt giảm và thị trường dầu mỏ biến động trong nhiều tháng qua. Những diễn biến đó đã khiến Saudi Arabia tuyên bố rằng OPEC+ có thể cắt giảm sản lượng trong thời gian tới.

Hồi đầu năm, OPEC+ đã từng từ chối lời kêu gọi của một số quốc gia tiêu thụ nhiều năng lượng, trong đó có Mỹ, về việc tăng sản lượng dầu mỏ nhằm "hạ nhiệt" giá dầu toàn cầu vốn ở mức cao vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, giá dầu thế giới đã sụt giảm mạnh trong tháng 9 sau khi xuất hiện quan ngại về nền kinh tế toàn cầu, đồng USD mạnh lên và việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất. Riêng trong phiên giao dịch ngày 26/9, giá dầu đã giảm 2 USD/thùng, xuống mức thấp nhất trong 9 tháng.

Trong cuộc họp chính sách diễn ra vào đầu tháng này, OPEC+ đã quyết định trong tháng 10/2022 cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô ở mức 100.000 thùng/ngày so với tháng trước đó. Lý giải cho động thái này, Saudi Arabia nhấn mạnh quyết định của OPEC+ là nhằm thúc đẩy sự ổn định của thị trường.

OPEC+ đã tăng sản lượng dầu mỏ từ đầu năm đến nay, sau khi cắt giảm kỷ lục vào năm 2020 do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, OPEC+ đã không tăng được sản lượng như kế hoạch đề ra do một số thành viên thiếu đầu tư vào các mỏ dầu, cũng như sản lượng của Nga sụt giảm.

Giá xăng dầu tại thị trường trong nước 

Chiều 21/9, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành ngày 21/9.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, tại kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 21/9/2022, giá các mặt hàng xăng dầu thông dụng tiếp tục giảm từ 450 - 1.977 đồng/lít.

Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 12/9/2022-21/9/2022) có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung là giảm. Giá xăng dầu có những phiên tăng là do sản lượng khai thác của OPEC không đạt mức dự kiến; dự trữ dầu thô của Mỹ tăng nhưng thấp hơn nhiều mức dự báo. Giá xăng dầu có những phiên giảm do đồng USD tiếp tục tăng giá; ngân hàng trung ương tại nhiều nước tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát cùng dự trữ dầu thô của Mỹ tăng…

Giá xăng dầu hôm nay 28/9: Giá dầu giằng co mạnh trước động thái "nóng" của Nga - Ảnh 5.

Trường hợp giá dầu thế giới tiếp tục đà giảm mạnh và đề xuất giảm thuế được thông qua, giá xăng bán lẻ trong nước sẽ giảm xuống dưới mức 20.000 đồng/lít.

Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 02 kỳ điều hành giá ngày 12/9/2022 và ngày 21/9/2022 là: 95,296 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 2,924 USD/thùng, tương đương giảm 2,977% so với kỳ trước); 99,376 USD/thùng xăng RON95 (giảm 3,706 USD/thùng, tương đương giảm 3,595% so với kỳ trước); 118,579 USD/thùng dầu hỏa (giảm 13,193 USD/thùng, tương đương giảm 10,012% so với kỳ trước); 121,851 USD/thùng dầu điêzen (giảm 11,831 USD/thùng, tương đương giảm 8,850% so với kỳ trước); 420,980 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 15,522 USD/tấn, tương đương giảm 3,556% so với kỳ trước).

Tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước đang được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đã phục hồi trở lại.

Kỳ điều hành này, giá cơ sở các mặt hàng xăng, dầu giảm so với kỳ trước. Để hỗ trợ cho đời sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời duy trì công cụ Quỹ BOG để có dư địa điều hành bình ổn giá các mặt hàng xăng dầu trong giai đoạn cuối năm khi giá xăng dầu còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, bảo đảm giá các mặt hàng xăng dầu trong nước điều chỉnh theo xu hướng biến động của giá thế giới, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giữ nguyên mức trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng và dầu mazut; tăng nhẹ mức trích lập Quỹ BOG đối với dầu dầu diesel và dầu hỏa theo quy định.

Phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp đang sử dụng nhiều dầu diesel; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ.

Đặc biệt là bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước; tiếp tục khôi phục Quỹ BOG để điều hành giá trong thời gian tới khi thị trường còn tiềm ẩn nhiều bất ổn và diễn biến phức tạp, khó lường; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.

Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 451 đồng/lít (như kỳ trước), xăng RON 95 ở mức 450 đồng/lít (như kỳ trước), dầu diesel ở mức 300 đồng/lít (kỳ trước là 90 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít (kỳ trước là 200 đồng/lít) và dầu mazut ở mức 741 đồng/kg (như kỳ trước). Đồng thời không thực hiện chi Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng dầu.

Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 28/9 như sau: Xăng E5 RON 92: không cao hơn 21.781 đồng/lít (giảm 450 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 803 đồng/lít; Xăng RON 95-III: không cao hơn 22.584 đồng/lít (giảm 631 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành).

Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 22.536 đồng/lít (giảm 1.644 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu hỏa: không cao hơn 22.441 đồng/lít (giảm 1.977 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.656 đồng/kg (giảm 383 đồng/kg so với giá bán hiện hành).

Như vậy, đây là lần thứ 4 giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm nhẹ liên tiếp. Điều này tạo cơ sở để Chính phủ triển khai mạnh các chính sách hạn chế lạm phát, khống chế giá cả các mặt hàng cơ bản trên thị trường, đảm bảo cuộc sống cho người dân.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã trải qua 25 lần điều chỉnh, trong đó 13 lần tăng, 11 lần giảm và một lần giữ nguyên.

Được biết, trường hợp giá dầu thế giới tiếp tục đà giảm mạnh và đề xuất giảm thuế được thông qua, giá xăng bán lẻ trong nước sẽ giảm xuống dưới mức 20.000 đồng/lít.

Theo dữ liệu mới công bố của Bộ Công Thương, hôm 26/9, giá xăng A95 nhập từ Singapore chỉ còn 91 USD/thùng. Mức giá này tương đương với ngày 5-10-2021, khi đó, giá xăng trong nước (A 95) là 21.945 đồng/lít. Nếu trừ đi thuế bảo vệ môi trường 3.300 đồng thì giá xăng chỉ còn 18.645 đồng/lít.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem