Giá xăng dầu thế giới biến động ra sao trong 2 thập kỷ qua (2001-2021)?

01/10/2021 10:39 GMT+7
Giá xăng dầu đang tiến gần mức cao nhất mọi thời đại ở nhiều quốc gia trên thế giới trong bối cảnh nhu cầu dầu tăng cao còn nguồn cung thì thiếu hụt trầm trọng, khiến giá dầu thô lên mức cao nhất trong gần 3 năm.

Năm 2001, giá xăng trung bình trên toàn cầu là khoảng 0,60 USD/ lít. Sau 2 thập kỷ, ở thời điểm hiện tại, giá xăng bình quân ở mức 1,2 USD/ lít. Tức là bình quân, giá xăng dầu đã tăng gấp đôi trong 2 thập kỷ.

Giá nhiên liệu cao là một phần nguyên nhân gây nên cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu - vốn đang dẫn đến tình trạng gián đoạn nguồn cung xăng dầu và điện ở nhiều quốc gia từ Trung Quốc, Mỹ cho đến Vương quốc Anh và EU. Tại nhiều quốc gia như Ấn Độ và Nam Phi, giá xăng hay dầu diesel cũng đang tăng đột biến.

Giá xăng dầu thế giới biến động ra sao trong 2 thập kỷ qua (2001-2021)? - Ảnh 1.

Giá xăng dầu hiện nay tại một số quốc gia trên thế giới (Ảnh: Al Jazeera)

Tờ Al Jazeera mới đây chỉ ra rằng tính đến 9/2021, giá xăng tại Hong Kong (Trung Quốc) thuộc top cao nhất thế giới (2,56 USD / lít), tiếp sau đó là Hà Lan (2,18 USD/ lít) hay Cộng hòa Trung Phi (2,14 USD/ lít). Nguyên nhân chủ yếu là do mức thuế năng lượng cao.

Trong khi đó, theo globalpetrolprices.com, các quốc gia có giá xăng rẻ nhất hầu hết là các nước khai thác và sản xuất dầu mỏ, chẳng hạn như Venezuela (0,02 USD/ lít), Iran (0,06 USD/ lít) hay Syria (0,23 USD/ lít).

Giá xăng dầu đã thay đổi như thế nào trong 2 thập kỷ qua?

Giá xăng dầu thế giới biến động ra sao trong 2 thập kỷ qua (2001-2021)? - Ảnh 2.

Giá xăng dầu thế giới bình quân đã tăng 2 lần trong 2 thập kỷ qua (Ảnh: Al Jazeera)

Giá xăng dầu tại mỗi khu vực khác nhau phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như thuế nhà nước, giá dầu thô, chi phí vận tải và phân phối.

Theo Al Jazeera, năm 2001, giá dầu Brent giao dịch ở mức 25 USD/ thùng, một thùng tương đương khoảng 159 lít. Đến năm 2008, thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, giá dầu Brent lên đỉnh 140 USD/ thùng trước khi tụt mạnh xuống 45 USD/ thùng do giá dầu quá cao triệt tiêu nhu cầu dầu.

Đến tháng 4/2020, hơn một thập kỷ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, giá dầu một lần nữa giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục do đại dịch Covid-19 buộc các chính phủ thực hiện nhiều biện pháp đóng cửa, hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt làm suy yếu nhu cầu dầu. Nhưng chỉ hơn một năm sau đó, đến tháng 9/2021, giá dầu đã tăng vọt lên mức cao nhất trong gần 3 năm, có thời điểm giao dịch trên mức 80 USD/ thùng với dầu Brent do nhu cầu tăng vọt và nguồn cung thiếu hụt. Các nhà phân tích tại Goldman Sachs thậm chí dự báo giá dầu Brent có thể phá mốc tâm lý 90 USD/ thùng vào cuối năm nay.

Quốc gia nào có dự trữ dầu lớn nhất trong OPEC?

Giá xăng dầu thế giới biến động ra sao trong 2 thập kỷ qua (2001-2021)? - Ảnh 3.

Venezuela là quốc gia có dự trữ dầu đã được kiểm chứng lớn nhất thế giới (Ảnh: Al Jazeera)

Tổ chức của các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC là tập hợp nhóm các nước sản xuất và xuất khẩu dầu hùng mạnh, có tác động to lớn đến thị trường dầu thế giới.  Được thành lập tại Baghdad, Iraq vào năm 1960, tổ chức đa quốc gia này bao gồm 13 quốc gia sở hữu chung khoảng 80% dự trữ dầu thô đã được kiểm chứng trên toàn cầu.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết các nước thành viên  OPEC sản xuất khoảng 40% lượng dầu thô của thế giới và chiếm khoảng 60% tổng lượng xăng dầu được giao dịch quốc tế. Con số này với OPEC+, một tổ chức bao gồm các nước OPEC và đồng minh (có Nga) thậm chí còn chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều.

Một bản thống kê hàng năm được công bố năm 2020 của OPEC cho thấy Venezuela là quốc gia có dự trữ dầu đã được kiểm chứng lớn nhất thế giới (khoảng 303.806 triệu thùng), tiếp theo là Arab Saudi với 258.600 triệu thùng và Iran với 208.600 triệu thùng.

Quốc gia nào có dự trữ dầu mỏ lớn nhất trên thế giới?

Giá xăng dầu thế giới biến động ra sao trong 2 thập kỷ qua (2001-2021)? - Ảnh 4.

Ngoài OPEC, các quốc gia có dự trữ dầu lớn nhất bao gồm Nga (80.000 triệu thùng) và Mỹ (52.637 triệu thùng) (Ảnh: Al Jazeera)

Venezuela, Arab Saudi và Iran là những quốc gia có dự trữ dầu mỏ lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 1,55 nghìn tỷ thùng dầu dự trữ của toàn thế giới. Ngoài OPEC, các quốc gia có dự trữ dầu lớn nhất bao gồm Nga (80.000 triệu thùng) và Mỹ (52.637 triệu thùng).

Năm 2019, thế giới tiêu thụ 99,7 triệu thùng dầu mỗi ngày  theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế. Riêng Mỹ tiêu thụ khoảng 20% lượng dầu tiêu thụ hàng ngày của thế giới (20,48 triệu thùng/ ngày), tiếp theo là Trung Quốc (13,07 triệu thùng/ ngày) và Ấn Độ (4,84 triệu thùng/ ngày).

Theo Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo, mặc cho xu thế sử dụng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, dầu vẫn sẽ chiếm vị trí thống trị trong các loại năng lượng toàn cầu trong thập kỷ tới, cung cấp khoảng 28% nhu cầu năng lượng toàn cầu vào năm 2045.


NTTD
Cùng chuyên mục