Giảm nghèo ở xã Nánh Nghê của Hòa Bình: Nuôi dê núi, nhiều hộ có của ăn của để (bài 2)

Tuệ Linh - Phạm Hoài Chủ nhật, ngày 02/04/2023 06:31 AM (GMT+7)
Đã có nhiều nông dân xã Nánh Nghê, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình thoát nghèo bền vững nhờ chương trình hỗ trợ nuôi dê núi sinh sản.
Bình luận 0

Clip: Người dân xã Nánh Nghê thoát nghèo nhờ nuôi dê núi và đại gia súc.

Thoát nghèo bền vững nhờ chương trình hỗ trợ nuôi dê núi ở Nánh Nghê

Thời gian qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xã Nánh Nghê, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) đã áp dụng hình thức hỗ trợ dê núi sinh sản cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn.

Từ những con dê ban đầu đã tạo nền tảng vững chắc để nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở Nánh Nghê vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu trên chính mảnh đất mình sinh ra.

Về nơi “rốn nghèo” Nánh Nghê (Bài 2): Thoát nghèo nhờ nuôi dê núi - Ảnh 2.

Mô hình nuôi dê núi cho thu nhập ổn định của gia đình anh Bùi Văn Huế, xóm Mọc, xã Nánh Nghê. Ảnh: Tuệ Linh.

Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, anh Bùi Văn Huế, xóm Mọc, xã Nánh Nghê cho biết: "Năm 2017 – 2018, gia đình tôi lúc đó là hộ nghèo trong xóm. Thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, gia đình được Nhà nước hỗ trợ 9 triệu đồng để mua dê sinh sản".

Theo anh Huế, trước đây, Nhà nước hỗ trợ dê lai, bò lai cho hộ nghèo, cận nghèo, tuy nhiên do không phù hợp với khí hậu vùng cao nên hay bị chết và hiệu quả không cao.

Rút kinh nghiệm từ các dự án trước đó, gia đình anh Huế đã sử dụng 9 triệu đồng mua 4 con dê núi sinh sản ở địa phương về nuôi. Sau nhiều năm chăm sóc, từ 4 con dê ban đầu đã phát triển lên đến trên 30 con.

Về nơi “rốn nghèo” Nánh Nghê (Bài 2): Thoát nghèo nhờ nuôi dê núi - Ảnh 3.

Trong thời gian tới, gia đình anh Huế sẽ tiếp tục tăng đàn dê để nâng cao thu nhập trong gia đình. Ảnh: Tuệ Linh.

Mỗi năm, đàn dê đem lại nguồn thu nhập ổn định từ 25 – 30 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình anh Huế đã thoát nghèo và có nguồn thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống.

Anh Huế cho biết thêm: Để đàn dê sinh trưởng và phát triển tốt, các hộ dân được nhận tiền hỗ trợ mua dê luôn làm tốt công tác chăm sóc và phòng ngừa dịch bệnh theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông xã. Mặt khác, bà con được cán bộ xã hướng dẫn sử dụng điện thoại thông minh vào mạng Internet để học hỏi thêm kỹ tiêm phòng vaccine, làm chuồng trại nuôi dê.

"Chuồng trại nuôi dê phải cao ráo, cách 1 mét so với mặt đất. Các tấm ván hoặc thanh gỗ làm sàn phải có khe hở vừa đủ để đảm bảo phân lọt xuống đất. Phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, bởi nếu để lượng phân nhiều không dọn dẹp sẽ khiến đàn dê bị bệnh phổi, dẫn đến ho, ốm yếu và chết. Trời mưa, không được thả dê đi ăn, vì cỏ đọng đọng nước, sương rất dễ làm dê bị mắc các loại bệnh về đường ruột", anh Huế tiết lộ kỹ thuật nuôi dê.

Về nơi “rốn nghèo” Nánh Nghê (Bài 2): Thoát nghèo nhờ nuôi dê núi - Ảnh 4.

Nhờ được vay vốn mở rộng sản xuất đã giúp gia đình anh Sỏi thoát nghèo. Ảnh: Phạm Hoài.

Chị Bùi Thị Kim Uyên, cán bộ khuyến nông – thú y xã Nánh Nghê cho biết: Một trong những nguyên do khiến tỷ lệ hộ nghèo ở xã Nánh Nghê vẫn còn chiếm tỷ lệ cao đó là việc người dân thiếu thông tin, kiến thức trong trồng trọt, chăn nuôi.

Vì vậy, trước khi triển khai thực hiện các chương trình dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo, chúng tôi đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho bà con.

Theo đó, nhiều lớp tập huấn kéo dài một tuần hoặc dài hạn dạy nghề về kỹ thuật nuôi dê, trâu, bò, gà và trồng trọt đã được tổ chức, thu hút hàng chục hộ nghèo, cận nghèo tham gia. Vì vậy, nhiều chương trình, dự án giảm nghèo bền vững được triển khai trên địa bàn xã đã giúp hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo có cơ hội vươn lên thoát nghèo.

Về nơi “rốn nghèo” Nánh Nghê (Bài 2): Thoát nghèo nhờ nuôi dê núi - Ảnh 5.

Nhờ nuôi trâu, bò, gia đình anh Sỏi xây dựng được nhà cửa khang trang. Ảnh: Tuệ Linh.

Đồng vốn ưu đãi giúp người dân Nánh Nghê thoát nghèo, xây nhà cửa khang trang

Từng là một trong những hộ nghèo nhất xóm, nhưng nhờ được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia đình anh Đinh Công Sỏi, xóm Nước Mọc, xã Nánh Nghê đã thoát được nghèo và xây được nhà cửa khang trang.

Anh Sỏi chia sẻ: Trước đây, gia đình trồng nương sắn, nương ngô và một ít cây lâm nghiệp. Tuy nhiên, do quỹ đất ít nên sản lượng chẳng được bao nhiêu. Mặt khác, đường giao thông đi lại xa xôi, cách trở nên ngô, sắn thường hay bị thương lái ép giá. Do vậy, dù cố gắng lao động sản xuất nhưng vẫn không thoát được nghèo.

Năm 2016 - 2017, gia đình anh Sỏi được tạo điều kiện vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua 2 con bò cái và 1 con trâu cái về nuôi. Trước đó, để có kiến thức nuôi trâu, bò, anh Sỏi đã tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do khuyến nông và Hội Nông dân tổ chức tại Trung tâm học tập cộng đồng của xã.

Sau 7 năm nuôi, đàn trâu, bò của anh Sỏi đã phát triển lên 10 con. Đến nay, gia đình anh Sỏi đã thoát được nghèo và trả được vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Ngoài ra, từ số tiền bán trâu, bò hàng năm, anh Sỏi đã xây dựng được một ngôi nhà khang trang thay thế ngôi nhà tạm trước đây. Nhờ đó, cuộc sống gia đình anh ngày càng ổn định hơn và từng bước vươn lên làm giàu.

Bằng sự cần cù, chịu thương chịu khó của người nông dân cộng với nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp nhiều hộ nghèo ở xã Nánh Nghê thoát nghèo, có nguồn thu nhập đáng kể. Qua đó, góp phần cùng cấp uỷ, chính quyền xã Nánh Nghê từng bước hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem