Hàng loạt quy định quan trọng về tiền lương hết hiệu lực từ 1/2

09/01/2021 14:28 GMT+7
Từ 1-2, Nghị định 145/2020 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động 2019 về điều kiện lao động và quan hệ lao động sẽ có hiệu lực thi hành. Theo đó, nhiều quy định cũ về tiền lương sẽ bị bãi bỏ.

Điều 114 Nghị định 145/2020 quy định, từ 1/2, 2 Nghị định quan trọng về tiền lương sẽ hiệu lực thi hành, đó là Nghị định 49/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương và Nghị định 121/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 49/2013/NĐ-CP.

2 Nghị định này nêu rõ chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Hội đồng tiền lương quốc gia theo quy định tại Khoản 2 Điều 92; nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 93 của Bộ luật Lao động 2012.

Hàng loạt quy định quan trọng về tiền lương hết hiệu lực từ 1/2 - Ảnh 1.

Hàng loạt quy định quan trọng về tiền lương hết hiệu lực từ 1/2

Tuy vậy, từ đầu năm 2021, do Bộ luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực trong đó có nhiều điều chỉnh trong chính sách tiền lương nên quy định về việc xây dựng thang lương, bảng lương cũng có sự thay đổi.

Khoản 3 Điều 93 Bộ luật này nêu rõ, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động. Thang lương, bảng lương và mức lao động phải được công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện.

Như vậy, từ 1/1/2021, doanh nghiệp không còn phải “gửi cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động” như quy định trước đây. Bên cạnh đó, định nghĩa mức lao động cũng được quy định cụ thể: “Mức lao động phải là mức trung bình bảo đảm số đông người lao động thực hiện được mà không phải kéo dài thời giờ làm việc bình thường và phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức”.

Năm 2021, tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc, mất việc cũng có sự thay đổi. Khoản 3 Điều 12 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nêu rõ, tiền lương làm căn cứ tính trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động, bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác quy định tại điểm a, tiết b1 điểm b và tiết c1 điểm c khoản 5 Điều 3 Thông tư này của 6 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc, mất việc làm.

Đối chiếu với Điều 3 Thông tư này, tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là mức bình quân

6 tháng trước khi nghỉ việc của những khoản như: Mức lương theo công việc hoặc chức danh; Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ; Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

HL
Cùng chuyên mục