Hệ thống cảng cạn sẽ giúp hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu tăng tới 35%

06/09/2023 17:56 GMT+7
Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, hệ thống cảng cạn có khả năng thông qua khoảng từ 25% - 35% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu theo các hành lang vận tải.

Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, hệ thống cảng cạn sẽ hình thành các cảng cạn, cụm cảng cạn với tổng công suất khoảng từ 11,9 triệu TEU/năm đến 17,1 triệu TEU/năm.

Trong đó, khu vực phía Bắc gồm các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng từ 4,29 triệu TEU/năm đến 6,2 triệu TEU/năm;

Khu vực miền Trung - Tây Nguyên có các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng từ 0,9 triệu TEU/năm đến 1,4 triệu TEU/năm; khu vực phía Nam có các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng từ 6,8 triệu TEU/năm đến 9,5 triệu TEU/năm.

Hệ thống cảng cạn sẽ giúp hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu tăng tới 35% - Ảnh 1.

Hàng hoá thông qua cảng Chu Lai, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Thế Anh

Định hướng đến năm 2050, phát triển hệ thống cảng cạn trở thành các đầu mối tổ chức vận tải, trung chuyển, phân phối hàng hóa, kết hợp với cung cấp các dịch vụ logistics, có khả năng thông qua khoảng 30% - 35% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu theo các hành lang vận tải, đáp ứng nhu cầu dịch vụ logistics tại các địa phương.

Trong bối cảnh nhu cầu vận tải container ở Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là vận tải đường biển đã kéo theo sự phát triển của các cảng biển, vận tải đa phương thức và logistics, việc phát triển cảng cạn như "cánh tay nối dài" của cảng biển vào sâu nội địa giúp tăng hiệu quả khai thác cảng biển.

Quy hoạch phát triển cảng cạn đóng vai trò thúc đẩy triển khai đầu tư khai thác cảng cạn, giảm gánh nặng ùn tắc do thiếu hụt kho bãi, ùn tắc giao thông trong vận tải hàng hóa đến cảng biển và các cửa khẩu đường bộ hiện nay; thúc đẩy hình thành các cảng cạn gắn với đường thủy nội địa, đường sắt để giảm thị phần vận tải đường bộ trên các hành lang vận tải container, góp phần tái cơ cấu vận tải, phát triển vận tải đa phương thức, giảm chi phí vận tải và ô nhiễm môi trường.

Quy hoạch cũng là căn cứ để đẩy nhanh hình thành các cảng cạn mới, chuyển đổi các điểm thông quan nội địa (ICD) đã được quy hoạch cảng cạn; Căn cứ để địa phương và doanh nghiệp kết hợp quy hoạch phát triển hiệu quả cảng cạn và trung tâm logistics; Đẩy nhanh việc hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan.

Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đảm bảo sự đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành trên cả nước.

Trong đó, có các quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa, hàng không, đặc biệt là quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển và quy hoạch cạn các địa phương.

Quy hoạch được phê duyệt là cơ sở thúc đẩy hình thành và phát triển hệ thống cảng cạn để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu, tăng năng lực thông qua hàng hóa của các cảng biển; Tổ chức vận chuyển container một cách hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu tối ưu hóa vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu của từng khu vực và các hành lang kinh tế, hợp lý hóa tổ chức vận tải với hãng container, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp để nâng cao chất lượng, giảm chi phí dịch vụ vận tải và logistics.

Đồng thời, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ trực tiếp tại chỗ với hệ thống cảng biển, nhu cầu kết nối vận tải đa phương thức, tổ chức giao thông tại các khu vực hậu phương xa cảng biển; Thúc đẩy huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư phát triển cảng cạn theo quy hoạch.

Thế Anh
Cùng chuyên mục