Hệ thống dịch vụ Thuế điện tử phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ và toàn diện

PV Thứ sáu, ngày 07/04/2023 06:59 AM (GMT+7)
Với sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính, trong những năm qua, ngành Thuế đã luôn chú trọng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế; tập trung triển khai các giải pháp chuyển đổi số.
Bình luận 0

Với việc triển khai "Hệ thống hóa đơn điện tử - giải pháp góp phần thúc đẩy chuyển đổi số", Tổng cục Thuế đã được vinh danh ở hạng mục "Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc" tại Lễ trao Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam năm 2022 - Vietnam Digital Awards 2022 (VDA 2022)

Chuyển đổi số ngành Thuế góp phần phục vụ người dân tốt hơn

Hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý cũng như nâng cao chất lượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân, doanh nghiệp (DN) thực hiện nghĩa vụ với NSNN, đóng góp chung vào công cuộc chuyển đổi số của quốc gia. Trong những năm qua, ngành Thuế đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Kết quả đạt được trong công tác chuyển đổi số ngành Thuế và hiệu quả mang lại đối với người dân, DN.

Theo đó, ngành Thuế đã hoàn thành triển khai hệ thống hóa đơn điện tử (HĐĐT) trên phạm vi toàn quốc và mở rộng triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền. Việc triển khai HĐĐT không những góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, DN, thay đổi phương thức quản lý của cơ quan thuế theo hướng tự động mà còn thúc đẩy chuyển đổi số trong các DN và các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan thuế.

Hệ thống dịch vụ Thuế điện tử phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ và toàn diện - Ảnh 1.

Hệ thống dịch vụ Thuế điện tử đã có sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ và toàn diện. Ảnh: Bùi Dương.

Đến nay, thống kê trên phạm vi toàn quốc, kết quả triển khai hệ thống HĐĐT của ngành Thuế đã có trên 3,3 tỷ hóa đơn được phát hành. Đối với HĐĐT cho thấy công tác vận hành, xử lý hạ tầng kỹ thuật hệ thống HĐĐT nhằm đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định 24/7, đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, và xử lý cấp mã HĐĐT, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Về triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền đã có trên 10.000 DN, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công, vượt kế hoạch triển khai giai đoạn 1, với số lượng hóa đơn có mã khởi tạo từ máy tính tiền là 1.796.510 hóa đơn.

Thực hiện Chương trình hóa đơn may mắn, toàn ngành đã triển khai tổ chức lựa chọn hóa đơn may mắn. Đến nay, 100% Cục thuế đã hoàn thành việc tổ chức lựa chọn hóa đơn may mắn quý II-III/2022 và và 62/63 Cục thuế đã hoàn thành việc tổ chức lựa chọn hóa đơn may mắn quý IV/2022, với tổng số giải thưởng là 4.339 giải được trao đến tay người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, ngành Thuế đẩy nhanh quá trình nâng cấp các ứng dụng quản lý thuế và hỗ trợ người nộp thuế (NNT) đáp ứng Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn; Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021, Nghị định số 92/2021/NĐ-CP về một số giải pháp nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Việc nâng cấp và triển khai ứng dụng đáp ứng các bổ sung, sửa đổi chính sách thuế mới đã góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý thuế và hỗ trợ NNT tuân thủ nghĩa vụ thuế, đặc biệt là hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Đối với công tác quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), Tổng cục Thuế đã tham mưu trình Quốc hội, Chính phủ ban hành hệ thống cơ chế chính sách pháp luật, tạo hành lang pháp lý trong làm cơ sở xây dựng và triển khai Cổng TTĐT dành riêng cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) nhằm hỗ trợ NCCNN tiếp cận, tìm hiểu về chính sách thuế Việt Nam, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế.

Đối với việc triển khai Cổng TTĐT dành cho NCCNN, thống kê đến nay đã có 49 NCCNN đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Hoa Kỳ; Hà Lan; Hàn Quốc; Singapore; Hong Kong; Ireland; Lithuania; Thụy Sĩ, Úc,...

Thống kế cho thấy, tổng số thuế đã nộp từ khi chính thức vận hành Cổng TTĐT trực tuyến dành cho NCCNN là 5.695 tỷ đồng. Cụ thể: Năm 2022 đạt 3.478 tỷ đồng. Năm 2023 đạt 2.280 tỷ đồng (từ 1/1/2023 đến nay, trong đó 1.854 tỷ đồng các NCCNN nộp trực tiếp qua Cổng TTĐT và 426 tỷ đồng do các bên Việt Nam khấu trừ, nộp thay).

Kết quả này đã đáp ứng đúng yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 889/CĐ-TTg ngày 01/10/2022 về chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số.

Tiếp đó, Tổng cục Thuế triển khai Cổng dữ liệu thông tin TMĐT đáp ứng yêu cầu tiếp nhận thông tin tổng hợp của tổ chức, cá nhân kinh doanh qua Sàn TMĐT trong trường hợp Sàn TMĐT chưa thực hiện khai thuế thay cho cá nhân. Việc mở rộng triển khai các dịch vụ điện tử góp phần tạo ra sự công bằng, minh bạch đối với các DN hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Đối với Cổng dữ liệu thông tin TMĐT, đến nay, theo dữ liệu thống kê từ Cổng dữ liệu thông tin TMĐT, cơ quan thuế đã có được danh sách của 146.922 cá nhân và 16.626 tổ chức đăng ký bán hàng trên sàn, với 36.155.928 lượt giao dịch và tổng giá trị giao dịch là 9.632 tỷ đồng.

Đẩy mạnh triển khai dịch vụ thuế điện tử

Một điểm nhấn nổi bật, đó là ngành Thuế đã hoàn thành triển khai hệ thống dịch vụ Thuế điện tử cung cấp 103 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong lĩnh vực thuế, tích hợp 97 dịch vụ lên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Trong đó, đã có 99% DN trong tổng số hơn 887.000 DN sử dụng dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử.

Hệ thống dịch vụ Thuế điện tử phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ và toàn diện - Ảnh 2.

Chuyển đổi số ngành Thuế tạo nhiều điều kiện cho doanh nghiệp. Ảnh: N.Đ.

Bên cạnh đó, ngành Thuế tiếp tục đẩy mạnh triển khai ứng dụng Dịch vụ thuế điện tử trên thiết bị di động (eTax-Mobile) nhằm mở rộng thêm các kênh giao tiếp, hỗ trợ NNT tra cứu thông tin nghĩa vụ thuế, khai thuế, nộp thuế mọi lúc, mọi nơi và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Kết quả đến ngày 15/3/2023 đã có 287.212 lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng eTax Mobile với 224.042 giao dịch với tổng số tiền trên 790 tỷ đồng.

Việc ngành Thuế đẩy mạnh triển khai các dịch vụ thuế điện tử và mở rộng thêm các kênh giao tiếp nhằm hỗ trợ tra cứu thông tin nghĩa vụ thuế, khai thuế, nộp thuế mọi lúc, mọi nơi không những tạo thuận lợi cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Đối với việc triển khai hệ thống tích hợp với CSDL quốc gia về dân cư để sử dụng mã căn cước công dân xác thực tài khoản đăng nhập dịch vụ thuế điện tử cho cá nhân và tổ chức khi thực hiện các thủ tục hành chính thuế, tiến tới sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế. Ngành Thuế đã triển khai tích hợp với CSDL quốc gia về dân cư, hướng tới mục tiêu sử dụng mã căn cước công dân làm mã số thuế.

Theo đó, Tổng cục Thuế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các cơ quan chức năng triển khai sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế giúp minh bạch, thống nhất thông tin quản lý và dùng chung dữ liệu với CSDL quốc gia về dân cư nên đảm bảo việc định danh chính xác được thông tin NNT là cá nhân, giảm thiểu sai sót trong quá trình NNT thực hiện thủ tục hành chính với cơ quan thuế và các cơ quan nhà nước khác.

Với số định danh gắn liền với cá nhân là duy nhất, không thay đổi và không trùng lắp với cá nhân khác. Do vậy, mã số định danh rất phù hợp để cơ quan thuế sử dụng làm mã số thuế cá nhân đảm bảo tính duy nhất, thống nhất với các cơ quan quản lý nhà nước khác, nâng cao hiệu quả quản lý thuế nói riêng và quản lý nhà nước nói chung, đặc biệt là trong quản lý chuyển nhượng bất động sản.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem