Đến lượt Ấn Độ mạnh tay với các đại gia công nghệ

20/04/2021 16:14 GMT+7
Các chuyên gia nhận định bộ quy tắc mới về truyền thông xã hội của Ấn Độ là dấu hiệu cho thấy New Delhi đang muốn siết chặt quy định với các đại gia công nghệ.

Những gã khổng lồ Internet như Facebook, Amazon và Google đã thu hút hàng tỷ người dùng toàn cầu trên các nền tảng kỹ thuật số mà họ sáng lập. Đa số các đại gia công nghệ này đều coi Ấn Độ - quốc gia với hơn 600 triệu người dùng Internet hiện tại - là động lực tăng trường quan trọng. Nhiều tập đoàn thậm chí đầu tư hàng tỷ USD vào thị trường Ấn Độ trong những năm qua.

Nhưng giờ đây, New Delhi đang thay đổi thái độ. Các quan chức Ấn Độ muốn siết chặt quy định với những gã khổng lồ công nghệ. Từ việc ngăn chặn tin tức giả mạo đến điều tra chống độc quyền, chính phủ Ấn Độ ngày càng tỏ thái độ mạnh tay.

Đến lượt Ấn Độ mạnh tay với các đại gia công nghệ - Ảnh 1.

Đến lượt Ấn Độ mạnh tay với các đại gia công nghệ

Rõ ràng, Ấn Độ không đơn độc. Các cơ quan quản lý trên khắp thế giới cũng đã tăng cường giám sát ảnh hưởng quá lớn của hàng loạt gã khổng lồ công nghệ ở Thung lũng Silicon. Từ Mỹ đến châu Âu và Úc, các chính phủ đang siết chặt quy tắc để giữ các đại gia công nghệ trong tầm kiểm soát.

Quay trở lại Ấn Độ. Vào tháng 2/2021, New Delhi đã công bố hàng loạt dự luật cải cách với các ứng dụng truyền thông xã hội như Facebook, WhatsApp và các nền tảng khác. Những nền tảng này được yêu cầu gỡ bỏ những nội dung bị chính phủ gắn cờ là “bất hợp pháp”. Quy định được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Twitter bị New Delhi khiển trách vì không kịp thời tuân thủ lệnh gỡ xuống một số nội dung mà chính phủ cho là lan truyền thông tin sai lệch liên quan đến vụ cải cách luật nông nghiệp mới.

Trisha Ray, một cộng sự tại Sáng kiến Truyền thông và Công nghệ của Quỹ Nghiên cứu Quan sát (ORF) nhận định rằng sự giám sát ngày càng tăng của New Delhi đang đẩy các đại gia công nghệ vào tình thế bất lợi.

Một động lực lớn khiến New Delhi mạnh tay như vậy sự trỗi dậy của các nền tảng công nghệ trong nước như Reliance Jio. Những nền tảng này sẽ được hưởng lợi khi chính phủ có lập trường cứng rắn hơn với các công ty công nghệ Mỹ.

Các lý do khác bao gồm tham vọng chính trị của chính phủ trong việc kiểm soát hoạt động của các gã khổng lồ công nghệ, chẳng hạn như việc Thủ tướng Narendra Modi tham vọng thúc đẩy tự lực công nghệ, sản xuất tại Ấn Độ. 

Trong khi đó, các phương tiện truyền thông xã hội hiện đại ngày càng thu hút lượng người dùng lớn với độ khuếch đại thông tin đáng kể. Đó là lý do dễ hiểu giải thích vì sao các chính phủ muốn siết chặt kiểm soát các công ty truyền thông xã hội bằng cách đặt ra những quy tắc kiểm duyệt nội dung chặt chẽ.

Apar Gupta, giám đốc điều hành tại Internet Freedom Foundation, một tổ chức tự do kỹ thuật số ở Ấn Độ đã tăng cường hoạt động giám sát trong những năm gần đây về bảo vệ dữ liệu, quyền riêng tư, can thiệp bầu cử và sai lệch thông tin trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, một số chuyên gia quan ngại rằng luật truyền thông xã hội mới của Ấn Độ được giới thiệu và thực hiện mà không có sự tham vấn của cộng đồng. Mối quan ngại lớn nhất là các quy tắc có nguy cơ làm suy yếu quyền người dùng cũng như quyền tự do dân sự. Dù vậy, đa số các nhà quan sát đồng tình rằng cần có những thay đổi để các công ty truyền thông xã hội ở Ấn Độ hoạt động theo cách minh bạch và có trách nhiệm hơn trong các lĩnh vực như thông tin bầu cử sai lệch hay bảo mật thông tin cá nhân.

Các gã khổng lồ công nghệ hiện chưa có phản ứng nào sau tuyên bố của New Delhi. Nhưng các nhà phân tích dự báo phản ứng sẽ không mạnh mẽ như cách Google và Facebook chống lại luật truyền thông mới của nước Úc. Cho đến nay, chưa có gã khổng lồ công nghệ nào đe dọa rút khỏi thị trường Ấn Độ sau những dự luật sửa đổi này.

Một nhà quan sát từ Tandem Research giải thích rằng Ấn Độ là thị trường tiềm năng béo bở cho những gã khổng lồ internet và mục tiêu quan trọng của những gã khổng lồ này là duy trì quyền truy cập và sự hiện diện trên thị trường.


NTTD
Cùng chuyên mục