Hà Nội: Cấy giống lúa TBR225 nông dân không lo đầu ra, lên bờ là có tiền

An Nhiên Chủ nhật, ngày 28/05/2023 13:13 PM (GMT+7)
Giống lúa TBR225 có năng suất cao, chất lượng gạo ngon được nhiều công ty đặt vấn đề liên kết bao tiêu sản phẩm với phương thức gặt đến đâu cân tại ruộng đến đó. Không còn phải lo lắng đầu ra cho sản phẩm, bà con rất phấn khởi.
Bình luận 0

Đó là những tín hiệu rất tích cực từ mô hình sản xuất lúa chất lượng cao hàng hoá theo tiêu chuẩn xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội.

Cấy giống lúa TBR225 nông dân không lo đầu ra, lên bờ là có tiền.

 Giống lúa TBR225 cho năng suất cao, đạt 68 tạ/ha

Thực hiện kế hoạch Phát triển sản xuất lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu giai đoạn 2021 -2025 của UBND TP.Hà Nội, vụ xuân 2023 Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã triển khai 12 mô hình sản xuất lúa chất lượng cao tại 11 xã thuộc 5 huyện trên địa bàn thành phố, trong đó có 190ha sử dụng giống lúa TBR225 của Tập đoàn ThaiBinh Seed.

Đến nay, theo đánh giá của các sở ban ngành Tp.Hà Nội, kết quả thực hiện mô hình cơ bản đã đạt được 3 tiêu chí đó là: năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Là một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu, ông Đinh Trọng Bổng, Chủ tịch UBND xã Liên Hiệp (Phúc Thọ, Hà Nội) cho biết: Giống lúa TBR225 của Tập đoàn ThaiBinh Seed đã được địa phương đưa vào sản xuất từ năm 2017. Giống lúa này cho chất lượng cao, được bà con nông dân rất tin tưởng. 

Sự tin tưởng đó được thể hiện bằng chính diện tích sản xuất lúa TBR225 trên đồng ruộng. Ngoài diện tích 50 ha thực hiện mô hình theo chương trình của thành phố hỗ trợ, trên địa bàn xã Liên Hiệp còn 70 ha sản xuất giống lúa TBR225 do nhân dân tự triển khai. Vì vậy, đến nay trong tổng diện tích 131,2ha trồng lúa của toàn xã thì có tới 120 ha giống lúa TBR225.

"Điều mà chúng tôi ghi nhận giống lúa TBR225 cho năng suất rất cao, đạt 68 tạ/ha, thậm chí có ruộng còn cao hơn. Đây là điều rất đáng mừng", ông Bổng cho biết thêm.

Cấy giống lúa TBR225 bà con nông dân Hà Nội lên bờ là có tiền - Ảnh 1.

Mô hình sản xuất giống lúa TBR225 tại huyện Phúc Thọ (Tp. Hà Nội)

Khi được hỏi về chất lượng giống lúa TBR225, nhiều nông dân xã Liên Hiệp đều chung nhận xét: TBR225 là giống lúa chất lượng cao, sức chống chịu sâu bệnh tốt, dễ chăm sóc, giảm được khá nhiều chi phí so với một số giống lúa khác.

Bà Nguyễn Thị Xuân (xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ) chia sẻ: "Chúng tôi rất thích giống lúa TBR225 ở chỗ kháng bệnh, hãn hữu lắm chúng tôi mới phải sử dụng đến thuốc bảo vệ thực vật. Kể cả bón phân cũng không tốn, nếu như các giống lúa khác chúng tôi phải bón thêm 1-2kg nữa mới được ăn thì giống lúa TBR225 này chúng tôi còn phải bớt đi".

Theo Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vụ xuân 2023 thời tiết ít mưa, thiếu ánh sáng, các đợt không khí lạnh và nóng ẩm xem kẽ đã tạo điều kiện cho các loại sâu bệnh hại như đạo ôn, khô vằn, rầy nâu phát triển. Dù vậy, năng suất và chất lượng mô hình giống lúa TBR 225 vẫn được duy trì ổn định, hiệu quả kinh tế đạt khoảng 26 triệu đồng/1 ha/vụ, cao hơn 12 triệu đồng/ha/vụ so với giống đối chứng Khang dân 18.

Nhiều công ty đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm giống lúa TBR225

Không những cho hiệu quả kinh tế cao mà khi đưa giống lúa TBR225 vào sản xuất người nông dân không phải lo lắng về đầu ra sản phẩm, bởi đây là giống lúa có chất lượng gạo ngon được người tiêu dùng rất ưa chuộng, thương lái thu mua với giá cao vì lợi gạo.

img
img

Các đại biểu và bà con nông dân Hà Nội đánh giá chất lượng gạo của giống lúa TBR225.

Bà Lê Thị Xiêm, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Minh (Thanh Oai, Hà Nội) cho biết: Diện tích sản xuất lúa của xã Bình Minh là 396 ha, riêng giống lúa TBR225 đã chiếm xấp xỉ 100ha. Lúa sinh trưởng, phát triển tốt, khoẻ, chất lượng gạo dẻo, thơm và ăn rất ngon, ai cũng thích. Đặc biệt, việc tiêu thụ sản phẩm ra thị trường rất thuận lợi.

Rất nhiều công ty đến đặt vấn đề với HTX để bao tiêu sản phẩm theo phương thức lúa gặt đến đâu cân tại ruộng đến đó nên bà con rất phấn khởi. Có những hộ cấy hàng hecta giống lúa TBR 225. Nhờ đó, diện tích lúa bị bỏ hoang trên địa bàn xã ngày càng được thu hẹp lại.

Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp TP.Hà Nội, bà Hoàng Thị Hoà chia sẻ: Xác định công tác tiêu thụ sản phẩm là khâu then chốt để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững nên ngay từ đầu vụ, Trung tâm đã kết nối với các doanh nghiệp để hỗ trợ bao tiêu sản phẩm. Đến nay, đã có 5 doanh nghiệp tham gia ký kết với các HTX để tiêu thụ lúa gạo cho bà con.

Cấy giống lúa TBR225 bà con nông dân Hà Nội lên bờ là có tiền - Ảnh 3.

Giống lúa TBR225 có chất lượng gạo ngon, được người tiêu dùng ưa thích nên đầu ra rất thuận.

Ông Kiều Trọng Sỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cho biết: Toàn huyện Phúc Thọ có diện tích trồng lúa khoảng 3.700ha. Vì vậy, huyện Phúc Thọ rất quan tâm tới phát triển nông nghiệp, trong đó chuyển đổi từ giống cây, con truyền thống sang cây con mới với việc xác định chất lượng là yêu cầu đầu tiên.

 Từ năm 2022, huyện Phúc Thọ đã chuyển đổi 390ha sang trồng lúa chất lượng cao theo hướng xuất khẩu. Đến nay, kết quả rất mừng, các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 20 -25 triệu đồng/ha/năm so với sản xuất lúa thường.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ, việc xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao có sự liên kết bao tiêu sản phẩm như giống lúa TBR225 là rất quý, huyện Phúc Thọ sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

"Từ kết quả mô hình sản xuất giống lúa chất lượng cao TBR225 chúng tôi hy vọng và cũng kỳ vọng nông nghiệp huyện Phúc Thọ năm 2023 sẽ có nhiều khởi sắc, chuyển biến tích cực, góp phần vào tốc độ tăng trưởng phát triển kinh tế của huyện Phúc Thọ nói riêng và Tp.Hà Nội nói chung", ông Kiều Trọng Sỹ chia sẻ.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem