Hà Giang: Bản người Dao trên dãy núi Tây Côn Lĩnh đẹp như miền cổ tích, thơm lừng thứ trà độc nhất vô nhị

Bình Minh - Ngọc Huyền Thứ sáu, ngày 31/12/2021 06:26 AM (GMT+7)
3 thôn Nà Thác, Khuổi My, Lùng Vài thuộc xã Phương Độ, TP Hà Giang (tỉnh Hà Giang) nổi tiếng bởi vẻ đẹp hoang sơ, hùng vỹ của ruộng bậc thang cùng những nếp nhà phủ đầy rêu phong. Đặc biệt, đồng bào người Dao nơi đây còn có bí kíp bảo quản trà Shan Tuyết trong ống tre, nứa trên gác bếp.
Bình luận 0

CLIP: Bí kíp bảo quản trà Shan Tuyết trong ống lam để trên gác bếp của đồng bào người Dao ở xã Phương Độ, TP Hà Giang (tỉnh Hà Giang). Thực hiện: Ngọc Huyền

Miền cổ tích với những mái nhà lợp lá cọ phủ đầy rêu xanh

Thuộc TP Hà Giang nhưng Khuổi My lại là thôn bản vùng cao nằm trên sườn núi Tây Côn Lĩnh, quanh năm chìm trong sương mù. Thôn Khuổi My có 50 hộ thì đều là đồng bào dân tộc Dao.

Chỉ cách TP Hà Giang chừng chục cây số nhưng trước đây, muốn đến trung tâm xã, bà con trong thôn phải đi bộ cả ngày trời, cuộc sống gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Đường lên Khuổi My giờ đây đã được đổ bê tông, tuy nhỏ hẹp và dốc nhưng cũng dễ đi hơn.

Hà Giang: - Ảnh 2.

Đường lên thôn Khuổi My, xã Phương Độ, TP Hà Giang (tỉnh Hà Giang) đã được trải bê tông. Ảnh: Bình Minh

Trò chuyện với tôi, anh Bàn Văn Nọi, ở thôn Khuổi My bảo, 2 thời điểm nổi bật để tham quan Khuổi My là vào mùa nước đổ ở trung tuần tháng 5, tháng 6 và mùa lúa chín cuối tháng 9 đầu tháng 10.

Tôi được anh Nọi dẫn đi thăm quan thôn Khuổi My, điều làm tôi ấn tượng đầu tiên là bên trên các nếp nhà của người dân, hình ảnh những mái ngói phủ đầy rêu xanh đem lại cảm giác cổ kính, bí ẩn và cuốn hút lạ thường. Anh Nọi nói với tôi rằng, nhìn vào các lớp rêu có thể đoán được độ tuổi của căn nhà.

"Ngày nay nhiều hộ dân trong thôn đã đổi mái lá thành mái tôn đỏ nhưng hầu hết những mái nhà trong thôn vẫn phủ một màu rêu phong đặc trưng như một dấu ấn về một nét văn hóa xa xưa ở vùng cao", anh Nọi chia sẻ.

Hà Giang: - Ảnh 3.

Hà Giang: - Ảnh 4.

Điểm nổi bật khi đến thôn Khuổi My là những ngôi nhà được lợp bằng lá cọ phủ đầy rêu xanh. Ảnh: Bình Minh

Một chi tiết nữa khiến tôi ấn tượng là hầu hết nhà của đồng bào dân tộc Dao ở Khuổi My đều có một cái ao nhỏ trước nhà để chứa nước khe và tận dụng nguồn nước đó phục vụ cho mục đích tưới cây, nuôi cá...

Ở Khuổi My, ngoài cảnh đẹp hoang sơ, kỳ bí của thiên nhiên, đằng sau đó còn là cuộc sống đầy sắc màu văn hóa của đồng bào người Dao nơi đây. Anh Nọi cho tôi biết, thu nhập của người dân trong thôn đến từ việc trồng lúa nước, thu hái thảo quả và chè shan tuyết trên sườn dãy Tây Côn Lĩnh.

Hà Giang: - Ảnh 5.

Người Dao ở 3 thôn Nà Thác, Khuổi My, Lùng Vài hái trà Shan Tuyết trên núi Tây Côn Lĩnh. Ảnh: Bình Minh

Hà Giang: - Ảnh 6.

Mái nhà lợp lá cọ phủ đầy rêu xanh của người Dao ở thôn Khuổi My. Ảnh: Bình Minh

Ở xã Phương Độ, các thôn nối liền nhau bởi những cây cầu treo, tạo nên nét khác biệt độc đáo, hấp dẫn mỗi khi có khách khám phá. Hai bên đường đi được người dân trồng nhiều cây đào.

Hà Giang: - Ảnh 7.

Các thôn ở xã Phương Độ nối nhau bằng những cây cầu. Ảnh: Bình Minh

Cách bảo quản trà độc nhất vô nhị

Tôi đến thăm gia đình ông Lý Văn Thăn ở thôn Nà Thác, thú vị hơn nữa là được ông giới thiệu về cách bảo quản trà trong ống tre, nứa, sau đó hơ trên khói lửa.

Ông Thăn cho biết, người Dao lựa chọn cây shan tuyết để làm trà, những cây chè cổ thủ hàng nghìn năm tuổi sống trên đỉnh núi Tây Côn Lĩnh.

"Trước đây khi công nghệ bảo quản còn chưa phát triển, người Dao thường bảo quản trà bằng cách dùng lá chuối, lá dong gói chặt lại. Sau đó họ nhận ra cách bảo quản trà như vậy rất nhanh hỏng và có mùi hôi", ông Thăn chia sẻ.

Hà Giang: - Ảnh 8.

Ông Lý Văn Thăn ở thôn Nà Thác, xã Phương Độ giới thiệu về cách bảo quản trà shan tuyết trong ống tre, ống nứa. Ảnh: Ngọc Huyền

Ông Thăn chia sẻ với tôi rằng, người Dao thường bảo quản cơm trong ống lam được thời gian rất lâu, nên họ cũng thử đem trà cho vào ống nứa mang lên gác bếp xem sao. 

Sau đó, nhận ra trà có hương vị rất lạ miệng và mùi hương riêng biệt, để thời gian dài đến vài năm mà không thấy bị mốc. Từ đấy trở đi người Dao truyền tai nhau cách làm này.

Để làm ra được trà ống lam mất nhiều thời gian công sức hơn cách làm truyền thống. Đầu tiên, phải nói đến công đoạn đi hái trà, người Dao rất kỹ trong việc chọn thời điểm phù hợp.

Đồng bào hái vào ngày có nắng, kiêng kỵ ngày mưa, thời điểm tốt nhất vào sáng từ 8h-11h, chiều từ 13h-16h bởi lúc này sương mù không còn, lá trà sẽ được khô ráo. Trong năm thu hoạch trà vào tháng 3 sẽ là ngon nhất.

Hà Giang: - Ảnh 9.

Hà Giang: - Ảnh 10.

Theo ông Thăn, sau khi hái trà xong thì khâu quan trọng nhất là xào (rang) trà khô và hơ lửa. Ảnh: Ngọc Huyền

Sau khi hái trà xong thì khâu quan trọng nhất là xào (rang) trà khô và hơ lửa, bởi người có kinh nghiệm sẽ biết cách sử dụng lửa ở thời gian và nhiệt độ phù hợp, chỉ cần hơi quá lửa một chút coi như là vứt đi.

Trà được hái kiểu một tôm một lá rồi về làm mát, tức là phơi lá trà cho khô và hơi héo một chút. Tiếp đến công đoạn rang khô cũng là diệt men trà, ở khâu này người làm phải thật khéo léo giữ lửa để cho trà chín kỹ không còn vị ngái, lửa to nhanh cháy, lửa nhỏ quá gây ỉu và không ra chất trà.

Hà Giang: - Ảnh 11.

Hà Giang: - Ảnh 12.

Ông Thăn bảo, trung bình ống trà lam gác bếp ủ 3 tháng sẽ được sử dụng. Ảnh: Ngọc Huyền

Khi xào chín được đến 90% thì lập tức bỏ trà ra khỏi bếp để thật nguội, tiếp tục cho lên quay tầm 5 phút và để lửa thật to đến khi thấy trà đủ độ giòn và hương thơm ngào ngạt mùi cốm tỏa ra là được.

Đây cũng được gọi là công đoạn lấy hương. Những thủ thuật này phải được người có kinh nghiệm làm trà lâu năm mới biết và đó chính là sự khác nhau về chất lượng trà.

Việc chọn ống nứa lam trà phải chọn cây có đủ độ già khoảng 2 năm tuổi, nếu chọn cây non quá khi hơ trên lửa sẽ bị cháy trà bên trong.

Cuối cùng là nhồi trà thật chặt vào ống nứa, nắp ống bằng lá trà già khô, hơ trên lửa đến khi ống nứa đủ độ khô và để gác lên bếp, thi thoảng cần phải hơ qua lại để trà luôn giữ được vị thơm nguyên vẹn. Khi để như vậy là trà đã lên men tự nhiên.

Hà Giang: - Ảnh 13.

Hiện trà Shan Tuyết bảo quản trong ống lam của đồng bào dân tộc Dao thôn Nà Thác, xã Phương Độ, TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang có giá 1,5 triệu đồng/kg. Ảnh: Ngọc Huyền

Ông Thăn bảo, trung bình ống trà lam gác bếp ủ 3 tháng sẽ được sử dụng, nhưng để mà ngon nhất thì phải 1 năm trở lên nước trà sẽ chuyển sang màu vàng óng như mật ong, đủ độ men uống rất ngon và thơm. Khi pha trà nên sử dụng ấm gốm và nước ở nhiệt độ 90-100 độ C, trà chỉ nên để khoảng 6 phút là có thể uống.

Khi thưởng thức tách trà ống lam, người dùng có thể cảm nhận được vị chan chát và ngọt tự nhiên của trà shan tuyết ngấm dần ở cuối họng hòa quyện với khói bếp cùng vị thơm nhẹ của nứa khiến cho ai từng nếm thử nhớ mãi không quên.

Ông Thăn cũng tiết lộ với tôi, từ khi chuyển sang cách làm trà ống lam, thu nhập của gia đình ông đã tăng lên đáng kể, trước đây, trà shan tuyết bán thô có giá từ 400.000 – 600.000 đồng/kg. Nhưng hiện nay đã có giá khoảng 1,5 triệu đồng/kg.





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem