Giáo viên từng chấm thi môn Toán lớp 10 Hà Nội "mách chiêu" ôn tập và làm bài điểm cao

Tào Nga Thứ sáu, ngày 28/04/2023 09:40 AM (GMT+7)
Có rất nhiều các lỗi học sinh thi vào lớp 10 môn Toán ở Hà Nội mắc phải. Sau đây là những chia sẻ của giáo viên giúp học sinh đạt điểm tốt nhất.
Bình luận 0

Những lỗi sai khi làm bài thi môn Toán lớp 10

Kỳ thi vào lớp 10 năm 2023 ở Hà Nội chỉ còn ít ngày nữa sẽ diễn ra. Đây là giai đoạn nước rút để học sinh ôn tập thật chắc chắn bước vào phòng thi với tâm thế tự tin, làm bài tốt.  

Là giáo viên Toán trực tiếp dạy học sinh lớp 9 và có kinh nghiệm chấm thi lớp 10, cô Bùi Thị Phương Dung, giáo viên Trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, Hà Nội đã có những lưu ý giúp học sinh ôn thi và làm bài đạt kết quả cao nhất. 

Theo cô Dung, học sinh thường mắc các lỗi sai sau đây: Tính toán sai, thiếu điều kiện hoặc không so lại điều kiện để mất hoặc dư nghiệm; Đọc sai hoặc thiếu ý của đề; Trình bày vắn tắt cẩu thả, chữ viết khó đọc; Vẽ hình sai, vẽ thiếu nét hoặc thiếu tên điểm...

Giáo viên từng chấm thi môn Toán lớp 10 Hà Nội "mách chiêu" ôn tập và làm bài điểm cao - Ảnh 1.

Cô Bùi Thị Phương Dung, giáo viên Trường THCS Nguyễn Tri Phương. Ảnh: Tào Nga

Với các lỗi sai phổ biến trong các bài thi này, cô Dung nhắc nhở: Thứ nhất các em cần chuẩn bị tâm lý và sức khỏe. Khi làm bài thi phải tự tin, lạc quan, tâm trạng thoải mái tránh lỗi sai không đáng có.

Thứ hai là khi ôn tập. Trong lúc ôn tập, các em cần phải làm nhiều bài tập để tập phản xạ với các dạng bài vì trong phòng thi không có nhiều thời gian. Với mỗi bài toán các em cần phải đọc đề thật kỹ và làm đến kết quả cuối cùng, tránh trường hợp làm giữa chừng thấy được thì dừng, thà làm ít mà hoàn thành bài toán còn hơn là làm nhiều bài giống nhau mà bỏ giữa chừng. Việc trình bày bài toán cũng rất quan trọng nên các em rèn luyện bằng cách tìm các đề thi của các năm trước để làm và trình bày cẩn thận trong thời gian cho phép. Dạng toán nào chưa làm được hay chỗ nào bị sai thì phải rèn luyện để tránh sai sót sau này.

Khi làm bài, các em cần chuẩn bị dụng cụ đầy đủ bút viết, thước, compa, thước đo độ,… để vẽ hình chính xác. Khi bắt đầu tính giờ làm bài các em đọc đề cẩn thận, đánh dấu các câu dễ, quen thuộc, gạch các từ khóa quan trọng, câu dễ làm trước, khó làm sau. Làm sớm bài hình, không làm trễ quá dễ lúng túng vẽ sai hình. Câu nào không làm được trọn vẹn nhưng có ý gì đúng, các em cứ viết ra, có thể trong đáp án có để được điểm ý đó. Sau khi làm bài xong (cả khi chưa kịp làm các câu khó) vẫn nên dành thời gian dò lại những câu đã làm được trước khi nộp bài.

Cùng với đó, khi bắt đầu làm bài, học sinh cần cố gắng đọc thật kỹ đề để tránh hiện tượng nhầm hướng giải cho bài toán. Chẳng hạn, với dạng bài toán rút gọn, các em thường dễ nhầm lẫn cách làm ý cuối vì không đọc kỹ đầu bài.

Tránh sai sót nhiều trong bài nguyên tắc là: Làm đến đâu kiểm tra đến đó. Xong 1 bài phải kiểm tra ngay bài đó. Trước khi nộp bài cần kiểm tra lại lần nữa. Ví dụ: Thí sinh giải bài rút gọn sai dấu từ dòng thứ 2 nhưng không nhận ra, đến tận cuối bài (chẳng hạn dòng thứ 9) mới nhận ra, đến khi này đã sai quá nhiều (8 dòng), không thể sửa chữa được nữa, buộc phải gạch đi làm lại, rất mất thời gian và khi đó ảnh hưởng đến tâm lý thi.

Kiến thức và kỹ năng môn Toán cần chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10

Theo thầy Vi Mạnh Tường, Phó hiệu trưởng và cô Đào Hoàng Lan, giáo viên Toán, Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội: "Thi đầu vào lớp 10 là một kỳ thi quan trọng giúp đánh giá lại khả năng về kiến thức và kỹ năng của các bạn học sinh sau 4 năm THCS với nhiều nỗ lực học tập". Thầy Tường và cô Lan đã có những chia sẻ thiết thực, hữu ích với học sinh.

Giáo viên từng chấm thi môn Toán lớp 10 Hà Nội "mách chiêu" ôn tập và làm bài điểm cao - Ảnh 2.

Thầy Vi Mạnh Tường, Phó hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ. Ảnh: Tào Nga

Các em cần xác định mục tiêu học tập, khả năng bản thân trường muốn thi đỗ và nên đặt mục tiêu cao hơn khả năng của mình 1-2 điểm để cố gắng; Học chắc kiến thức và thường xuyên trao đổi với thầy cô, bạn bè những vấn đề chưa hiểu kỹ; Học theo mô hình xoáy trôn ốc tức là học thành nhiều vòng với mỗi mảng kiến thức, mức độ khó tăng dần.

Học sinh chủ động trong quá trình học tập và ôn thi như thường xuyên mang theo đề cương ôn tập để chủ động ôn lại trong lúc rảnh rỗi; Tự đặt thời gian biểu học tập phù hợp và cam kết với bản thân; Hình thành thói quen học tập đúng giờ để loại bỏ tính trì hoãn; Chăm chỉ trong việc hệ thống và ôn lại kiến thức cũ để có tâm thế vững vàng khi tiếp thu thêm kiến thức mới.

Học cách ghi chú thông tin: Đây là một trong những kỹ năng học tập hàng đầu, dù với phương pháp học tập truyền thống hay hiện đại, người học vẫn cần đến kỹ năng này. Việc lập một đề cương ôn tập sẽ giúp thí sinh vừa có thể ôn tập theo chiều rộng lẫn chiều sâu, không bỏ lỡ bất kỳ kiến thức nào. Đồng thời, việc nắm chắc kiến thức bao quát cũng sẽ giúp thí sinh không hoang mang dẫn đến tâm lý "học tủ".

Ôn đến đâu nắm chắc đến đó và hệ thống hóa kiến thức trước và sau khi ôn tập. Sau khi ôn tập với một lộ trình cố định theo tuần, theo tháng,… các bạn học sinh nên dành thời gian để kiểm lại những gì đã tự ôn tập được. 

Thường xuyên luyện đề thi các năm trước (5 đề minh họa từ 2018-2022). Hầu hết các đề thi tuyển sinh lớp 10 đều có cấu trúc tương tự như những năm trước đó, các nội dung trọng tâm cũng xoay quanh những kiến thức cốt lõi. 

Ôn lại bài trước khi ngủ: Trước lúc đi ngủ hay buổi sớm thức dậy, các bạn cũng đều nên tập thói quen nhẩm đi nhẩm lại kiến thức mà mình đã học. Mục đích chính của việc này là để các bạn hiểu rõ mình đã học được bao nhiêu phần trăm so với lượng kiến thức cần nắm vững theo đề cương và lộ trình ôn tập.

Các em cũng nên tham gia các kỳ thi thử để đánh giá năng lực. Các bạn thí sinh sẽ có thể tự đánh giá năng lực của bản thân, sớm khắc phục những lỗ hổng kiến thức và rèn luyện để đạt kết quả tối ưu cho kỳ thi. Việc thi khảo sát giúp các bạn tôi luyện tâm lý, vận dụng kiến thức suôn sẻ và làm quen với những dạng câu hỏi trong đề thi.

Sắp xếp thời gian phù hợp ôn tập và nghỉ ngơi thư giãn. Một trong những giờ học được cho là hợp lý và khoa học nhất là từ 19-22h. Sau đó, các em học sinh nên đi ngủ để nạp năng lượng và để cho bộ não được nghỉ ngơi sau một ngày học tập căng thẳng. Ngoài ra, các em cũng cần tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao, ngoại khóa để thư giãn sau những giờ học căng thẳng. Mặc dù những áp lực trước kỳ thi là không tránh khỏi nhưng các bạn học sinh cũng cần sắp xếp được thời gian học và thời gian nghỉ ngơi sao cho hợp lý, tránh để bản thân rơi vào trạng thái quá tải dẫn đến các căng thẳng tâm lý ảnh hưởng.

Chiều ngày 27/4, Trường THCS Thăng Long tổ chức chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm ôn tập vào 10 môn Toán với sự tham dự của các giáo viên quận Ba Đình, Hà Nội. Đây là chuyên đề vô cùng ý nghĩa trong thời điểm thầy và trò lớp 9 của các trường đang nỗ lực ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

img

Giáo viên chia sẻ kinh nghiệm tổ chức ôn thi vào lớp 10 cho học sinh. Ảnh: Tào Nga

Cùng với Toán, môn Ngữ văn và Tiếng Anh cũng được tổ chức tại Trường THCS Thành Công và THCS Phan Chu Trinh trong tình hình kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập đang diễn ra với mức độ cạnh tranh cao và áp lực đối với học sinh ngày càng tăng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem