Hai vợ chồng ông nông dân tỉnh Thái Nguyên chỉ ngồi nhà đan bu úp gà cũng ra gần 1 triệu/ngày

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ sáu, ngày 13/11/2020 07:15 AM (GMT+7)
Dù chỉ là nghề phụ, nhưng có những ngày, vợ chồng ông Nguyễn Văn Quang (xóm Náng, xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) kiếm gần 1 triệu đồng từ việc đan bu nhốt gà, hàng rào...bằng dây thép.
Bình luận 0

Ngoài làm nông, những năm gần đây, nhiều người dân ở xóm Náng, xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên còn có thêm nghề đan thép, đan sắt. 

Dù chỉ là nghề tay trái, nhưng đan sắt đã giúp nhiều hộ dân có thu nhập tốt hơn hẳn, có của ăn của để. Trong những hộ gia đình làm nghề đan sắt lâu năm ở xóm Náng, phải kể đến vợ chồng ông Nguyễn Văn Quang.

Vợ chồng ông nông dân Thái Nguyên kiếm trên 10 triệu đồng mỗi tháng từ nghề phụ này  - Ảnh 1.

Trung bình mỗi ngày nếu làm hết công suất, hai vợ chồng ông Quang (xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) có thế kiếm về thu nhập khoảng 800.000 đồng.

Ông Quang chia sẻ: "Gia đình tôi vốn có nghề trồng rau từ lâu, nên ban đầu gia đình lựa chọn công việc đan sắt này chỉ nhằm phục vụ nhu cầu của gia đình. Tuy nhiên, khi đã làm quen tay, thu nhập từ công việc này mang lại cũng khá cao, lại không quá vất vả, nên vợ chồng tôi đã quyết định gắn bó lâu dài với nó".

Theo ông Quang, việc đan sắt có ưu điểm là không phải bỏ vốn, thị trường tiêu thụ khá ổn định, lại có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi để làm nên rất thuận tiện. 

Ngoài ra, việc đan sắt này cũng tương đối đơn giản, chỉ cần chịu khó quan sát và để ý là ai cũng có thể làm được. Trung bình mỗi ngày, nếu làm hết công suất, hai vợ chồng ông cũng kiếm được khoảng 800.000 đồng.

Vợ chồng ông nông dân Thái Nguyên kiếm trên 10 triệu đồng mỗi tháng từ nghề phụ này  - Ảnh 2.

Những công việc nhẹ nhàng hơn như đan lồng, gấp thép được dành cho người phụ nữ

Vừa nhanh tay cắt những dây thép thừa lại sau khi đan, ông Quang vừa tâm sự: "Gia đình tôi đã làm nghề này được khoảng 6 – 7 năm nay. Dù là nghề phụ nhưng có những lúc thu nhập còn cao hơn cả nghề chính. 

Ban đầu, vợ chồng tôi tự mày mò, học hỏi từ những người đã có kinh nghiệm trước đó, dần dần đan nhiều cũng thành quen. Ngoài đan lồng thép, vợ chồng tôi còn đan hàng rào, sọt, bu sắt với đủ loại kích cỡ khác nhau".

Vợ chồng ông nông dân Thái Nguyên kiếm trên 10 triệu đồng mỗi tháng từ nghề phụ này  - Ảnh 3.

Ông Quang cắt những mẩu thép thừa sau khi đan xong

Theo ông Quang, việc đan lồng théo, bu nhốt gà tương đối đơn giản, gần như chỉ đan một cách duy nhất theo hình mắt cáo, kiểu dáng và kích thước được làm theo mẫu mà đơn vị đặt hàng. 

Những công đoạn đòi hỏi nhiều sức khỏe hơn thì người đàn ông sẽ đảm nhiệm, còn việc đan lồng và gấp thép sẽ nhường lại cho người phụ nữ.

Tuy nhiên, trong quá trình đan lồng sắt cũng tiềm ẩn một số rủi ro, tai nạn nhất định như bị đầu nan cắm vào chân tay hoặc mắt. Do vậy trong lúc đan, người đan cần phải sử dụng đồ bảo hộ lao động như găng tay, kính mắt để ngăn ngừa tai nạn. 

Nghề đan sắt có thể làm quanh năm, vì chỉ làm trong nhà nên rất tiện lợi, lại không phải dầm mưa dãi nắng. 

Trung bình với đan lồng sắt, mỗi ngày một người có thể đan tới 20 chiếc, tiền công từ 17.000 – 55.000 đồng/chiếc tùy theo kích thước sản phẩm. 

Còn đối với đan hàng rào, tiền công được tính với giá 4.500 đồng/kg. Nếu tận dụng hết được thời gian rảnh rỗi, trung bình mỗi tháng, vợ chồng ông cũng kiếm được   khoảng  20 triệu đồng nhờ đan sắt.

Vợ chồng ông nông dân Thái Nguyên kiếm trên 10 triệu đồng mỗi tháng từ nghề phụ này  - Ảnh 4.

Lồng thép được sử dụng để nhốt gà, nhất là gà chọi.

Những sản phẩm này có độ bền cao, làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, giá cả lại hợp lý, bởi vậy mà hàng làm ra đến đâu bán hết đến đó.

Thời gian tiêu thụ sản phẩm lớn nhất thường từ tháng 10 đến tháng 4 hằng năm. 

Vợ chồng ông nông dân Thái Nguyên kiếm trên 10 triệu đồng mỗi tháng từ nghề phụ này  - Ảnh 5.

Ưu điểm của những sản phẩm này là có độ bền cao, giá cả lại hợp lý

Ông Lê Đăng Toàn – Chủ tịch UBND xã Nhã Lộng (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) cho biết, xóm Náng hiện có trên 200 hộ dân thì có khoảng hơn 20 hộ dân làm nghề đan sắt, trong đó chủ yếu là đan lấy công cho làng nghề bên cạnh ở xã Điềm Thụy. 

Nghề đan sắt xuất phát ban đầu từ xóm Điềm Thụy, xã Điềm Thụy rồi dần dần phát triển và mở rộng sang một số khu vực lân cận. Khoảng hơn chục năm về trước, nghề đan sắt đã bắt đầu manh nha xuất hiện ở một số hộ gia đình, tuy nhiên số lượng không lớn. Hơn nữa, sản phẩm ban đầu làm ra chủ yếu nhằm phục vụ cho nhu cầu sử dụng của các gia đình.

Tuy nhiên, gần chục năm nay, do diện tích đất nông nghiệp dần bị thu hẹp lại nên người dân đã lựa chọn công việc này để kiếm thêm thu nhập.

Nhờ nghề đan sắt mà gia đình ông Quang cũng như nhiều hộ gia đình ở xóm Náng, xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có cuộc sống khấm khá hơn trươcs. Nghề đan lồng thép, đan lồng sắt này không chỉ giúp tăng thu nhập cho các hộ gia đình mà còn góp phần giải quyết công ăn việc làm đáng kể cho một lực lượng lao động nhàn rỗi ở địa phương.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem