Giải mã lý do nông dân đổ sữa tươi: Cú hạ đo ván của sữa bột

Ngọc Lê- Thu Vũ Thứ tư, ngày 28/01/2015 14:15 PM (GMT+7)
Đầu tháng 1 vừa qua, tại Lâm Đồng, nhiều người nuôi bò sữa đã đổ sữa tươi ra đường để phản đối chính sách thu mua của công ty sữa. Đây là một sự việc bất thường, bởi thực tế, lượng sữa tươi ở Việt Nam mới chỉ đáp ứng được khoảng 28% thị trường sữa nước, còn lại trên 72% vẫn là sữa bột pha lại (sữa hoàn nguyên). 
Bình luận 0

Câu chuyện nông dân phải đổ bỏ sữa tươi - không chỉ ở Lâm Đồng, Gia Lâm (Hà Nội) mà còn xảy ra ở một số địa bàn khác trên cả nước, lại chính là “cơ hội” để nhìn lại thực trạng phát triển của ngành chăn nuôi bò sữa trong nước hiện nay.

Hiện tượng bất thường

Hiện tượng sữa bò của nông dân không được mua hết phải dùng để tắm, cho lợn uống và đổ ra đường... đã xảy ra nhiều lần ở nhiều nơi, với nhiều hãng sữa khác nhau. Thời điểm này, ngay tại xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cũng đang xảy ra hiện tượng “dân đổ sữa ra đường”. Như ngồi trên đống lửa suốt 3 tháng qua, cán bộ và xã viên Hợp tác xã Bò sữa và dịch vụ tổng hợp Lâm Dư tại xã Dương Hà, huyện Gia Lâm, không khỏi lo lắng vì từ giữa tháng 10.2014 đến nay bị khống chế sản lượng sữa thu mua, và cắt giảm giá bán.

img
ND huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) phải vắt sữa hàng ngày, nhưng là để đem đi đổ ra đường chứ không phải để tiêu thụ. Ảnh: Lê Kiên
Ông Nguyễn Văn Dư ở xã Dương Hà, cho biết: Các công ty phát triển chăn nuôi khuyến khích tăng đàn, nhưng bây giờ họ lại khống chế lượng sữa thu mua. Mà điều chúng tôi bức xúc là cắt giảm không chung mọi nơi mà chỉ cắt giảm riêng khu vực Gia Lâm. Báo đài nói rằng sản lượng sữa tươi mới đáp ứng được 28% nhu cầu trong nước, thế còn hơn 70% sữa từ đâu, thay thế cái gì bằng sữa tươi để đáp ứng nhu cầu?

Người đứng đầu HTX không khỏi bức xúc khi không chỉ các xã viên mà chính gia đình ông cũng là nạn nhân của việc khuyến khích phát triển, tăng đàn bò sữa. Ông nói rằng đã đi gõ cửa nhiều công ty, nhưng họ bảo không có kế hoạch mở rộng sản xuất nên không thể tăng lượng sữa tươi thu mua.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, đến nay, sản lượng sữa tươi do cả nông dân sản và các doanh nghiệp sản xuất mới chỉ đáp ứng được khoảng 28% nhu cầu trong nước và mỗi năm nước ta đang phải tốn hơn 1 tỷ USD/năm để nhập khẩu sữa bột nguyên liệu về làm sữa hoàn nguyên. Điều đó cho thấy thị trường sữa nước còn rất tiềm năng.

Vì vậy, có thể nói việc doanh nghiệp không thu mua và nông dân phải đổ bỏ sữa tươi là hiện tượng hết sức bất thường, phi lý, bất công với nông dân và cần lời giải rõ ràng.

Thiếu minh bạch nguồn gốc sữa làm hại nông dân

Nguyên nhân của hiện tượng này bắt đầu từ đâu? Chúng ta hay nhìn sự việc một cách khách quan. Trước hết, chúng ta đều dễ dàng nhận thấy là ở Việt Nam hiện nay có rất ít doanh nghiệp sản xuất hoàn toàn sữa tươi. Hầu hết các doanh nghiệp trong nước đều chi hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm để nhập sữa bột nguyên liệu về làm sữa hoàn nguyên (sữa bột pha lại). Con số này rất lớn, chiếm tới 72% thị trường sữa nước.

Trong khi giá sữa bột trên thế giới đã giảm đến 50% trong vòng một năm qua nhưng giá sữa tươi của nông dân trong nước lại không giảm. Vì thế, các doanh nghiệp sữa thích mua sữa bột về pha lại vì có lãi hơn nhiều.

Theo PGS-TS Nguyễn Đăng Vang- Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, sản lượng sữa tươi hiện tại ở Việt Nam đạt khoảng 549 triệu lít/năm. Khoảng 20% sản lượng đó được dùng làm sữa chua, như vậy còn lại khoảng 450 triệu lít sữa tươi để tiêu dùng bằng cách đóng hộp. Năm 2014, cả nước sản xuất được 914 triệu lít sữa nước. Như vậy, nhẩm tính cũng có thể thấy có tới hơn 50% lượng sữa nước là sữa hoàn nguyên (sữa nước làm từ sữa bột - PV). “Như vậy, thực sự sữa tươi đã phải chịu một cú hạ đo ván của sữa bột. Trong khi đó, thực tế ở các nước trên thế giới, người ta dùng 100% sữa nước chế biến từ sữa tươi”- ông Vang cho biết.

Cũng theo ông Vang, để xảy ra hiện tượng trên là do người tiêu dùng thiếu để ý sự khác biệt giữa sữa tươi và sữa hoàn nguyên, còn một số doanh nghiệp thì lại nhập nhằng trong việc công bố thành phần trên nhãn mác, bao bì sản phẩm. “Chúng ta đã có Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật và các luật khác quy định rõ, đơn vị sản xuất phải công bố rõ thông tin sản phẩm trên bao bì. Do vậy, một mặt các cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường công tác kiểm tra, một mặt chúng ta phải đưa ra khuyến cáo để người dân để ý đến sự khác biệt của 2 sản phẩm sữa, nếu không ngành sữa trong nước sẽ không phát triển được”- ông Vang đề xuất.

Theo thống kê của Global Dary Trade (Tổ chức thương mại sữa toàn cầu, giá sữa thế giới từ mức 5.000 USD/tấn nay rớt xuống dưới 2.500 USD/tấn. Trong khi đó, giá sữa tươi trong nước vẫn không giảm. Vì thế, trong bài toán kinh doanh, các doanh nghiệp kinh doanh sữa sẽ thích mua sữa bột về pha hơn là mua sữa tươi của nông dân trong nước. Đó là nguyên nhân sâu xa của việc người ND phải đổ sữa tươi ra đường.   

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem