Hà Tĩnh: Các địa phương tăng tốc triển khai hỗ trợ việc làm bền vững

Thùy Anh Thứ năm, ngày 11/05/2023 16:10 PM (GMT+7)
Cùng với các địa phương trong cả nước, Hà Tĩnh đang tăng tốc triển khai thực hiện các nội dung trong Tiểu dự án 3.4 về Hỗ trợ việc làm bền vững. Các địa phương trên địa bàn tỉnh bắt tay vào thực hiện nội dung cụ thể.
Bình luận 0

Lao động nghèo phấn khởi vì được kết nối hỗ trợ tạo việc làm bền vững 

Trong căn nhà ngói lụp xụp 2 gian, anh Nguyễn Tiến Nguyên, 32 tuổi (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) vừa được trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Tĩnh kết nối việc làm thành công. Anh Nguyên cho biết, gia đình anh vốn là hộ nghèo, sau khi cưới vợ, bố mẹ anh tách khẩu nhưng vì là hộ nghèo bền vững nên dù tách nghèo vợ chồng anh cũng chỉ có 2 bàn tay trắng nên rơi vào cảnh cận nghèo.

"Trước đây gia đình chỉ biết làm nông nghiệp, làm quanh năm không đủ ăn. Từ ngày tôi cưới vợ, ra ở riêng rồi vợ chồng tôi được giới thiệu việc làm cuộc sống mới bớt khổ. Hiện tại, tôi và vợ đều đang đi làm công nhân, thu nhập tháng cũng được 7-8 triệu đồng/2 vợ chồng", anh Nguyên kể. Giờ có công việc, gia đình anh thoát khỏi hộ cận nghèo, các con cũng được ăn học đầy đủ, cuộc sống bớt khó khăn.


hỗ trợ việc làm bền vững

Cung cấp tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nghèo Hà Tĩnh. Ảnh: BHT

Ông Trần Quốc Bảo - Phó chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết, một trong những mục tiêu trong việc thực hiện chương trình giảm nghèo của địa phương là triển khai hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người dân trong đó ưu tiên giới thiệu việc làm cho người nghèo. Từ cuối năm 2022, UBND huyện đã ban hành kế hoạch 152 UBND huyện đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025 trong đó có nội dung hỗ trợ việc làm bền vững cho người nghèo trên địa bàn huyện Hương Khê.

Mục tiêu cụ thể, huyện Hà Tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 0,6 - 1,0%/năm; Đến năm 2025, có 100% xã có tỷ lệ nghèo đa chiều đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025.

Phấn đấu tới năm 2025, có tối thiểu 80% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ kết nối việc làm thành công. Đồng thời, người lao động thuộc thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ đào tạo theo quy định và được tư vấn miễn phí nếu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Để thực hiện mục tiêu này, huyện cũng hỗ trợ việc làm bền vững thông qua việc cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững, thu nhập dữ liệu dân cư... cho người lao động, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Tuy vậy, các bước triển khai mới dừng lại ở việc xây dựng văn bản, chưa triển khai sâu, rộng ở cơ sở.

Mục tiêu kết nối việc làm bền vững cho 80% lao động thuộc hộ nghèo

Về phía UBND tỉnh Hà Tĩnh, cuối năm 2022 tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 400/KH-UBND ngày 24/10/2022 về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022- 2025 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Ông Lê Ngọc Châu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Kế hoạch số 400 đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 0,6 - 1,0%/năm. Đến năm 2025, có 100% xã có tỷ lệ nghèo đa chiều đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể, chỉ tiêu đến năm 2025 phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia. Phấn đấu 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm. Tối thiểu 80% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ kết nối việc làm thành công; Tối thiểu 200 người lao động thuộc thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ đào tạo; trong đó, có khoảng 100 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

hỗ trợ việc làm bền vững

Hộ nghèo của tỉnh Hà Tĩnh được hỗ trợ nhà ở. Ảnh: B.H.T

Để thực hiện Tiểu dự án 3.4 về "Hỗ trợ việc làm bền vững", kế hoạch đặt mục tiêu cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Theo đó, các trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm và cơ quan, tổ chức có liên quan; cơ quan quản lý nhà nước các cấp được hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến và xây dựng các cơ sở dữ liệu; hỗ trợ giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu lao động; quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu về dân cư; thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động; hỗ trợ kết nối việc làm.

Mặc dù đã có những cố gắng để triển khai nhưng tốc độ triển khai dự án còn chậm, ví như như tại huyện Can Lộc, trong khi các tiểu dự án của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo đã thực hiện thì Tiểu dự án 3.4 vẫn chưa thể triển khai.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho biết, huyện chưa thực hiện Tiểu dự án 3.4 về Hỗ trợ việc làm bền vững. Nguyên nhân là bởi chưa có cơ sở để triển khai thực hiện (Nội dung hỗ trợ yêu cầu của dự án: xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người, người tìm việc; hỗ trợ giao dịch việc làm; thu thập phân tích dự báo thị trường lao động; kết nối việc làm thành công) các nội dung này không thực hiện được vì phần mềm dữ liệu hiện nay không có nên không có cơ sở để thực hiện.

Theo phân bổ, nguồn ngân sách hỗ trợ 224.4 triệu đồng, trong đó ngân sách trung ương 204 triệu đồng; ngân sách tỉnh 14 triệu đồng; ngân sách huyện 6,4 triệu đồng. Tuy vậy, tới giờ huyện vẫn chưa thể giải ngân nguồn kinh phí này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem