Hà Nội lập các trạm thu phí phương tiện vào nội đô ở vị trí nào?
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.Hà Nội (Tramoc) vừa báo cáo Sở GTVT Hà Nội kết quả nghiên cứu thực hiện Đề án: "Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào".
Theo phương án thu phí, việc thu phí sẽ được thực hiện bên trong đường Vành đai 3. Giai đoạn 1 thực hiện thí điểm thu phí theo điểm (theo vị trí) nhằm giảm lưu lượng xe ô tô từ xa, từ đó giảm tình trạng ùn ứ giao thông trên một số trục chính.
Cụ thể, bố trí các cổng thu phí nằm trên một số trục chính hướng vào nội đô có lưu lượng giao thông cao có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, vị trí các cổng thu phí nằm ngoài vành đai 3.
Các vị trí thu phí gồm có Trần Duy Hưng, Giải Phóng, Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp, Ngô Gia Tự, QL1A trên các trục giao thông như Nguyễn Trãi, Hồ Tùng Mậu, Lê Văn Lương, Trần phía Bắc. Tổng cộng giai đoạn 1 dự kiến xây dựng 15 trạm thu phí tại 9 vị trí.
Giai đoạn 2: Sau khi thí điểm, đánh giá việc thu phí mang lại hiệu quả, tiếp tục đầu tư xây dựng 59 cổng thu phí tại 46 vị trí nhằm mở rộng khu phí toàn bộ vành đai 3 phía bờ nam sông Hồng.
Giai đoạn 3: Tiếp tục đầu tư xây dựng 13 cổng thu phí tại 13 vị trí nhằm mở rộng khu vực thu phí sang bờ Bắc sông Hồng.
Sau giai đoạn 3, dự kiến có 68 vị trí với 87 cổng thu phí. Vị trí các cổng thu phí đặt bên trong ranh giới khu vực thu phí (bố trí trên các đường hướng tâm từ bên ngoài vào trung tâm thành phố) để các phương tiện quá cảnh lưu thông trên vành đai không phải trả phí.
Theo Tramoc, các vị trí và số lượng đặt cổng thu phí mới là khảo sát sơ bộ. Cụ thể từng vị trí và số lượng cổng sẽ được xác định đầy đủ trong bước lập dự án đầu tư xây dựng.
Kết quả điều tra xã hội học cho thấy mức phí chấp nhận được của người dân là 22,3 ngàn đồng. Nếu thu phí ở mức này, sẽ có khoảng 55% người sử dụng phương tiện sẽ chấp nhận trả phí để đi lại nhanh chóng bằng các phương tiện xe ôtô 4 chỗ, số còn lại sẽ chuyển sang các phương tiện khác được miễn hoặc giảm phí.
Vì vậy, mức phí tối thiểu phải lớn hơn mức sẵn sàng chi trả của người dân thì mới có tác dụng điều tiết hành vi giao thông. Việc thu phí không đặt mục tiêu lợi nhuận.
Số tiền thu được từ phí dùng để bù đắp chi phí vận hành và bảo trì (O&M) hàng năm. Sau khi bù hết chi phí O&M và chi phí đầu tư hệ thống thu phí, số tiền thu được còn lại sẽ nộp vào ngân sách thành phố và được sử dụng cho các mục đích nâng cao năng lực hệ thống giao thông đô thị, giảm ùn tắc giao thông của thành phố.
Đáng chú ý, đại diện đơn vị tư vấn đề án của Trường GTVT cho biết, qua nghiên cứu, đánh giá, khi thực hiện thu phí sẽ giảm khoảng 20% lưu lượng giao thông đi vào khu vực thu phí, từ đó giảm ùn tắc giao thông.
Theo phương án tổ chức giao thông vành đai thu phí đối với phân luồng giao thông: Trước khi xe tới các cổng thu phí sẽ có các biển báo cảnh báo, chỉ dẫn cho các người điều khiển phương tiện biết rằng họ sắp đi vào thu vực thu phí.
Cùng đó, sẽ có các phương án kết nối giao thông tại các điểm trung chuyển, các điểm dừng xe buýt phục vụ vùng thu phí. Có phương án phân luồng và tổ chức giao thông xung quanh các tuyến đường có bố trí cổng thu phí, bố trí các bãi đỗ xe và trung chuyển (bãi Park&Ride -P&R)
Bố trí các bãi P&R gần với các ga đường sắt đô thị, xe buýt nhanh (BRT), điểm dừng đỗ xe buýt và gần với các vành đai thu phí. Các bãi đỗ P&R bố trí trong phạm vi đi bộ thuận lợi, tối đa không quá 300 m so với các ga, điểm dừng đỗ tuyến vận tải công cộng.
Hệ thống mạng lưới vận tải công cộng bằng xe buýt cũng sẽ được điều chỉnh phù hợp với các cổng thu phí. Phương án vận tải công cộng đảm bảo kết nối cho hành khách trong trường hợp không muốn trả phí thì vẫn có thể di chuyển được.