Giảm lãi suất chống Covid-19, Vietcombank vẫn lập kỷ lục lợi nhuận 2020?
Chịu tác động từ việc giảm lãi suất
Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, ngành ngân hàng, trong đó có Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VBC) đồng loạt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp đối phó với đại dịch Covid-19. Thế nhưng, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vẫn đưa ra những đánh giá lạc quan với Vietcombank trong năm 2020.
Tính đến ngày 4/3/2020, 23 tổ chức tín dụng đã báo cáo lên Ngân hàng Nhà nước, theo đó ước tính có khoảng 926.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm 14.3% dư nợ của 23 tổ chức tín dụng này và 11,3% dư nợ toàn ngành. Dư nợ bị ảnh hưởng của các ngân hàng thương mại nhà nước khoảng gần 600.000 tỷ đồng.
VCB đã triển khai cắt giảm lãi suất kể từ 11/2/2020 đến 30/4/2020 cụ thể như sau:
VCB ước tính dư nợ của các khoản vay hiện hữu được giảm lãi suất khoảng 30.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 4% dư nợ của VCB và khoảng 7% dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp) và số tiền giảm lãi suất là 300 – 450 tỷ đồng. Ngoài ra các tổ chức tín dụng đã xây dựng gói hỗ trợ tín dụng với tổng giá trị 285.000 tỷ đồng và mức giảm lãi suất bình quân là 0,5 – 1%.
Giả sử dư nợ được hỗ trợ của VCB chiếm khoảng 20% tổng dư nợ, lãi suất bình quân đầu ra có thể giảm 0,2 – 0,3%. Ngoài ra, BVSC cũng dự báo tỷ lệ NPL (nợ xấu) của VCB trong 2020 sẽ tăng lên 1%.
BVSC đánh giá thêm việc hỗ trợ giảm lãi suất do ảnh hưởng của dịch Covid sẽ ảnh hưởng đến khả năng mở rộng NIM trong 2020. Giả sử dư nợ được hỗ trợ của VCB chiếm khoảng 20% tổng dư nợ, lãi suất bình quân đầu ra có thể giảm 0,2 – 0,3%.
Tuy vậy, theo BVSC, các tác động này có thể được bù đắp bởi khả năng tăng tỷ trọng cho vay cá nhân/tổng dư nợ và tăng tỷ lệ LDR (tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động).
Tính đến hết 2019, tỷ trọng cho vay cá nhân đạt 43% trên tổng dư nơ, nếu bao gồm cả cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) thì tỷ trọng lên tới khoảng 55% theo ước tính của BVSC. VCB dự kiến tăng dư nợ cho vay cá nhân và SME ở mức 25% trong 2020 và đưa tỷ trọng lên 60% trong tổng dư nợ.
Trong khi đó, LDR theo TT22 của VCB mới ở quanh mức 73% tính đến hết 2019, do vậy ngân hàng còn khá nhiều room để nâng tỷ trọng này trong các năm tiếp theo, qua đó cải thiện NIM
Khẩu vị rủi ro thận trọng, chất lượng tài sản tốt và việc tích cực trích lập dự phòng trong các năm vừa qua sẽ giúp cho VCB tiết giảm được chi phí tín dụng và gia tăng khả năng chống sốc đối với các biến động bất lợi của kinh tế.
Tỷ lệ NPL của VCB trong 2019 giảm mạnh xuống 0,8% từ 1,2% trong 2018, thấp thứ 2 toàn ngành và số dư nợ xấu xét về giá trị tuyệt đối giảm 8% so với 2018.
"Chúng tôi dự báo tỷ lệ NPL tăng lên 1% trong 2020 do diễn biến kinh tế bất lợi do ảnh hưởng từ dịch bệnh covid-19 có thể ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của khách hàng, tuy nhiên tỷ lệ này sẽ quay lại mức 0.8% trong các năm tiếp theo. Ngoài ra chúng tôi cho rằng VCB có thể đã giấu 3.000 tỷ đồng lợi nhuận vào chi phí tín dụng trong 2 năm 2018 và 2019", BVCS đánh giá.
Vẫn lập kỷ lục lợi nhuận?
Nhiều chỉ tiêu của VCB sẽ bị ảnh hưởng bởi động thái giảm lãi suất cho vay nhưng BVSC vẫn đánh giá cao kết quả kinh doanh của VCB trong năm 2020.
BVSC dự báo Tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế của VCB trong 2020 đạt lần lượt 56.070 tỷ đồng và 28.944 tỷ đồng, tăng trưởng lần lươt 22,6% và 25,2% (trong đó thu nhập và lợi nhuận từ core không bao gồm one off tăng trưởng lần lượt 18.6% và 17.2%).
Trong đó, trong năm 2019, VCB đã lập kỷ lục về lãi ròng với khoản lợi nhuận sau thuế cao nhất lịch sử hoạt động của ngân hàng này (18.528 tỷ đồng). Còn trong năm 2020, bất chấp phải giảm lãi suất, VCB vẫn được BVSC dự báo sẽ tự phá kỷ lục của chính mình khi đạt 23.155 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 25% so với năm 2019.
Đối với hoạt động banca (bán bảo hiểm qua ngân hàng), BVSC dự báo thu nhập từ hoa hồng đạt 1.000 tỷ đồng ngay trong năm đầu hoạt động và thay đổi dự báo ghi nhận 400 triệu USD phí trả trước thành chia đều trong 5 năm thay vì 2 năm như dự báo trước đây.
Vì vậy, BVSC vẫn đánh giá cao triển vọng trung và dài hạn của VCB và giảm nhẹ giá mục tiêu cho VCB xuống 97.600 đồng/CP dựa trên phương pháp Thu nhập thặng dư.
Mức định giá này dựa trên giả định VCB vẫn sẽ phát hành tăng vốn thành công (6,5% trong 2020) và do đó tương đương với P/B 2020 ở mức 3.2x. Với nhận định VCB còn nhiều dư địa tăng trưởng lợi nhuận cộng với khả năng chống sốc tốt với các diễn biến bất lợi của kinh tế, chúng tôi tiếp tục khuyến nghị KHẢ QUAN cho VCB.
Tuy nhiên, BVSC vẫn nhấn mạnh: "Chúng tôi lưu ý rủi ro chính cho khuyến nghị này là diễn biến kinh tế xấu hơn và VCB không phát hành tăng vốn ngay trong 2020".