Hệ lụy cổ phiếu ngân hàng dưới “mệnh”
Cổ phiếu KLB của Kienlongbank là một trong những cổ phiếu ngân hàng điển hình. Lên sàn từ năm 2017 đến nay, giá cổ phiếu KLB của Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) hiện chỉ giao động quanh mức 9.000 – 10.000 đồng/cp (Trong phiên giao dịch ngày 6/7, KLB của Kienlongbank hiện giao dịch tại mức 9.500 đồng/cp).
Điều đáng nói, tại đại hội đồng cổ đông năm 2020, cổ đông của Kienlongbank đã thông qua qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế 750 tỷ đồng, gấp gần 9 lần so với con số đạt được năm 2019.
Trước đó, kết thúc năm 2019, lợi nhuận trước thuế của Kienlongbank chỉ đạt 86 đồng, giảm 70% so với năm 2018 và chỉ hoàn thành 28% kế hoạch năm.
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của một số nhà phân tích, dù kết quả kinh doanh được kỳ vọng tăng trưởng mạnh nhưng con đường "vượt mệnh" của cổ phiếu KLB sẽ không dễ dàng trong năm 2020 bởi nợ xấu vẫn đang là "điểm yếu" cốt lõi của nhà băng này.
Báo cáo tài chính quý I/2020 của Kienlongbank cho thấy, nợ nhóm 5 của Kienlongbank tăng vọt 1.888 tỷ đồng, tương đương tăng 790%. Nợ xấu nội bảng tăng 1.898 tỷ đồng, tương đương tăng 555%. Tỷ lệ nợ xấu tại KienLongBank tăng phi mã từ 1,02% lên đến 6,62%.
Nợ xấu cao, Kienlongbank đột ngột tăng trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng gấp 37 lần so với cùng kỳ năm 2019, chiếm gần 69 tỷ đồng. Đó là nguyên nhân khiến lợi nhuận trước thuế và sau thuế cùng giảm 23% so với cùng kỳ năm trước, còn hơn 57 tỷ đồng và 46 tỷ đồng.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - LPB) đặt mục tiêu năm 2020 theo hướng thận trọng với tổng tài sản đạt 210.000 tỷ đồng, huy động thị trường 1 đạt 168.000 tỷ đồng, dư nợ thị trường 1 đạt 156.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.700 tỷ đồng và tỷ lệ chi trả cổ tức là 8%. Trong khi đó, LienVietPostBank đạt lợi nhuận trước thuế là 2.039 tỷ đồng trong năm 2019, tăng 68% so với năm 2018.
Mới đây, LienVietPostBank cũng quyết định phương án tăng vốn thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu trong năm nay. Theo đó, Ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 10% trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm phát hành (97.694.831 cổ phần tương đương 976 tỷ đồng). Vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức năm 2019 là 10.746 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhiều năm qua giá cổ phiếu LPB cũng không khá khẩm hơn khi chỉ xoay quanh mệnh giá. Tính từ đầu năm 2020 đến nay, cổ phiếu LPB chỉ dao động quanh mức 7.000-9.000 đồng/cp. Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/6, cổ phiếu LPB đã đánh mất 0.200 đồng (-2,38%) xuống giá 8.200 đồng.
Cổ phiếu NVB của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (tiền thân là Navibank) sau khi được niêm yết trên trên HNX với giá 11.900 đồng/cp vào năm 2010, giá cổ phiếu của nhà băng này liên tục đi xuống. Trong phiên giao dịch ngày hôm nay, cổ phiếu NVB đang giao dich quanh mức 8.600 đồng/cp.
Tính từ đầu năm 2020 đến nay, cổ phiếu NVB giao động quanh mức 8.000 - 9.000 đồng/cp. Bao giờ thị giá cổ phiếu tại NVB trên 10.000 đồng/cp vẫn là câu hỏi chưa có hồi đáp?
Giới phân tích nhận định, việc giá cổ phiếu chìm sâu dưới mệnh giá khiến các ngân hàng niêm yết rất khó thành công trong việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn.
"Một trong những mục tiêu lớn nhất của ngân hàng khi niêm yết trên chứng khoán là được tiếp cận với kênh huy động vốn dài hạn. Nói cách khác, sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán chính là mở ra kênh huy động vốn cho doanh nghiệp và ngân hàng. Tuy nhiên, nếu lên sàn nhiều năm mà không huy động được vốn, việc niêm yết trên sàn của ngân hàng không còn ý nghĩa", một chuyên gia tài chính – ngân hàng nhấn mạnh.