Hậu quả từ sai lầm truyền thông và việc "ném đá" sinh viên Hải Dương chống dịch

Nhật Lệ Thứ hai, ngày 05/07/2021 16:27 PM (GMT+7)
Mấy ngày nay, không dưng, 300 sinh viên Hải Dương vào Sài Gòn tham gia chống dịch bỗng hứng chịu nhiều lời chỉ trích, dằn vặt. Cộng đồng mạng lên tiếng, đừng đổ dầu vào ngọn lửa bùng lên từ sai lầm truyền thông, vì rằng trước "chiêu trò" của người lớn, các em sinh viên dù vô tội vẫn phải "làm bia" hứng chịu.
Bình luận 0

Người Sài Gòn rộng lòng đón những ai giúp mình, nhưng cũng tự trọng đến mức chưa cần xin tiếp viện. Việc các em sinh viên Hải Dương xuất hiện trên máy bay với những cánh tay giơ cao đầy quyết tâm, lẫn những hình ảnh cổ động rầm rộ cho "chiến dịch", lúc đầu gây ngạc nhiên cho không ít người Sài Gòn, sau đó là tác dụng ngược, phản cảm. Bởi vì cách viết của một số bài báo đã "dội gáo nước lạnh" vào lòng biết ơn của người Sài Gòn đối với người đến giúp mình.

Cần thế không, những lời đao to búa lớn khơi gợi cảm xúc thời chiến lẫn ngôn từ sáo rỗng gây tổn thương cho người nghe? Cần không sự rầm rộ đưa các em tới theo lời mời của một doanh nghiệp? Càng không cần khi câu chuyện bị đẩy lên, rằng khách sạn 4,5 sao này nọ đón chào các em, rồi các em không nhập cuộc ngay bởi theo chỉ huy thì vật tư không đảm bảo an toàn chống dịch… 

Từ đây, khoảng cách giữa vùng miền chợt bị khoét sâu, khi Hải Dương và TP.HCM cùng chống dịch mà sao vật tư y tế được cấp lại khác… Rồi cảm xúc của người miền trong sẽ ra sao, khi họ bị đẩy vào cái thế phải nhận, không thể từ chối, không biết từ đâu, trong lúc nhà bao việc, khi con số ca nhiễm lên tới trên 6.000 ca, vì dịch bệnh và vì sắp cạn sức lực cũng như tài lực.

Ngay sau đó, nhiều người lên tiếng chỉ trích cánh truyền thông quá đà và "thương vụ" của người lớn khiến bọn trẻ ngơ ngác kẹt ở giữa. Tổn thương cho tất cả các bên khi cư dân mạng trách cứ, đổ lỗi cho nhau, gây chia rẽ về tinh thần lúc mà lẽ ra sự đoàn kết, sự cảm thông cần hơn cả. Rất may những chệch choạc ban đầu về công tác tổ chức đã được chỉnh đốn, các thầy giáo đã kịp thời động viên, để các sinh viên Hải Dương bỏ qua những chuyện không hay và nhập cuộc nhiệt tình, những kinh nghiệm của các em khi tham gia chống dịch ở Bắc Ninh, Bắc Giang rất quý giá. 

"Chúng tôi không chạy theo dư luận, lúc này chúng tôi đang rất bình tĩnh, tập trung công việc với tinh thần cao nhất" - thầy Ngụy Đình Hoàn - Trưởng đoàn hỗ trợ Trường Đại học Y tế Kỹ thuật Hải Dương nói với một số tờ báo. Các em đã được ghi nhận làm việc nhiệt tình, chuyên nghiệp, tâm lý. Đó thực sự là tinh thần cống hiến của tuổi trẻ, không ngại khó, không ngại nguy nan. Những ồn ào trên mạng xã hội có thể cũng là một trải nghiệm không mong muốn, nhưng cũng không thừa để giúp các em hòa nhập nhanh hơn với cộng đồng trong những lần tới, và để vững bước trong một thời đại mà truyền thông có sức mạnh ghê gớm.

Hậu quả từ sai lầm truyền thông và việc "ném đá" sinh viên Hải Dương chống dịch - Ảnh 2.

Sinh viên Hải Dương đã nhập cuộc nhiệt tình hỗ trợ TP.HCM chống dịch. Ảnh: TTXVN.

 Ở một góc nhìn khác, hàng nghìn sinh viên ở TP.HCM cũng đang làm rất tốt công việc hỗ trợ y bác sĩ tuyến đầu. Ngoài ra, còn 1.000 sinh viên Y Dược khác đang chờ để được tham gia chiến dịch… Các em cũng là hình ảnh đẹp cho một tuổi trẻ hết mình, sẵn sàng chia sẻ, tham gia, khi Sài Gòn không ngủ liên tục xét nghiệm, truy vết các ca nhiễm cộng đồng và tích cực dập dịch. 

Giữa tâm dịch cùng ồn ào tranh cãi, bức thư của người thầy trường y gửi cho sinh viên TP.HCM trở nên lắng đọng và làm cả nước tỉnh thức. "Tụi con thể hiện phẩm chất, bản lãnh của mình từ khi chưa tốt nghiệp. Tụi con đã bụi đời hơn thầy, chống dịch từ khi chưa rời ghế trường y, còn thầy bụi đời chống dịch từ khi là nội trú".

Thư của thầy Nguyễn Thế Dũng từ ĐH Quốc gia TP.HCM làm ấm lòng sinh viên đang ngày đêm hết lòng tham gia chống dịch ở tuyến đầu và dập tắt phần nào những lùm xùm tranh cãi không đáng có từ câu chuyện 300 sinh viên Hải Dương "kéo quân rầm rộ" bước xuống bậc thang của máy bay. 

Cùng với thầy Dũng, thầy Phó hiệu trưởng ĐH Y Dược TP.HCM Nguyễn Hoàng Bắc cũng ca ngợi hết lời sinh viên thành phố: "Các thầy cô rất xúc động và tự hào khi nhìn thấy sức trẻ, sự nhiệt huyết và tinh thần cống hiến của các em sinh viên trong những ngày qua, bởi đây là nhiệm vụ khó khăn.

Qua đó, chúng ta thật sự thấu hiểu được rằng, nhiệm vụ lần này không chỉ có chuyên môn mà còn phải có sức khỏe, nhưng quan trọng nhất vẫn chính là đạo đức của một người nhân viên y tế."

Cảm ơn các thầy đã động viên, khích lệ kịp thời tinh thần của sinh viên y khoa TP.HCM, những người không hề bị lãng quên trong cuộc chiến với dịch bệnh này. Và quan trọng như thầy khẳng định, là y đức của người mặc áo blouse trắng, làm sao xứng đáng với sự tin yêu của bệnh nhân, chứ không phải lời tung hô có cánh.

Câu chuyện sai lệch về truyền thông dẫn đến hậu quả phủ nhận cực đoan lòng nhiệt tình, tinh thần hỗ trợ của đoàn sinh viên Hải Dương và dấy lên làn sóng phản ứng kiểu "Sài Gòn chưa cần ai giúp". Sai lầm trong truyền thông có thể là liều thuốc độc làm triệt tiêu thiện ý và mong muốn tốt đẹp từ phía các bạn trẻ cũng như lấy đi sự đoàn kết rất cần trong thời điểm này. Sài Gòn vẫn rất cần sự hỗ trợ từ các nơi trên cả nước, nhưng cách giúp hãy chân thành và tế nhị, đừng làm tổn thương nhau vì lý do này khác.

Sài Gòn luôn được biết đến như một thành phố rộng lớn, bao dung. Những góc nhìn thiển cận, hẹp hòi lúc Sài Gòn đang bệnh không đại diện cho tất cả người dân thành phố, cũng không ngăn được tinh thần chia sẻ, đoàn kết, chung tay của người Việt để cùng nhau vượt qua cơn đại dịch. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem