Giàu lên từ loại hạt ngày xưa cho không giờ quý như vàng
Từng có thời điểm lên tới 3-4 triệu đồng/kg
Hạt dổi là loại gia vị độc đáo, được ví như “vàng đen” của đồng bào dân tộc núi rừng Tây Bắc. Hạt nướng lên có mùi thơm đặc biệt, tạo nên nét riêng độc đáo cho các món ăn vùng Tây Bắc và đặc biệt tốt cho sức khỏe.
Dổi được trồng nhiều ở khu vực miền núi phía Bắc, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Điện Biên, Tuyên Quang, Hòa Bình… Dổi cũng xuất hiện rải rác ở các tỉnh Tây Nguyên nhưng hạt bé, vị hắc, đắng chứ không thơm, ngon như hạt đổi Tây Bắc.
Vài năm trở lại đây, nhiều hộ dân ở xã Chí Đạo (Lạc Sơn, Hòa Bình) khá lên trông thấy nhờ thu nhập từ việc bán hạt dổi.
Trước đây, người dân địa phương chủ yếu trồng dổi để lấy gỗ làm nhà, còn hạt dổi thì… vứt đi hoặc ai cần thì cho không. Ngày ấy, hạt dổi chưa đắt đỏ như bây giờ, nhu cầu sử dụng không cao, cho không có khi người ta còn chẳng thèm lấy.
Thỉnh thoảng có người dùng hạt dổi ngâm rượu làm thuốc xoa bóp chữa đau nhức xương khớp hoặc chữa ho. Từ xa xưa, người dân Tây Bắc đã thích dùng hạt dổi nướng lên, giã nát để làm gia vị trong nấu ăn nhưng công dụng của hạt chưa được nhiều nơi biết đến như hiện nay. Người ta chỉ nghĩ đơn giản rằng đó là loại gia vị thông thường, không có giá trị gì đáng kể.
Từ khi hạt dổi được nhiều người săn lùng, giá bán tăng vùn vụt, thậm chí có lúc cao điểm lên tới 3-4 triệu đồng/kg, nông sân Lạc Sơn mới bắt đầu chú tâm khai thác loại quả này, tách hạt đem bán. Cũng từ đó, cuộc sống người dân ngày càng khấm khá, đi lên.
Cây dổi trưởng thành cao khoảng 35-50m, đường kính gốc khoảng 50cm. Chỉ cần có 20 cây dổi, mỗi năm, người trồng có thể thu hoạch trên 1 tạ hạt khô. Với giá cả hiện nay, nông dân trồng dổi dư sức bỏ túi 150 triệu đồng/năm.
Thu tiền tỉ nhờ bán cây dổi giống
Ông chủ một vườn dổi ở địa phương cho biết dổi vốn là cây lấy gỗ nên không phải chăm sóc nhiều như cây lúa hay các loại hoa màu, cây ăn quả khác. Trong khi đó, hạt dổi lại có giá thành cao, thu hoạch được bao nhiêu, thương lái đến nhà thu mua hết ngần ấy, không sợ thiếu đầu ra, giá cả ổn định.
Hiện nay, cây dổi đã trở thành loại cây đem lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân trong vùng. Xưa thu nhập chỉ đủ ăn là may nhưng nay nhiều nhà đã có của ăn của để, sắm sửa đồ dùng tiện nghi nhờ thu nhập từ cây dổi.
Để thu hoạch hạt dổi, người dân địa phương thường phải chờ quả dổi chín hẳn ở trên cây rụng xuống đất rồi mới đi nhặt do cây quá cao. Quả dổi sau khi nhặt về được phơi khô, tách lấy hạt để sử dụng.
Hạt dồi thường dùng làm đồ chấm, tẩm ướp thực phẩm trước khi chế biến. Hạt dổi kết hợp cùng hạt mắc khén là những gia vị giúp cho các món ăn Tây Bắc thêm đậm đà, hấp dẫn hương vị núi rừng không lẫn vào đâu được.
Phát hiện cây dổi có giá trị kinh tế cao, nhiều người dân trong và ngoài vùng bắt tay vào trồng nên nhu cầu cây giống tăng cao. Nắm bắt điều này, một số hộ dân bắt tay vào ươm, ghép cây giống để cung cấp cho thị trường. Có hộ thu tiền tỉ mỗi năm nhờ bán cây dổi giống.
Thông thường, cây dổi ghép chỉ trồng khoảng 3-4 năm là cho thu hoạch, nhanh gấp đôi, gấp ba so với cây thực sinh. Do đó, giá bán cây ghép cũng cao hơn cây ươm nhiều lần. Mỗi cây giống ươm có giá khoảng 5.000-7.000 đồng, cây giống ghép 50.000-60.000 đồng/cây.
Sau khi trồng, thời gian 2 năm đầu, nông dân có thể bón phân hữu cơ sau đó cây sẽ tự phát triển mà không cần tốn công chăm bón. Ban đầu, cây cho thu hoạch khoảng 7-8kg hạt khô/năm, sau đó năng suất tăng dần đến khoảng 30-35kg hạt khô/năm.
Được biết, hiện toàn xã Chí Đạo có hàng chục héc ta trồng dổi với số lượng hơn chục ngàn cây, một nửa trong số đó đang cho thu hoạch. Cuối năm 2019, hạt dổi chính thức trở thành sản phẩm OCOP 3 sao của địa phương.