Tạm thời không chuyển hàng nông sản lên biên giới
Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 1/2020, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết năm 2019 xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đạt 11,13 tỷ USD, chiếm 26,4%.
Đối với tình hình 365 xe hàng tồn đọng ở cửa khẩu Lạng Sơn, Bộ NN&PTNT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để giải quyết.
"Ngay chiều 3/2, chúng tôi đã họp khẩn để đưa ra giải pháp giải quyết tình trạng này. Hiện nay, 365 xe hàng đã được xử lý thông quan đúng quy định", ông Tiên cho hay.
Theo ông Tiến, trước mắt, Bộ NN&PTNT đã thống nhất với Bộ Công Thương không tiếp tục chuyển hàng nông sản lên biên giới nữa mà tập trung tiêu thụ tại nội địa, chế biến sâu sản phẩm. Bộ cũng đề nghị các doanh nghiệp và địa phương hướng đến giải pháp chế biến sâu hàng nông sản. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Về lâu dài, Bộ NN&PTNT đã lên kế hoạch cơ cấu lại sản phẩm nông nghiệp tại các địa phương phù hợp với thị trường. Hiện tại, mới chỉ có 9 loại nông sản đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
"Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông chuẩn bị cơ cấu lại các sản phẩm nông nghiệp. Bộ NN&PTNT đã và đang chủ động phối hợp với các bộ, ngành xử lý kịp thời những vấn đề này", ông Tiên nói.
Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin thêm, dịch viêm đường hô hấp này có tác động toàn diện trên tất cả các mặt, đặc biệt là thương mại, tác động trực tiếp vào xuất nhập khẩu của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, trên thực tế, dịch cúm do virus nCoV gây ra ảnh hưởng đến cả các thị trường ở nước thứ ba, không riêng gì tại thị trường Trung Quốc. Ví dụ, khi hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang nước thứ ba nhưng nguyên liệu nhập lại nhập ở Trung Quốc. Có thể thấy, dịch bệnh này ảnh hưởng đến tất cả các mặt từ xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại biên giới và kể cả thương mại nội địa.
Về phía Bộ Công Thương đã có Chỉ thị từ ngày 31/1 về tăng cường các giải pháp để đối phó với dịch bệnh, giao nhiệm vụ cụ thể từ xuất khẩu, nhập khẩu, thị trường nội địa… Riêng với việc tiêu thụ nông sản, như Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã đề cập ở trên, hiện nay ta còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc nên khi thị trường này có biến động sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu của ta.
Ngay ngày hôm nay, Chính phủ đã có Công văn 808 chỉ đạo cho phép xuất nhập khẩu vận chuyển hàng hoá qua biên giới đúng quy định bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh mà không làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Có thể thấy rằng, Chính phủ rất cương quyết trong việc đối phó với dịch, đồng thời vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu với thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, về lâu dài, những mặt hàng nông sản cần có giải pháp căn cơ là phải tái cơ cấu sản phẩm nông nghiệp theo tín hiệu thị trường và liên kết sản xuất, đẩy mạnh chế biến và tăng cường kết nối với các hệ thống siêu thị, trung tâm phân phối nội địa. Ta sẽ phải làm việc này tốt hơn để không phụ thuộc vào một thị trường.
"Chúng tôi cũng đã làm việc với các siêu thị, hệ thống phân phối hỗ trợ đối với các mặt hàng nông sản đang gặp khó khăn trong tiêu thụ. Hiện nay chúng tôi đã yêu cầu địa phương, doanh nghiệp có kế hoạch bảo đảm nguồn cung các sản phẩm thiết yếu trong hệ thống phân phối của mình để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong mọi tình huống để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân.
Với các mặt hàng khác, không riêng gì nông sản, Bộ Công Thương tiếp tục yêu cầu các thương vụ phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong đó có Bộ NN&PTNT, các hiệp hội ngành hàng để mở rộng thêm hệ thống tiêu thụ hàng hoá ở các thị trường khác, không riêng gì Trung Quốc", ông Hải cho hay.