Giá xăng tăng phi mã, loạt cảnh báo "nóng"

13/06/2022 20:11 GMT+7
Giá xăng liên tục tăng trong 6 kỳ điều hành gần đây, liên tục thiết lập mức kỷ lục và đang có mức cao nhất trong lịch sử.

Như Dân Việt đã đưa tin, từ 15h ngày 13/6, giá xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh tăng, đặc biệt tăng mạnh ở mặt hàng dầu.

Cụ thể, giá xăng E5RON92 tăng thêm 880 đồng/lít, từ mức 30.230 đồng/lít lên mức 31.110 đồng/lít. Xăng RON95-III tăng 800 đồng/lít, từ mức 31.570 đồng/lít lên mức 32.370 đồng/lít.

Dầu diesel tăng 2.630 đồng/lít, từ mức giá hiện nay 26.390 đồng/lít lên mức 29.020 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 2.490 đồng/lít, từ mức 25.340 đồng/lít tăng lên mức 27.830 đồng/lít. Dầu mazut giảm 550 đồng/kg, từ mức 20.900 đồng/kg xuống còn 20.350 đồng/kg.

Giá xăng tăng phi mã, loạt cảnh báo "nóng"  - Ảnh 1.

Giá xăng liên tục tăng trong 6 kỳ điều hành gần đây, liên tục thiết lập mức kỷ lục và đang có mức cao nhất trong lịch sử.

Giá xăng vượt 32.000 đồng, thách thức chưa từng có với ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát

Theo số liệu thống kê, CPI tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước, tăng 2,86% so với tháng 5/2021. Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,29% của năm tháng đầu năm 2021. Lạm phát cơ bản 5 tháng đầu năm 2022 tăng 1,1% so với cùng kỳ 2021. Về nguyên nhân, CPI tăng chủ yếu là do ảnh hưởng từ giá xăng dầu.

Do đó, giới chuyên gia cho rằng, giá xăng vượt 32.000 đồng/lít đặt ra thách thức chưa từng có đối với ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát.

Không chỉ ở thời điểm hiện tại khi giá xăng vượt mọi kỷ lục, nhiều lần chia sẻ bên lề hành lang Quốc hội, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn đại biểu TP.HCM) đã nhấn mạnh, một trong những biểu hiện có thể nhìn thấy ngay đó là việc giá xăng dầu liên tục tăng cao, kéo theo đó là giá cả của hàng loạt mặt hàng khác cũng bị đội lên. Những lo lắng của người dân, doanh nghiệp về lạm phát cũng vì thế ngày càng lộ rõ.

"Một trong những "liều thuốc" chúng ta rất ngại uống nhưng phải uống khi áp lực lạm phát ngày càng tăng là thắt chặt chính sách tiền tệ, thắt chặt chính sách tài khóa, phải nâng lãi suất. Đây là điều mà chúng ta rất lo ngại", ông Ngân nói.

Một điểm hết sức lưu ý khác đó, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân là nếu giá xăng dầu vẫn tiếp tục điều chỉnh tăng như hiện nay, các hàng hóa khác cũng "tát nước theo mưa", kéo "bùng" lạm phát, chi ngân sách sẽ rất là "căng", và Việt Nam buộc phải có lúc thắt chặt ngân sách. Thậm chí, vị đại biểu này còn lo ngại về nguy cơ "vỡ trận" của các dự án giao thông trọng điểm.

"Do đó, yếu tố cần thiết nhất hiện nay là kiểm soát lạm phát. Nếu chúng ta không kiểm soát được lạm phát thì sẽ "vỡ trận" hết tất cả các kế hoạch", đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Giá xăng tăng phi mã, loạt cảnh báo "nóng"  - Ảnh 2.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TP.HCM. (Ảnh: QH)

Trên thực tế, điều này đã từng xảy ra ở thời điểm năm 2008 và 2010. Khi lạm phát xảy ra cao đã dẫn đến năm 2011 buộc chúng ta phải dừng hết tất cả các dự án đầu tư bằng kết luận 02 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 11 của Thủ tướng Chính phủ. Đó là ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Như vậy, các dự án đã buộc phải dừng lại.

"Do đó, kiểm soát giá cả bây giờ là cấp bách. Bài học kiểm soát lạm phát hồi năm 2011 phải được xem lại và vận dụng", ông Trần Hoàng Ngân khuyến cáo.

Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia đã kêu gọi giảm thuế xăng dầu nhằm kiểm soát giá mặt hàng này không quá cao để "đừng chất thêm" khó khăn lên doanh nghiệp và người dân.

Hiện nay, hàng loạt quốc gia trên thế giới đã giảm thuế, phí xăng dầu để giúp dân. Việt Nam nên đi theo con đường của họ để vừa giúp người dân, vừa đảm bảo giữ ổn định vĩ mô và kiềm chế lạm phát – mục tiêu quản lý số 1 hiện nay, được nêu ra trong rất nhiều Nghị quyết.

WB cảnh báo về rủi ro lạm phát

Không chỉ các chuyên gia trong nước, tại báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6/2022 của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam vừa phát hành, các chuyên gia tại đây cũng đưa ra cảnh báo, các cấp có thẩm quyền cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tiếp tục tăng lên có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước đang diễn ra.

Các biện pháp hỗ trợ tạm thời, trong đó có hỗ trợ trực tiếp có mục tiêu nên được cân nhắc để giúp các hộ nghèo chống chọi với giá nhiên liệu tăng.

Cũng theo WB, do cú sốc giá hàng hóa thế giới có thể ảnh hưởng chủ yếu đến xăng dầu, với tác động lan truyền làm tăng chi phí vận tải nên chính sách trợ giá tạm thời, có mục tiêu cho các đối tượng sử dụng xăng dầu chính (như lái xe tải) cũng là biện pháp nên được cân nhắc để giảm khó khăn và hạn chế áp lực lạm phát.

Bên cạnh đó, WB khuyến nghị Chính phủ nên khuyến khích đầu tư nhằm giúp tăng tổng cung. Việc khuyến khích sản xuất và sử dụng năng lượng thay thế có thể sẽ giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhiên liệu nhập khẩu trong trung hạn và thúc đẩy tăng trưởng xanh hơn.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp để giảm áp lực tăng giá xăng dầu trong nước, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, không để ảnh hưởng lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Thực hiện tích cực, quyết liệt theo thẩm quyền các giải pháp, biện pháp đồng bộ, điều hành để bình ổn giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá và quy định của pháp luật về giá, nhất là đối với các mặt hàng xăng dầu, vật liệu xây dựng, vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, cước phí vận tải, chi phí logistics...

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường theo dõi, bảo đảm cung cầu mặt hàng xăng dầu, bảo đảm năng lực sản xuất xăng dầu hiệu quả, đạt sản lượng cung cấp tối đa theo thiết kế của các nhà máy; chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu chủ động, kịp thời, hiệu quả theo đúng quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ; trường hợp đặc biệt, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo; chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần tạo đồng thuận xã hội. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan tham mưu xây dựng kịch bản điều hành giá xăng dầu trong nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2022.

Nghị quyết số 77/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2022

PVKT
Cùng chuyên mục