Hà Giang: Gỡ khó cho 32 dự án đầu tư ngoài ngân sách đang chậm tiến độ
Theo đó, sau hơn 2 năm được UBND tỉnh Hà Giang trao Giấy chứng nhận đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2017, hiện mới có 3/20 dự án hoàn thành, đi vào sản xuất, kinh doanh; 4 dự án đang triển khai san ủi mặt bằng và xây dựng hạ tầng; 10 dự án đang chuẩn bị đầu tư, trong đó có một dự án hoàn thành bồi thường, GPMB; 3 dự án ngừng triển khai. Trong số 17 dự án cam kết đầu tư, có 2 dự án đảm bảo tiến độ triển khai, 12 dự án chậm tiến độ, 3 dự án ngừng triển khai.
Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Giang: Ngay sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2017, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố phối hợp hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư dự án. Thường trực UBND tỉnh nhiều lần cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương làm việc với nhà đầu tư, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc để tìm giải pháp tháo gỡ, giải quyết; tỉnh thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các dự án... Tuy nhiên, đến nay phần lớn các dự án đang chậm tiến độ.
Từ quá trình kiểm tra, giám sát và các cuộc họp tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, nguyên nhân khiến các dự án chậm tiến độ được chỉ rõ, như: Địa điểm đầu tư nhiều dự án chưa phù hợp với quy hoạch, nhất là các dự án nằm trong quy hoạch Khu kinh tế tỉnh, quy hoạch vùng Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; quy trình, thủ tục đầu tư còn chồng chéo, chưa rõ ràng, khiến quá trình tham mưu, thực hiện, hướng dẫn của các sở, ngành lúng túng, mất nhiều thời gian; công tác phối hợp giữa doanh nghiệp và chính quyền chưa thường xuyên, các tổ công tác hỗ trợ giải quyết thủ tục đầu tư dự án tại một số dự án chưa phát huy được hiệu quả; năng lực của một số nhà đầu tư yếu, hầu hết nhà đầu tư ngoại tỉnh chưa bố trí đội ngũ cán bộ triển khai dự án tại tỉnh để phối hợp với các đơn vị chuyên môn và chính quyền địa phương thực hiện các thủ tục đầu tư...
Ngoài những nguyên nhân trên, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) nhiều dự án bị chậm tiến độ do người dân không đồng thuận với các phương án đền bù, GPMB. Nguồn ngân sách của tỉnh dành cho công tác này còn hạn chế, trong khi các thủ tục ứng, bố trí kinh phí đền bù, GPMB của nhà đầu tư còn chậm.
Trước những khó khăn của các dự án đầu tư ngoài ngân sách, nhiều giải pháp được các sở, ngành của tỉnh Hà Giang đề xuất, như: Với các vướng mắc về thủ tục pháp lý, trước mắt cần hoàn thành đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị tại 4 huyện vùng Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; quy hoạch chung xây dựng thành phố Hà Giang đến năm 2035; quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các dự án khu đô thị mới, khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, vui chơi giải trí; phối hợp với các bộ, ngành T.Ư để có hướng dẫn thực hiện các dự án thuộc khu vực khoanh vùng, bảo vệ các di tích, danh thắng quốc gia, khu vực rừng tự nhiên là rừng nghèo kiệt trên địa bàn tỉnh...
Riêng các vướng mắc về đền bù, GPMB, cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và các ngành chức năng, đảm bảo tiến độ giao đất thực hiện dự án theo kế hoạch; nhà đầu tư phối hợp chặt chẽ với tỉnh để thống nhất giải pháp tháo gỡ khó khăn về kinh phí đẩy nhanh tiến độ GPMB...
Tuy nhiên, đối với các dự án vi phạm, không thực hiện theo chỉ đạo của tỉnh, hướng dẫn của các đơn vị chuyên môn, cần kiên quyết xử lý, chấm dứt, thu hồi chủ trương, tạo môi trường đầu tư lành mạnh, thực chất. Đây cũng là giải pháp nâng cao trách nhiệm của các nhà đầu tư.