Trồng cây dại đầy gai, vừa chữa bệnh vừa thu lãi hàng trăm triệu
Cà gai leo là thực vật mọc hoang ở nhiều nơi trong tự nhiên, phân bố chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh miền Trung và một số tỉnh miền Nam. Nhưng phổ biến nhất vẫn ở là ở miền Bắc, đặc biệt với các địa phương có khí hậu nóng như Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam...
Tại Nghệ An, từ nhiều năm nay, cà gai leo mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ gia đình. Điển hình là ở xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, đây là năm thứ 5 địa phương này phát triển, trồng cây cà gai leo.
Ông Đậu Đức Tương, hộ trồng cà gai leo ở Quỳnh Văn cho biết, gia đình ông trồng 5 sào cà gai leo, sau 7 tháng trồng sẽ cho thu hoạch; mỗi năm thu hoạch 2 - 3 lứa và kéo dài đến 5 năm mới đào gốc già để trồng lại. Giống cây này dễ trồng, đầu tư chi phí thấp, trong khi đó lợi nhuận lại cao.
Những năm đầu mới trồng, có thời điểm thương lái thu mua từ 60.000 - 80.000 đồng/kg, nhưng sau khi mô hình này được nhân rộng, nguồn hàng ổn định nên từ năm 2018 đến nay, giá bán ở mức từ 40.000 - 60.000 đồng/kg.
Được biết, từ 1 – 2 hộ trồng, đến nay toàn xã Quỳnh Văn có khoảng hơn 50 hộ với diện tích hơn 1 ha. Mỗi năm, làng trồng cây thảo dược cung cấp ra thị trường từ 7 – 8 tấn cà gai leo đã qua phơi khô; trong đó tiêu thụ mạnh nhất vào dịp hè với sản lượng 5 – 6 tấn.
Theo bà con cho biết, cà gai leo từ khi trồng đến thu hoạch có thời gian 7 tháng, mỗi năm thu hoạch 2 - 3 lứa và kéo dài đến 5 năm mới đào gốc già để trồng lại. Giống cây này dễ trồng, đầu tư chi phí thấp, trong khi đó lợi nhuận lại cao.
Nếu ở mức giá khoảng từ 40.000 - 60.000 đồng/kg thì người trồng luôn có lãi... Sau khi thu hoạch, cà gai leo sẽ được bà con cắt ngắn lại để phơi dưới nắng, đến khi chuyển sang màu vàng rơm mới đóng gói lại.
"So với những năm trước, thời điểm này giá thu mua cà dây leo ổn định, hầu như thu hoạch đến đâu đều có thương lái đặt hàng. Để lúc nào cũng có sản phẩm thu hoạch, nhiều hộ dân đã trồng rải vụ trên đơn vị diện tích. Do nhu cầu sử dụng cà gai leo ngày càng tăng nên đôi lúc không kịp thu hoạch để bán" - một người dân ở xã Quỳnh Văn cho biết.
Bà Hồ Thị Nga (Quỳnh Văn) cho biết, đây là năm thứ 4 gia đình trồng cà gai leo. Gia đình bà Nga có 6 sào đất trồng cà gai leo với năng suất đạt từ 3 - 4 tạ (loại khô)/sào. Mỗi năm gia đình bà thu hoạch được khoảng 2 tấn cà gai leo đã phơi khô.
Nếu có mức giá ổn định 60.000 đồng/kg, gia đình bà Nga sẽ có lãi khoảng 120 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng các rau màu khác.
Ngoài trồng cà gai leo để thu hoạch lấy thân cây, nhiều hộ trên địa bàn đã tự ươm giống để bán cho người dân với giá 500 đồng/gốc. Nếu trồng để phát triển kinh tế, mỗi hộ cần phải đầu tư khoảng 10.000 - 20.000 gốc với kinh phí 5 - 10 triệu đồng.
Hiện nay, cà gai leo được thương lái thu mua để phân phối cho các nhà máy chế biến đóng gói theo công nghệ; hoặc người dân mua về sấy khô rồi bảo quản dùng dần.
Cây cà gai leo còn có những tên gọi khác như cà dây leo, cà quýnh, gai cườm, cà lù, cà vạnh… Tên khoa học là Solanum hainanense – Hance Solanaceae
Cà gai leo là vị thuốc quý được y học cổ truyền ghi nhận có nhiều tác dụng với sức khỏe đặc biệt là gan, giúp tăng cường chức năng gan, ổn định tế bào gan. Y học hiện đại cũng có nhiều công trình nghiên cứu và chứng minh cà gai leo có chứa những hoạt chất quý cho gan.