Giống như châu Âu, Mỹ sắp mạnh tay với các đại gia công nghệ

01/05/2021 19:29 GMT+7
Trong nhiều năm, Mỹ đã đứng ngoài cuộc trong các chiến dịch siết chặt luật chống độc quyền và các quy định bảo mật dữ liệu riêng tư với những gã khổng lồ công nghệ. Điều này khác hẳn xu hướng tăng cường kiểm soát ở châu Âu.

Nhưng khi giám đốc chính sách cạnh tranh thị trường của EU, bà Margrethe Vestager công bố phát hiện sơ bộ về việc Apple lạm dụng quyền lực thống trị thị trường trong phân phối ứng dụng nghe nhạc trực tuyến có sẵn trên App Store, có vẻ như Mỹ đã sẵn sàng đi theo hướng tương tự.

Vụ việc bắt nguồn từ đơn khiếu nại năm 2019 của nền tảng phát nhạc kỹ thuật số Spotify về việc Apple lợi dụng quyền lực thị trường để ưu tiên ứng dụng Apple Music do chính hãng này phát triển trong cửa hàng ứng dụng App Store. Spotfify cũng tố Apple giữ lại tới 30% phí hoa hồng với các khoản thanh toán cho các ứng dụng nhạc trực tuyến trên nền tảng App Store.

“Lập luận của Ủy ban Châu Âu đi từ cáo buộc của Spotify là ngược lại luật cạnh tranh công bằng” - Apple tuyên bố. Spotify “muốn tất cả các lợi ích từ App Store nhưng không muốn trả bất kỳ khoản tiền nào để có được lợi ích đó”.

Giống như châu Âu, Mỹ sắp mạnh tay với các đại gia công nghệ - Ảnh 1.

Giống như châu Âu, Mỹ sắp mạnh tay với các đại gia công nghệ

Cho đến nay, tại Mỹ, Apple chưa phải đối mặt với bất kỳ cáo buộc độc quyền nào, dù rằng Bộ Tư pháp Mỹ được cho là đã được cấp phép giám sát các hoạt động độc quyền của công ty này từ năm 2019.

Không riêng Apple, hàng loạt gã khổng lồ công nghệ khác cũng đang phải đối mặt với áp lực giám sát ngày càng tăng từ các chính phủ toàn cầu nói chung và trên chính quê nhà nước Mỹ nói riêng.

Khi cơ quan giám sát cạnh tranh lần đầu tiên đưa ra khoản phạt chống lại Google vào năm 2017, chưa có dấu hiệu nào rõ rệt rằng Mỹ sẽ từ bỏ mối quan hệ thân thiết với ngành công nghệ đang bùng nổ trong nước. Nhưng đến năm 2018, sau vụ bê bối dữ liệu người dùng Facebook được sử dụng bởi công ty phân tích Cambridge Analytica trong cuộc bầu cử năm 2016, ngày càng có nhiều câu hỏi rằng liệu các nền tảng công nghệ có khả năng sử dụng kho dữ liệu người dùng khổng lồ để tác động đến nền dân chủ Mỹ hay không.

Bộ Tư pháp Mỹ hiện đang tiếp tục theo đuổi vụ kiện lớn chống lại Google, nên nhiều khả năng sẽ mất một thời gian để Apple rơi vào tầm ngắm một cách triệt để. Tuy vậy, cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Bill Barr từng tuyên bố Bộ Tư pháp sẽ tiến hành một cuộc điều tra chống độc quyền trên diện rộng nhằm vào các đại công ty công nghệ Mỹ.

Ngoài khả năng bị điều tra trực tiếp bởi Bộ Tư pháp, các gã khổng lồ Mỹ như Apple còn đối diện với nhiều vụ kiện riêng.

Chẳng hạn, Epic Games gần đây đã đệ đơn kiện mức phí thanh toán trong ứng dụng App Store của Google. Vụ tranh chấp leo thang khiến Apple nổi khùng, cáo buộc Epic Games là doanh nghiệp trị giá hàng tỷ USD nhưng không muốn trả đồng nào sau khi thu được những giá trị lớn từ App Store.

Ngay tuần trước, hàng loạt nhà sản xuất ứng dụng đã điều trần trước tiểu ban Tư pháp Thượng viện Mỹ về những tác hại phản cạnh tranh mà họ phải đối mặt do các hạn chế của App Store (Apple) cũng như cửa hàng ứng dụng trực thuộc Google.

Đại diện của Apple và Google giải trình rằng họ chỉ tính phí công nghệ và phí vận hành cửa hàng ứng dụng, điều này đã giảm đáng kể chi phí phân phối cho các nhà phát triển ứng dụng trong những năm qua. Nhưng các nhà sản xuất ứng dụng như Match Group, chủ sở hữu ứng dụng Tinder hay Spotify đã vẽ nên một bức tranh khác về sức ảnh hưởng quá lớn của App Store và cửa hàng ứng dụng Google với doanh nghiệp của họ.

Apple bị cáo buộc đưa ra những quy tắc độc đoán nhằm củng cố quyền lực độc quyền. Giám đốc pháp lý của Spotify tuyên bố Apple đã nhiều lần đe dọa trả đũa nếu Spotify tiếp tục theo đuổi vụ kiện.

Thực tế, Tiểu ban Tư pháp Hạ viện về chống độc quyền đã phát hiện ra trong một cuộc điều tra kéo dài hơn một năm rằng các gã khổng lồ công nghệ như Amazon, Apple, Facebook và Google đều nắm quyền lực độc quyền.

Các nhà lập pháp Mỹ được cho là đang soạn thảo một số dự luật chống độc quyền mạnh mẽ hơn trên thị trường kỹ thuật số.


NTTD
Cùng chuyên mục