Hà Nam: Kỳ lạ cứ lúa lên là ốc bươu vàng "mọc" dày đặc trên ruộng, nông dân ngán ngẩm

Võ Hồng Nhân Thứ hai, ngày 29/03/2021 12:15 PM (GMT+7)
Nhiều diện tích lúa tại xã Liêm Phong (Thanh Liêm, Hà Nam) bị ốc bươu vàng cắn đứt ngọn, ăn hết cả cây khiến người dân lo lắng. Dù đã có nhiều biện pháp xử lý, nhưng người dân đành lắc đầu bó tay với loại ốc này.
Bình luận 0

10h sáng ngày 24/3, vừa từ ngoài đồng về, gặp chúng tôi bà Lại Thị Thơm ( 50 tuổi, thôn Yên Thống, xã Liêm Phong, Thanh Liêm) than thở về việc ốc bươu vàng ăn lúa. Bà cho biết ốc bươu vàng hoành hành suốt thời gian dài nhưng không có biện pháp xử lý.

Cầm cả túi ốc trên tay, bà Thơm nói: "Khổ quá chú ơi, vừa gieo sạ được thời gian thì ốc bươu vàng xuất hiện nhiều quá, cắn hết lúa. Ốc bươu vàng sinh sôi nảy nở quá nhanh, dày đặc trên đồng ruộng, cắn phá tan tành, tôi chưa thấy loài nào ăn tạp như loại này. Giờ nhìn trên ruộng, cứ loang lổ, đoạn thì lúa nhiều, đoạn không có cây nào".

Hà Nam: Nạn ốc bươu vàng hoành hành, nông dân hết cách - Ảnh 1.

Bà Đỗ Thị Phi (68 tuổi, thôn Yên Thống) ngán ngẩm nhặt từng nắm ốc bươu vàng dưới ruộng bỏ lên bờ.

Nhiều năm gần đây, nạn ốc bươu vàng sinh sôi phát triển mạnh khiến việc sản xuất của người dân Liêm Phong gặp muôn vàn khó khăn. Để đối phó với tình trạng này, trước khi bắt đầu gieo lúa, người dân đã xử lý đất kỹ, phun thuốc diệt ốc nhưng không hiểu sao cứ lúa lên, nước lên là có ốc bươu vàng.

Vừa bỏ thuốc diệt ốc lần thứ 5 trên sào ruộng nhà mình về, ông Tô Tiến Văn kể: "5 lần bỏ thuốc rồi, mà có hết đâu, cứ ít hôm lại thấy ốc xuất hiện. Lúa bị ốc cắn nổi cả ruộng. Mà mỗi lần xử lý thuốc diệt ốc có rẻ đâu, cứ 200.000 đồng/lượt, rồi còn thuê người bỏ thuốc với giá 30.000 đồng/sào", ông Tiến kể.

Hà Nam: Nạn ốc bươu vàng hoành hành, nông dân hết cách - Ảnh 2.

Ông Tiến đưa chúng tôi ra ruộng lúa để tận thấy việc ốc bươu vàng ăn lúa.

Dẫn chúng tôi ra tận ruộng xem ốc bươu vàng ăn lúa, ông Tiến bất lực nói: "Cả làng này đều bị thế, bao năm rồi không xử lý được, chính quyền cũng có khuyến cáo nhưng nói thế thôi, người dân chúng tôi vẫn cần giải pháp.

Bỏ thì thương mà vương thì tội, đã làm lên cây lúa rồi mà không chăm thì không được, nhưng cứ cấy lúa lên là bị cắn".

Đứng trên bờ ruộng nhà ông Tiến, chúng tôi cũng có thể ngửi thấy mùi thuốc diệt ốc nồng nặc. 

Hà Nam: Nạn ốc bươu vàng hoành hành, nông dân hết cách - Ảnh 3.

Người dân bất lực trước nạn ốc bươu vàng ăn lúa.

Đang trong câu chuyện với ông Tiến, bà Thơm chen vào nói: "Sau khi bỏ thuốc ốc, chúng tôi đi cấy lúa nhưng về mặt mày cứ sưng lên, tôi nghĩ do ảnh hưởng của thuốc. Nhưng không làm thì để ít hôm ốc lại đầy ra, không cấy được".

Đứng cạnh, ông Tô Văn Bá (47 tuổi, người dân thôn Yên Thống) dùng tay mò một lúc dưới ruộng bốc lên cả nắm ốc đưa cho chúng tôi xem, để lấy dẫn chứng ốc to, ốc bé đủ cả.

Theo ông Bá, trước đây có người thu mua ốc bươu vàng về làm thức ăn cho gia cầm, nhân dân tích cực bắt nên lượng ốc cũng vơi bớt. Nhưng nhiều năm trở lại đây, không ai thu mua nên ốc bươu vàng chưa có hướng xử lý hiệu quả.

Hà Nam: Nạn ốc bươu vàng hoành hành, nông dân hết cách - Ảnh 4.

Nông dân Lại Thị Hà (60 tuổi) chỉ cho phóng viên đoạn phía xa ruộng lúa bị ốc bươu vàng cắn hết.

Mang tâm tư của người dân lên HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Liêm Phong trao đổi, ông Nguyễn Văn Lung (Giám đốc HTX) cho biết, nạn ốc hoành hành tại xã Liêm Phong đã nhiều năm nay nhưng chưa có giải pháp xử lí hiệu quả.

Hà Nam: Nạn ốc bươu vàng hoành hành, nông dân hết cách - Ảnh 5.

Lúa bị ốc bươu vàng cắn nổi trên mặt nước.

"Nhà tôi cũng có gần mẫu lúa, vẫn phải mua thuốc và xử lý thủ công. Chúng tôi cũng có khuyến cáo và hướng dẫn người dân các giải pháp để bảo vệ cây lúa trước nạn ốc nhưng chỉ được phần nào thôi. Việc này chắc chắn ảnh hưởng tới năng suất tới cây lúa, bởi lúa bị cắn, bị ăn thì lấy đâu lúa mà trổ bông".

Ốc bươu vàng là sinh vật ngoại lai có tốc độ sinh sản rất nhanh và là đối tượng gây hại nguy hiểm trên đồng ruộng. Chúng có thể sống đến 6 tháng trong điều kiện khô hạn. Khi gặp nước, chỉ cần một đêm là chúng hoạt động trở lại bình thường.

Ốc cái từ 2 - 3 tháng tuổi bắt đầu sinh sản. Chúng đẻ trứng thành từng ổ, mỗi ổ khoảng 200 - 300 trứng trong khoảng 3 giờ. Nếu điều kiện thích hợp, số lượng trứng có thể lên tới 500 - 600 trứng/ổ.

Ốc non nở, rơi xuống nước, nổi lập lờ trên mặt nước, 2 ngày sau thì vỏ cứng, lớn rất nhanh và trở thành kẻ phàm ăn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem