Gian lận sẽ làm hại cả ngành nông nghiệp, làm hại chính mình

19/08/2020 06:45 GMT+7
Gian lận mã số vùng trồng ở vùng xoài Cao Lãnh đang là vấn đề nóng gây bức xúc dư luận. Tiếc rằng, sự gian lận này không hiếm trong các ngành hàng nông sản.

Gian lận sẽ làm hại cả ngành nông nghiệp, làm hại chính mình - Ảnh 1.

Xoài Cao Lãnh, Đồng Tháp. Ảnh: Viettropfruit.

Tại Hội thảo lấy ý kiến cho Nghị định “Quy định chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu”, do Bộ NN-PTNT tổ chức hồi cuối tháng 7 vừa rồi, một vấn đề được đặt ra là làm sao hạn chế được sự gian lận đối với các lô gạo thơm xuất khẩu sang EU, nhất là gian lận xuất xứ.

Theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (Hiệp định EVFTA), mỗi năm, Việt Nam được xuất khẩu sang EU 80 ngàn tấn gạo theo hạn ngạch thuế quan (được ưu đãi thuế), trong đó có 30 ngàn tấn gạo thơm. Riêng về gạo thơm, phải đúng về chủng loại (Hoa nhài 85, ST 5, ST 20, Nàng Hoa 9, VD 20, RVT, OM 4900, OM 5451 và Tài Nguyên Chợ Đào) và phải được sản xuất tại Việt Nam.

Do EU là thị trường chiến lược, nên việc đảm bảo tuân thủ tốt 2 yêu cầu nói trên của EU để tận dụng được tối đa hạn ngạch với gạo thơm, rất được Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp coi trọng.

Do đó, theo ý kiến của nhiều nhà quản lý, chuyên gia, doanh nhân ngành gạo, việc soạn thảo Nghị định và các phụ lục phải được xây dựng sao cho vừa tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo được sự chặt chẽ để phòng chống nguy cơ gian lận về chủng loại, về xuất xứ theo yêu cầu của EU.

Phòng chống gian lận về chủng loại, xuất xứ đối với gạo thơm xuất khẩu sang EU theo hạn ngạch thuế quan không phải là việc làm dư thừa, bởi trên thực tế sản xuất, kinh doanh lúa gạo ở nước ta, không thiếu chuyện gian lận, giả mạo về chủng loại, về xuất xứ, về chứng nhận an toàn...

Một doanh nhân tham gia hội thảo nói trên, cho biết, có cơ sở sản xuất lúa thơm có chứng nhận an toàn, nên được doanh nghiệp, siêu thị đặt mua. Tuy nhiên, nếu so về diện tích có chứng nhận an toàn, thì mỗi năm, cơ sở đó chỉ sản xuất được 500 tấn gạo thơm an toàn. Vậy mà lượng gạo thơm an toàn mỗi năm họ bán ra lên tới cả ngàn tấn. Không biết 500 tấn còn lại lấy từ đâu?

Không chỉ lúa gạo, trong nhiều mặt hàng nông sản khác, tình trạng gian lận xuất xứ cũng không phải là hiếm. Mới đây nhất là việc nhiều lô xoài được mạo danh mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói tại Hợp tác xã xoài Mỹ Xương (Cao Lãnh, Đồng Tháp) để xuất khẩu xoài sang Trung Quốc.

Vụ việc này đang làm nóng dư luận khi cơ quan chức năng của Trung Quốc đã gạch tên mã số vùng trồng của Hợp tác xã xoài Mỹ Xương ra khỏi danh sách mã số đăng ký xuất khẩu vào nước này.

Tuy mới chỉ một cơ sở bị nhận “thẻ đỏ” từ phía Trung Quốc, tức là xoài từ các cơ sở khác đã có mã số vùng trồng và được đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc, vẫn tiếp tục được xuất sang nước này, nhưng vụ việc nói trên chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của xoài nói riêng, rau quả Việt Nam nói chung, nhất là khi Trung Quốc cũng như các nước khác đang ngày càng siết chặt hơn về tiêu chuẩn đối với rau quả, nông sản nhập khẩu.

Gần đây, gỗ dán Việt Nam đã bị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế. DOC nghi ngờ nhiều lô hàng gỗ dán Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc, được đưa vào Việt Nam để lấy danh nghĩa hàng Việt Nam rồi xuất sang Mỹ nhằm lẩn tránh mức thuế rất cao mà Mỹ đang áp lên gỗ dán Trung Quốc.

Nếu gỗ dán Việt Nam bị DOC trừng phạt vì khẳng định chuyện gian lận xuất xứ là có cơ sở, sẽ gây ra tổn thất không nhỏ cả về thị trường, giá trị xuất khẩu lẫn uy tín của ngành gỗ Việt Nam.

Để đẩy mạnh xuất khẩu rau quả nói riêng, nông sản nói chung, Bộ NN-PTNT và các bộ, ngành liên quan đã và đang đẩy mạnh các công tác mở cửa thị trường, nhất là các thị trường khó tính, thị trường có tiềm năng lớn.

Với những nỗ lực nói trên, những năm gần đây, nhiều loại rau quả, nông sản của Việt Nam đã được cấp phép xuất khẩu vào nhiều thị trường quan trọng. Qua đó, góp phần không nhỏ vào việc gia tăng giá trị xuất khẩu nông sản, tăng thu nhập cho người nông dân.

Tuy nhiên, việc mở được thị trường đã khó, thì việc duy trì, giữ vững và phát triển được ở những thị trường đó lại càng khó hơn nhiều. Để giữ được thị trường, vai trò quan trọng nhất thuộc về nông dân, doanh nghiệp.

Nếu nông dân, doanh nghiệp cùng làm ăn đàng hoàng, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn, nguồn gốc xuất xứ… thị trường nhập khẩu yêu cầu, thì không những giữ được thị trường mà còn có cơ hội lớn để thâm nhập sâu, chiếm thị phần lớn hơn tại thị trường đó.

Ngược lại, nếu doanh nghiệp, nông dân làm ăn không đàng hoàng, không tuân thủ các quy định về chất lượng, an toàn, gian lận xuất xứ…, thì nguy cơ rất lớn là bị mất thị trường mà Bộ NN-PTNT và các bộ, ngành liên quan đã mất bao công sức mới “mở” được.

Và quan trọng hơn, những hành vi như thế sẽ góp phần không nhỏ gây tổn hại tới hình ảnh, uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới, gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp và thiệt hại cho chính những doanh nghiệp, nông dân đã làm ăn gian dối.

Thanh Sơn
Cùng chuyên mục