Nông sản giữa dịch Corona: Cần tăng khả năng cạnh tranh cho trái cây Việt
Dịch corona tác động tới nông nghiệp theo hai hướng
Tại Tọa đàm Trực tuyến "Virus Corona tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam?" do báo Dân Việt tổ chức sáng 6/2, các chuyên gia kinh tế đã đánh giá những tác động của virus corona đến kinh tế Việt Nam, trong đó tác động rõ nét nhất là ngành nông nghiệp.
Bày tỏ quan điểm của mình, TS. Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng vấn đề lo lắng nhất của nông sản của Việt Nam và người nông dân vẫn là vấn đề thị trường. Dịch cúm corona tác động tới nông nghiệp theo 2 hướng.
Thứ nhất là cầu. Hiện tại thị trường gần nhất và lớn nhất của chúng ta là Trung Quốc bị tác động trực diện từ corona. Điều này khiến cầu của thị trường sẽ trở về với những sản phẩm cơ bản như lương thực thực phẩm, và bỏ qua những sản phẩm khác như hoa quả... Như vậy, tác động về trái cây, rau đã nhãn tiền có thể thấy.
Nhu cầu giảm thêm một lần nữa từ những ảnh hưởng do việc buôn bán cũng hạn chế như chuỗi siêu thị, hệ thống bán lẻ ngưng trệ khiến cho cầu giảm. Trong khi đó, giao thương bị gián đoạn do dịch bệnh, “ngăn sông cấm chợ” khiến chi phí giao dịch cao, mặt hàng tươi sống của Việt Nam sẽ không bảo quản được.
Thứ hai về kết cấu sản xuất tiêu dùng trong nước trong ngắn hạn không thể thay đổi ngay được để đáp ứng nhu cầu từ thị trường này.
“Tôi cũng phải nhấn mạnh lại, khi tất cả các vấn đề liên quan đến giao thương bị gián đoạn, nông sản sẽ “nghẽn". Chưa tính đến dịch bệnh này, ngày đầu năm 2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp đã dự báo năm 2020 sẽ là năm khó khăn của ngành nông nghiệp. Ví dụ như dịch tả lợn Châu Phi khiến cho người chăn nuôi lao đao trong năm 2019 thì đến năm 2020 vẫn còn rất nhiều tác động khác như khó khăn kỹ thuật, tái đàn, vốn …”, TS. Nguyễn Kim Sơn nói.
TS. Sơn cũng cho biết, năm 2020 ngành nông nghiệp Việt Nam và nhiều nước còn phải đương đầu với hạn hán sông Mê Kông, lâu lắm không diễn ra tình trạng này. Dịch virus corona nổi lên đã che mất những tác động này nhưng về cơ bản vẫn là những khó khăn mà Việt Nam cần phải vượt qua.
Từ những phân tích trên, TS Sơn cho rằng, khó khăn chồng khó khăn và khó có thể nói chúng ta lạc quan về nông nghiệp trong năm 2020.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Bagico, hai thị trường chính của Trung Quốc hiện là thị trường truyền thống (chợ dân sinh và thị trường siêu thị, thương mại điện tử. Trong đó, thị trường truyền thống là phân khúc bị ảnh hưởng nặng nề hơn cả vì dịch virus Corona.
Đối với hàng hoa quả nói riêng và nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nói chung, truyền thống của Việt Nam là xuất tươi và xuất bằng đường bộ sang các chợ truyền thống, chợ buôn của Trung Quốc. Do đó, việc cửa khẩu Việt - Trung tạm ngừng trệ trong một số ngày qua do tâm dịch virus Corona chắc chắn ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu nông sản Việt.
Phần lớn nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời điểm hiện tại là 3 loại trái cây dưa hấu, thanh long và mít. Các loại trái cây này khi xuất sang thị trường Trung Quốc chủ yếu tập trung tại chợ buôn Giang Nam, Quảng Châu hiện dự kiến đóng cửa đến hết ngày 9/2 trong nỗ lực kiểm dịch. Nhiều xe hàng nông sản Việt hiện bị ngừng trệ ở cửa khẩu, thậm chí phải quay đầu do các bãi cửa khẩu không đủ năng lực cung cấp điện để bảo quản hàng hóa. Ngay cả khi cửa khẩu mở cửa thông thương, nếu chợ Giang Nam không hoạt động trở lại, các xe hàng xuất sang cũng sẽ bị ngừng trệ bên kia biên giới.
“Do đó, không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu, chính những người nông dân và thương lái cũng đang từng phút chờ thông tin liệu chợ Giang Nam có mở cửa vào ngày 10/2 sắp tới hay không”, bà Thực nói.
Phải làm sao có đủ năng lực cạnh tranh với các quốc gia khác
Dưới góc nhìn của chủ một doanh nghiệp, Nguyễn Thị Thành Thực cho rằng, không phải đến lúc có dịch bệnh chúng ta mới gặp khó khăn về xuất khẩu.
Một trong những vấn đề của chúng ta đó là quy định về truy xuất nguồn gốc xuất khẩu nông sản bao gồm mã vùng, mã xưởng hay tem truy xuất nguồn gốc. Nếu như đợt này không xảy ra dịch bệnh thì chúng ta vẫn vướng khi thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản vì đến nay chúng ta vẫn giẫm chân tại chỗ trong việc thực hiện các quy định này. Vấn đề nằm ở chính sách, đến nay quy định cụ thể nào về mã vùng, mã xưởng hay tem truy xuất nguồn gốc cần gì thì chưa có. Chính sách cần phải làm kịp thời, làm nhanh hơn để hỗ trợ cho xuất khẩu nông nghiệp.
Cũng phải nói thêm rằng, thế giới mong muốn được bán hàng cho TQ đặc biệt là nông sản. Vì vậy, chúng ta đừng nghĩ rằng bài xích TQ mà phải làm sao có thể chiếm được thị trường lớn này và có đủ năng lực cạnh tranh với các quốc gia khác. Hiện nay, thương mại điện tử của họ đã phát triển nhưng mặt hàng của chúng ta vẫn còn kém về chất lượng, mẫu mã. Theo đó, chúng ta sẽ còn gặp khó khăn hơn trong xuất khẩu nông sản vào thị trường này.
“Nếu làm tốt chúng ta sẽ không còn tình trạng giải cứu ở biên giới nữa. Chúng ta càng hỗ trợ, càng làm ngơ quản lý thì hệ lụy sẽ lớn. Sang TQ thì hàng VN quá ít chúng ta không có chỗ đứng trên thị trường thì hoàn toàn phụ thuộc vào người “đến nhà chúng ta mua mang đi”, Chủ tịch Bagico nói.
Có một vấn đề đã nảy sinh và tắc nghẽn ở nông sản biên giới từ năm ngoái đó là quy định nhập khẩu có mã vùng trồng, mã xưởng, dán tem truy xuất nguồn gốc.
Nếu như đợt này không xảy ra dịch thì cũng có thể 1 -2 tháng tới chúng ta vẫn vướng ách tắc nông sản cửa khẩu. Về vấn đề truy xuất nguồn gốc, chúng ta đang giẫm chân tại chỗ so với năm trước.
Cùng góc nhìn này, theo TS. Đặng Kim Sơn, chúng ta không thể trông đợi nhiều vào sự hỗ trợ của Nhà nước, có thể là những hỗ trợ tạm thời như khoanh vốn, giảm thuế, mở kênh phân phối…
Thế nhưng, về dài hạn chúng ta phải làm căn cơ hơn dài như đa dạng hóa thị trường, xây dựng chuỗi giá trị từ nơi sản xuất đến tiêu thụ cuối cùng, chuyển sản xuất manh mún sang quy mô lớn… tất cả đều là những vấn đề đã được nhắc đến rất nhiều mà chưa làm được. Đó chính là vấn đề căn cơ về thương mại. Ngoài ra là vẫn đề phòng chống dịch.
Chính những bài học từ Trung Quốc cho chúng ta thấy Việt Nam cần phải thay đổi bài bản về phòng chống dịch bệnh.