Giảm 50% mức hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần: Người lao động khó chấp nhận!

Nguyệt Tạ Thứ bảy, ngày 26/06/2021 06:30 AM (GMT+7)
Tuần qua, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi một lần nữa lại được dư luận xới lên khi Bộ LĐTBXH đề xuất giảm mức hưởng BHXH 1 lần của lao động. Dù lý do là gì chăng nữa thì thật khó để lao động đồng tình, chuyên gia ủng hộ…
Bình luận 0

Lao động không đồng tình

Anh Vũ Văn Phúc (lao động của Công ty Popeyes Hà Nội, sống tại Nhật Tân, Hà Nội) từng là nhân viên "vip" vì là quản lý, có thời điểm anh nhận lương 18-22 triệu đồng/tháng. Anh Phúc cho hay, sản phẩm chính của công ty là gà rán, đồ uống. Trước khi có dịch Covid - 19, công ty có nhiều cửa hàng. Trong đó, cửa hàng tại sân bay quốc tế Nội Bài bán rất tốt. Vì thế thu nhập người lao động khá ổn.

"Là doanh nghiệp nước ngoài sòng phẳng trong khâu đóng BHXH, chúng tôi đều được đóng BHXH dựa trên mức lương cao, khoảng 15 triệu đồng/tháng"- anh Phúc cho biết.

Giảm 50% mức hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần: Người lao động khó  chấp nhận! - Ảnh 1.

Lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh:Tạ Nguyệt

"Nếu dựa trên những căn cứ, nguyên tắc đó thì không thể đề xuất giảm tiền hưởng BHXH 1 lần của người lao động như trên. Lao động có đóng có hưởng. Nếu trong trường hợp vì mất việc, không xin được việc làm mới hoặc vì quá khó khăn mà họ muốn rút BHXH hưởng 1 lần thì phải tôn trọng quyết định của họ".

Bà Trần Thúy Nga

Thế nhưng từ đầu năm 2020, khi dịch Covid -19 xuất hiện sân bay vắng khách. Có thời điểm dừng toàn bộ hoạt động. Kể cả có nối lại chuyến bay thì du khách cũng bỏ thói quen ăn đồ tại sân bay. Vì thế, công ty đóng cửa hàng, lao động ở cửa hàng người thì thất nghiệp, người bố trí việc làm mới nhưng giảm thu nhập. Anh Phúc nghỉ việc luôn.

Mất việc, cuộc sống gia đình trở nên khó khăn, vợ làm nghề nấu ăn, nhà có 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Hiện tại cả nhà đang đi ở trọ, tiền thuê nhà cũng mất 4 triệu đồng/tháng. May có khoản tiền trợ cấp từ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) khoảng 10 triệu đồng/tháng mà gia đình anh mới trụ được qua ngày.

Giảm 50% mức hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần: Người lao động khó  chấp nhận! - Ảnh 4.

"Tới đây, tôi dự tính mua nhà vì con cái lớn hết không ở chật không chịu được. Nghĩ vậy, vợ chồng tôi dự kiến dùng hết khoản tiền tiết kiệm và vay mượn thêm mới được 500 triệu. Ngôi nhà có trị giá 800 triệu đồng. Hiện thiếu khoảng 300 triệu đồng nên tôi đang tính làm thủ tục rút BHXH 1 lần để lấy tiền đó mua nhà"- anh Phúc kể.

Có thể nói, khoản tiền BHXH 1 lần được nhiều lao động xem như là vật cứu tinh trong hoàn cảnh khó khăn, cùng đường. Cực chẳng đã, họ mới phải rút BHXH, hưởng 1 lần. Nếu đề xuất giảm 1 nửa tiền hưởng BHXH 1 lần của Bộ LĐTBXH được thông qua thì đây sẽ là đòn giáng mạnh vào tâm lý của lao động như anh Phúc.

"Chị Lê Thị Thu (công nhân, công ty may Khu công nghiệp Thăng Long) cũng cho rằng, đề xuất này không hợp lý, gây bất lợi cho công nhân lao động.

img

Bà Nguyễn Thu Giang – Phó Viện trưởng Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh Sáng (Light):

Tìm mọi cách giữ chân lao động

"Do ảnh hưởng của dịch Covid -19, nhiều địa phương có số người hưởng BHXH một lần tăng cao như: Bắc Ninh Hải Dương; Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng; Hà Nội; TP. HCM... Nguyên nhân chủ yếu là do tác động của dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến nhiều lao động mất việc, nghỉ việc.

Theo quy định hiện nay, người lao động nghỉ việc đủ 12 tháng cho nên họ làm thủ tục đề nghị hưởng BHXH một lần với mong muốn có một khoản tiền để trang trải cuộc sống hiện tại. Chỉ số ít lao động có mức đóng BHXH cao, thời gian tham gia BHXH dài thì mức rút BHXH 1 lần mới đáng kể. Phần đa nếu chỉ tham gia đóng dựa trên mức lương cơ sở thì mức hưởng BHXH 1 lần cũng rất thấp.

Lực bất tòng tâm, cùng quẫn lắm thì họ mới phải rút hết số tiền. Vì thế theo tôi, không nên giảm mức hưởng mà nên tăng chính sách hỗ trợ như: Chính sách đào tạo, chuyển đổi nghề; chính sách giới thiệu việc làm mới... thậm chí là hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tạo việc làm, thu nhập cho lao động".

img

Chị Đặng Thị Thu - Trưởng Nhóm công nhân tự lực (Bắc Thăng Long, Hà Nội):

Quá bất công với người lao động

"Hầu hết lao động đều không đồng tình với việc giảm mức hưởng BHXH 1 lần. Tất cả người lao động đều mong muốn đi làm, được đóng BHXH để về hưu có lương hưu, không ai mong muốn phải dừng đóng giữa chừng. Mất việc, cuộc sống khó khăn, cùng quẫn lắm mới phải dừng đóng để hưởng BHXH 1 lần. Tôi hy vọng tất cả chính sách an sinh như: Nghỉ hưu, tăng mức đóng BHXH... phải được thiết kế dựa trên những đánh giá tác động của chính sách tới quyền lợi, chế độ của người lao động".

P.V (ghi)

"Làm công nhân, tính ra mỗi năm, chúng tôi đóng BHXH đến hơn 4 tháng lương. Đề xuất giảm 50% mức hưởng nếu rút BHXH một lần quá thiệt thòi cho người lao động. Thực tế, không phải lao động nào cũng đủ sức khỏe để làm tới khi đủ tuổi về hưu. Đó là chưa kể có lao động đủ tuổi mà chưa đủ năm đóng BHXH thì vẫn không thể hưởng lương hưu. Lao động không mắc bệnh hiểm, nghèo, không ra nước ngoài sinh sinh sống, nhưng trong nước mất việc không đủ khả năng đóng tiếp BHXH cũng là đối tượng rất khó khăn" - chị Thu nói.

Chuyên gia không ủng hộ

Đại diện Bộ LĐTBXH cho biết, Luật BHXH (sửa đổi) vừa được Bộ gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ xem xét. Ngoài việc thực hiện điều chỉnh một số nội dung nhằm tăng tính ưu việt của BHXH thì Bộ cũng đề xuất nhiều chính sách để mở rộng đối tượng tham gia và giữ chân lao động ở lại với hệ thống BHXH. Một trong những cách đó là giảm mức hưởng nếu lao động tham gia rút BHXH 1 lần.

Lý do được Bộ LĐTBXH đưa ra trong văn bản "Báo cáo đánh giá tác động khi trình Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đó là: Quy mô diện bao phủ BHXH còn thấp (33,5% lao động tham gia BHXH); tỷ lệ lao động rút BHXH 1 lần đang cao (3 tháng đầu năm đã có hơn 220 nghìn người đăng ký rút BHXH 1 lần, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2020). Thêm vào đó, các nguyên nhân như: Lo ngại mất cân đối Quỹ BHXH, tỷ lệ hưởng cao hơn tỷ lệ đóng... cũng được xem là nguyên nhân khiến Bộ LĐTBXH đề xuất chính sách giảm mức hưởng BHXH 1 lần của lao động.

Cụ thể, dự luật sẽ điều chỉnh quy định hưởng BHXH một lần theo hướng tạo điều kiện cho lao động lựa chọn dựa trên 2 phương án.

Phương án thứ nhất: Nếu lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu mà sau một năm không tham gia BHXH đề nghị hưởng BHXH 1 lần, thì mức hưởng cho mỗi năm đóng BHXH bằng một lần mức tiền lương bình quân tháng đã đóng BHXH.

Phương án 2: Nếu lao động đến tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng hoặc lao động mắc bệnh hiểm nghèo, hoặc ra nước ngoài để định cư hợp pháp, thì mức hưởng cho mỗi năm đóng BHXH bằng hai tháng tiền lương bình quân đã đóng BHXH...".

Như vậy, có thể hiểu với phương án thứ nhất người lao động nếu rút BHXH 1 lần sẽ bị giảm mức hưởng tương đương là 50%. Thay vì rút BHXH 1 lần sẽ được từ 1,5 - 2 tháng lương tính đóng như hiện hành, Bộ LĐTBXH đề xuất giảm chỉ còn 1 tháng lương.

Bà Trần Thúy Nga - nguyên Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH) cho rằng, sửa luật BHXH là cần thiết, tuy nhiên, một số đề xuất còn chưa dựa trên nguyên tắc khi xây dựng luật BHXH. BHXH xây dựng trên nguyên tắc đóng - hưởng. Có đóng có hưởng. Đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều, không đóng không hưởng.

"Nếu dựa trên những căn cứ, nguyên tắc đó thì không thể đề xuất giảm tiền hưởng BHXH 1 lần của người lao động như trên. Lao động có đóng có hưởng. Nếu trong trường hợp vì mất việc, không xin được việc làm mới hoặc vì quá khó khăn mà họ muốn rút BHXH hưởng 1 lần thì phải tôn trọng quyết định của họ. Mức hưởng cần tính toán phù hợp, cân bằng tránh lao động phản ứng"- bà Nga nêu ý kiến.

Lo lắng của bà Nga không phải là không có căn cứ, bởi trong thực tế chúng ta cũng đã phải sửa Điều 60 Luật BHXH liên quan tới việc hưởng BHXH 1 lần của lao động. "Tôi cho rằng nên thận trọng và tính toán kỹ lưỡng"- bà Nga nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem