Phân khúc bất động sản nào là “điểm sáng” của trong quý II/2023?

09/07/2023 07:31 GMT+7
Trong 6 tháng đầu năm 2023, hai phân khúc bất động sản công nghiệp và bán lẻ tiếp tục là "điểm sáng", bất chấp thị trường đang trải qua giai đoạn khó khăn.

Theo CBRE Việt Nam, phân khúc bất động sản công nghiệp và bán lẻ không chỉ là "điểm sáng" của thị trường, còn được các nhà đầu tư ngoại quan tâm, tìm kiếm mở rộng hoạt động.

Trong đó, phân khúc bất động sản công nghiệp cho thấy, đối với đất công nghiệp, tỷ lệ hấp thụ 6 tháng đầu năm 2023 của thị trường cấp 1 miền Bắc và miền Nam lần lượt đạt 386ha và 397ha. Mức hấp thụ này cao hơn 20% đối với miền Nam và 60% đối với miền Bắc, so với nửa đầu năm 2022. Đặc biệt, do quỹ đất sẵn sàng bàn giao hạn chế, cùng khả năng hấp thụ khả quan nên giá thuê đất công nghiệp duy trì mức tăng trưởng mạnh ở cả hai miền.

Cụ thể, giá thuê trung bình cho thị trường cấp 1 ở miền Bắc và miền Nam lần lượt ở ngưỡng 127 USD/m2/kỳ hạn còn lại và 187 USD/m2/kỳ hạn còn lại. Trong 4 năm qua, trung bình giá thuê đã tăng 7%/năm ở miền Bắc; 13%/năm ở miền Nam.

Ngoài ra, nguồn cung nhà kho và nhà xưởng xây sẵn cũng tăng trưởng mạnh. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng cộng có 0,9 triệu m2 nhà kho và nhà xưởng xây sẵn hoàn thành tại thị trường cấp 1 ở cả hai khu vực, trong đó 60% nguồn cung này tới từ phía Bắc.

Phân khúc bất động sản nào là “điểm sáng” của trong quý II/2023? - Ảnh 1.

Phân khúc bất động sản công nghiệp có nguồn cung và cầu ổn định (Ảnh: TN)

Về nguồn cầu, thị trường ghi nhận sự mở rộng của nhiều nhà sản xuất lớn như: Foxconn và Goertek tại các khu công nghiệp Bắc Giang, Bắc Ninh. Ngoài ra, sự mở rộng mạnh mẽ của nhà sản xuất Trung Quốc thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau càng góp phần giúp phân khúc đất công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn ghi nhận mức hấp thụ tốt tại phía Bắc.

Theo ông John Campbell, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ công nghiệp Savills Việt Nam, thị trường công nghiệp Việt Nam hiện đang được hưởng lợi nhờ ưu thế đến từ quá trình mở cửa biên giới, tỷ giá Việt Nam đồng ổn định; mức thuế doanh nghiệp hấp dẫn.

"Trước thực tế các công ty đa quốc gia đang tìm cách đa dạng hóa khu vực hoạt động, hoặc di dời khỏi Trung Quốc... thì thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam càng phát huy là điểm sáng bằng việc tạo điều kiện để thu hút nhà đầu tư. Ngành công nghiệp và sản xuất sẽ dẫn đầu trong thu hút dòng vốn ngoại với sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài về đất công nghiệp và nguồn cung xây sẵn chất lượng cao", ông John Campbell phân tích.

Về bất động sản bán lẻ, do nguồn cung trong 6 tháng đầu năm 2023 thấp nên tỷ lệ lấp đầy luôn duy trì ở mức cao. Doanh thu bán lẻ được ghi nhận chủ yếu đến từ ngành hàng dịch vụ, du lịch, nhiều thương hiệu bán lẻ muốn mở rộng thị trường; nhiều khách hàng ngành hàng ăn uống, thời trang có mong muốn mở mới, tham gia vào thị trường Việt Nam.

Trong khi đó, các nhà đầu tư hiện hữu liên quan đến bất động sản bán lẻ như: Lotte, Aeon, Central Retail... vẫn kỳ vọng vào thị trường và cam kết tiếp tục đầu tư lâu dài, đặc biệt, Aeon dự định xây trung tâm thương mại tại thành phố Huế...

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa tại Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 235,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2022. Điều này đã giúp cho thị trường bất động sản bán lẻ phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Khu vực trung tâm tiếp tục được nhiều nhãn hàng quan tâm, giúp tỷ lệ trống giảm và giá thuê cải thiện. Tỷ lệ trống giảm xuống còn 2,6%, giảm 2 điểm phần trăm so với cuối năm 2022. Khu vực ngoài trung tâm, giá chào thuê đạt 27 USD/m2/tháng, tương đương giá chào thuê cuối năm 2022, nhưng tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022...

Thị trường bán lẻ Hà Nội trong quý II/2023, chứng kiến sự mở rộng tích cực của các nhà bán lẻ quốc tế tại các trung tâm thương mại lớn. Đáng chú ý, các nhãn hàng ăn uống và thời trang vẫn là nhóm khách hàng tích cực tìm kiếm diện tích thuê mới để mở rộng tại Hà Nội. 


Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục