Hà Nội: Chi tiết vị trí mới của 36 trụ sở Bộ, ngành quy mô 90ha vừa được Chính phủ phê duyệt

Thái Nguyễn Thứ hai, ngày 24/04/2023 19:35 PM (GMT+7)
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 423/QĐ-TTg phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030.
Bình luận 0

Trụ sở Bộ, ngành mới tập trung ở các khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì

Theo đồ án quy hoạch vừa được Chính phủ phê duyệt, hệ thống trụ sở Bộ, ngành mới của 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và nhiều cơ quan trung ương khác sẽ đặt tại 2 khu vực là Mễ Trì và Tây Hồ Tây của Hà Nội.

Trong đó quy mô lập Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu trụ sở Bộ, ngành Trung ương tập trung tại khu Tây Hồ Tây khoảng 35 ha, gồm 20,7 ha thuộc phường Xuân La, quận Tây Hồ) và 14,3 ha tại phường Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm.

Cụ thể, khu Tây Hồ Tây sẽ bố trí 13 trụ sở làm việc có hình khối kiến trúc thống nhất. Các công trình trụ sở được xây dựng chiều cao 12 - 25 tầng, các khối công cộng phụ trợ, dịch vụ thương mại cao 6-24 tầng, thống nhất chỉ giới xây dựng lùi so với mặt đường chính là 20 m.

Chính phủ phê duyệt vị trí mới của 36 trụ sở Bộ, ngành với quy mô 90ha - Ảnh 1.

36 trụ sở Bộ, ngành Trung ương mới tập trung tại khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì

Trụ sở các bộ ngành được bố trí trên từng lô đất, được tổ hợp từ nhiều công trình kiến trúc tạo nên tổ hợp sinh động, có nhịp điệu, có khoảng trống cho cây xanh, có mối liên hệ với các công trình lân cận. Ngoài ra kiến trúc công trình sẽ được thiết kế theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ, giải pháp kiến trúc xanh....

Trong giờ hành chính có thể hạn chế người dân sử dụng để đảm bảo hạn chế tiếng ồn tác động đến hoạt động hành chính, buổi tối có thể tổ chức thành tuyến phố đi bộ sinh động, phục vụ chung cho cộng đồng.

Trục không gian mở là trục đi bộ, tiếp cận chủ đạo của cán bộ làm việc thường xuyên sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

Còn tại khu Mễ Trì dự kiến có 23 trụ sở Bộ ngành Trung ương với diện tích khoảng 55 ha, trong đó khoảng 43,6 ha thuộc phường Mễ Trì và khoảng 11,4 ha thuộc phường Trung Văn.

Trụ sở Bộ, ngành làm việc ở đây được thiết kế cao 17-25 tầng, giáp với tuyến đường đại lộ Thăng Long, đường Cương Kiên. Trung tâm của khu quy hoạch là công viên hồ cảnh quan gắn với các công trình công cộng, trung tâm hội nghị tạo nên không gian mở sinh thái cho khu trụ sở.

Theo quy hoạch sẽ phân tách các luồng giao thông phục vụ khách đến làm việc, giao thông cho cán bộ đến làm việc và giao thông nội bộ trong khu trụ sở bằng các phương tiện công cộng, để đảm bảo không chồng chéo luồng giao thông và quản lý hoạt động vận hành khu trụ sở được thuận lợi.

Vị trí trụ sở Bộ, ngành cũ ưu tiên sử dụng làm bãi gửi xe, vườn hoa

Tại khu Tây Hồ Tây, Quyết định của Chính phủ nêu rõ giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2025 sẽ chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng và chuẩn bị đầu tư xây dựng trụ sở các cơ quan có nhu cầu cấp thiết cần di dời. Giai đoạn từ 2026 đến 2030, thực hiện đầu tư giai đoạn 1 và chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2.

Trong đó sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng và đầu tư xây dựng trụ sở các cơ quan có nhu cầu cấp thiết cần di dời giai đoạn 1 (hoàn thành trụ sở mới, di dời và bàn giao trụ sở cũ vào năm 2030) và chuẩn bị đầu tư cho giai đoạn hai…

Tại khu vực Mễ Trì, giai đoạn từ năm 2023-2025 sẽ chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án trụ sở Bộ NN&PTNT và hoàn thành đưa công trình trụ sở Bảo hiểm xã hội Việt Nam vào sử dụng.

Chính phủ phê duyệt vị trí mới của 36 trụ sở Bộ, ngành với quy mô 90ha - Ảnh 2.

Trụ sở Bộ Ngoại giao mới nằm trên đường Lê Quang Đạo, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm (Ảnh: TN)

Từ năm 2026 – 2030, sẽ thực hiện đầu tư xây dựng trụ sở Bộ NN&PTNT và thực hiện các công việc chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng, các cơ quan khác có nhu cầu di dời. Giai đoạn năm 2030 về sau, sẽ thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng các cơ quan có nhu cầu di dời.

Nguồn lực quy hoạch sẽ được thực hiện bằng vốn đầu tư công và vốn xã hội hóa. Trong đó nguồn vốn đầu tư công sẽ chi cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng; đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và đầu tư xây dựng các công trình trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan.

Nguồn vốn xã hội hóa hoặc nguồn vốn hợp pháp khác được huy động để đầu tư các hạng mục công trình công cộng, dịch vụ sử dụng chung (trung tâm dịch vụ thương mại; trung tâm hội nghị, tổ chức sự kiện; khách sạn...).

Bên cạnh đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan và UBND thành phố Hà Nội xác định phương án khai thác cụ thể cho từng cơ sở nhà đất để phục vụ hoạt động của các cơ quan trung ương, phục vụ hoạt động của thành phố.

Trong trường hợp không có nhu cầu sử dụng làm cơ quan hành chính thì thực hiện đấu giá công khai để thu lại nguồn lực cho Nhà nước. Đối với cơ sở không có nhu cầu sử dụng làm cơ quan hành chính, việc chuyển đổi phải đảm bảo nguyên tắc đã được định hướng trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội là ưu tiên tái cấu trúc đô thị, sử dụng cho mục đích công cộng, vườn hoa, bãi đỗ xe...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem